Aa

Nhiệm vụ ưu tiên cao nhất cho quá trình đô thị hóa

Thứ Bảy, 18/06/2022 - 13:30

Tại phiên toàn thể của Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022 ngày 17/6, các nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh không "hy sinh" công trình phúc lợi để phát triển khu thương mại, nhà ở...

Phiên toàn thể của Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022 đã diễn ra chiều 17/6, tại Hà Nội. Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì phiên họp.

Không "hy sinh" công trình phúc lợi để phát triển khu thương mại, nhà ở

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phát biểu đề dẫn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, hiện nay, Việt Nam đã có 869 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40,5% năm 2021. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, trung bình từ 12-15%, gấp 1,5 đến 2 lần so với bình quân chung của cả nước. Không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiện đại. Chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Tỷ lệ đô thị còn thấp, phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Các mô hình đô thị phát triển bền vững, văn minh, hiện đại chưa nhiều. Ngoài ra, chất lượng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu cả về hạ tầng và năng lực quản lý. Tình trạng chung của các đô thị trên toàn quốc là tắc nghẽn giao thông, ngập úng khi có mưa lớn và ô nhiễm môi trường...

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phó Thủ tướng chỉ rõ, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" với 5 nhóm quan điểm và 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó và trước hết là trách nhiệm của Chính phủ, Đảng bộ chính quyền các địa phương.

Gợi mở một số vấn đề để các đại biểu thảo luận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, công tác phát triển và quản lý đô thị. Bên cạnh đó, chỉnh trang đô thị hiện hữu và phát triển các đô thị mới. "Việc chỉnh trang các đô thị trung tâm vừa phải giữ gìn được các công trình văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc có giá trị nhưng đồng thời phải đặc biệt chú trọng cải tạo hệ thống hạ tầng, bảo đảm từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại; không "hy sinh" các công trình phúc lợi để phát triển các khu thương mại, dịch vụ, nhà ở", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng lưu ý, việc phát triển đô thị phải gắn với quản lý, phát triển thị trường bất động sản, bảo đảm ổn định và bền vững, giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho người dân tại khu vực đô thị, nhất là các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách, công nhân, người lao động. Bên cạnh đó, cần có giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải...

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đổi mới tư duy về phát triển đô thị bền vững

Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã tập trung đi sâu phân tích và làm rõ định hướng chiến lược đô thị hóa, phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; việc hoàn thiện thể chế chính sách, hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW; kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng lực quản trị đô thị; phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững và thích ứng tại Việt Nam; kinh nghiệm xây dựng, phát triển mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ...

Với tư cách là Bộ chủ quản phụ trách lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức về đô thị, vai trò của đô thị, đặc thù của đô thị, đặc thù thể hiện trên các chỉ tiêu phát triển đô thị; chủ động rà soát chỉ tiêu trung bình của Nghị quyết số 06-NQ/TW, đối chiếu với các chỉ tiêu phát triển đô thị tại địa phương (hiện trạng, đặc thù, dự báo, định hướng) đánh giá mức độ khả thi và đề xuất nhóm chỉ tiêu sát với tình hình thực hiện của địa phương cho giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

Trên cơ sở các chỉ tiêu khả thi đề xuất, các địa phương xác định chương trình hành động, kế hoạch thực hiện; trong đó có thể có chương trình/dự án thuộc trách nhiệm của địa phương và có chương trình/dự án cần phải thực hiện trên quy mô vùng hoặc toàn quốc. Các địa phương đề xuất chính sách và nguồn lực cần thiết để thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện đã đề xuất, cố gắng lồng ghép chính sách, cơ chế, nguồn lực riêng ở từng địa phương, với các chính sách, cơ chế liên vùng, chính sách quốc gia và nguồn lực từ ngân sách để thực hiện các vấn đề đề xuất...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phát biểu kết luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, đây là thời điểm rất ý nghĩa, phù hợp để Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời. Nếu làm tốt công tác thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết, đây sẽ trở thành nguồn động lực quan trọng, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước; đóng vai trò then chốt cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam như mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững là nội dung quan trọng, yêu cầu cao nhất để đảm bảo quá trình phát triển đô thị trong thời gian tới. Trong đó phải xác định, đô thị hóa là tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới; cần nắm bắt được quy luật, nhận thức đúng, đầy đủ về đặc thù của đô thị để chủ động, sáng tạo các giải pháp phát triển của địa phương.

Theo ông Trần Tuấn Anh, một trong những khâu đột phá quan trọng nhất để xây dựng, phát triển đô thị bền vững là đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị. Quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững, với triết lý lấy con người, chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa, văn minh đô thị làm nền tảng.

Đại biểu các bộ, ngành và quốc tế dự diễn đàn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa; trong đó, trọng tâm là xây dựng luật để quản lý phát triển đô thị bền vững.

Nhắc lại phát biểu của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW: Nghị quyết tốt mà tổ chức triển khai thực hiện không kịp thời, không đồng bộ, không thể nói là thành công, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, việc đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất lúc này. "Chắc chắn trong thời gian tới, chúng ta sẽ chứng kiến nỗ lực chung của mảng lập pháp, hành pháp, cả cấp Trung ương và địa phương để sớm đưa Nghị quyết số 06-NQ/TW đi vào cuộc sống", ông Trần Tuấn Anh khẳng định.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị, mỗi địa phương căn cứ vào lợi thế, định hướng phát triển để xác định các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Theo đó, các đô thị đặc biệt, các đô thị lớn cần chú trọng phát triển kinh tế dịch vụ, các ngành công nghiệp chế tạo tiên tiến và có tính chiến lược, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm... Các đô thị nhỏ cần tập trung phát triển kinh tế gắn với chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp, nông thôn và phát triển dịch vụ xã hội.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top