Aa

Nhiều băn khoăn về tính khả thi của dự án Luật Kiến trúc

Thứ Sáu, 09/11/2018 - 06:01

Tại buổi thảo luận theo tổ về dự thảo Luật Kiến trúc, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của dự luật bởi nhiều nội dung quy định tại dự thảo còn mang tính chất sơ khai; mối quan hệ giữa quy hoạch – kiến trúc – xây dựng trong dự thảo Luật chưa rõ nét; chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn,...

Sáng ngày 8/11, sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 các đại biểu đã có buổi thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Kiến trúc.

Theo các đại biểu, đây là một dự án luật có tính chuyên ngành, kỹ thuật rất cao và đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có một dự thảo Luật Kiến trúc khá hoàn chỉnh để trình Quốc hội. Việc xây dựng Luật Kiến trúc nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. \

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của Dự luật bởi nhiều nội dung quy định tại dự thảo còn mang tính chất sơ khai; mối quan hệ giữa quy hoạch – kiến trúc – xây dựng trong dự thảo Luật chưa rõ nét; chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn,...

Cần làm rõ vai trò của Kiến trúc sư trưởng

Góp ý cụ thể vào nội dung của dự án luật tại tổ 05, đại biểu Trịnh Ngọc Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh - cho rằng, dự thảo Luật cần thể hiện rõ ràng hơn về chủ thể là kiến trúc sư, đặc biệt, cần đề cập thêm về vai trò của Kiến trúc sư trưởng vì hiện nay kiến trúc sư nước ngoài vào Việt Nam làm việc, khi nhận thiết kế sản phẩm chủ yếu là thuê kiến trúc sư người Việt nam thực hiện, sau đó lại bàn giao sản phẩm với tên gọi của kiến trúc sư người nước ngoài.

Toàn cảnh buổi họp tổ 05

Toàn cảnh buổi họp tổ 05

Ngoài ra, các nhân tố ảnh hưởng đến luật như chủ đầu tư, chủ sở hữu cũng chưa được đề cập trong Luật. Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ ra những điểm sót trong dự thảo Luật như: Thiếu những quy định về Hội đồng kiến trúc, chưa nói rõ được vai trò của tổ chức hội nghề nghiệp. Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng cần phải quy định rõ hơn trách nhiệm, vai trò của người hành nghề kiến trúc trước những công trình bị thiết kế sai phép, sai quy hoạch làm méo mó bộ mặt đô thị dẫn tới những hệ quả cho công tác quy hoạch. Cùng với đó, Luật cần bổ sung những quy định nghiêm ngặt về công tác phòng cháy chữa cháy tại các công trình ngay từ khâu thiết kế và vai trò của kiến trúc sư trước vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng - đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định về các công trình kiến trúc trong dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, nếu quy hết về một mối như vậy thì các công trình dân gian, văn hóa truyền thống sẵn có của dân tộc sẽ được xếp vào loại gì? Đại biểu cũng kiến nghị, cần làm rõ các hành vi xâm phạm cảnh quan, phá vỡ cảnh quan, ở mức độ nào và như thế nào thì được coi là vi phạm để có thể áp dụng xử phạt, hay làm rõ tiêu chí các khu vực được thiết lập đô thị riêng, các tuyến phố ưu tiên cần được chỉnh trang. Liên quan đến việc thu hồi chứng chỉ hành nghề kiến trúc, không chỉ nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm vấn đề này, đại biểu Nguyễn Bá Sơn còn đề nghị bổ sung thêm những người có liên quan đến hành vi vi phạm để xử lý.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh và kết cấu dự án luật, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình - cho rằng các điều khoản trong dự thảo Luật còn chung chung, tên gọi của dự án Luật phải phù hợp với nội dung trong luật. Đồng thời, trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay, đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cần phải làm rõ hơn những quy định về hành nghề kiến trúc sư của người nước ngoài tại Việt Nam, để phù hợp với các điều ước quốc tế.

Chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn

Thảo luận tại tổ đại biểu 06, đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: Quy hoạch, kiến trúc và xây dựng là ba lĩnh vực có quan hệ mật thiết, không tách rời. Tuy nhiên, việc thể hiện mối quan hệ giữa ba lĩnh vực này tại dự thảo Luật còn mờ nhạt, chưa rõ nét. Nếu dự thảo không làm rõ được mối quan hệ này sẽ rất khó trong việc xác định trách nhiệm của từng ngành, lĩnh vực trong hoạt động kiến trúc.

Đại biểu Nguyễn Hồng Diên chủ trì Phiên thảo luận tại Tổ 06

Đại biểu Nguyễn Hồng Diên chủ trì Phiên thảo luận tại Tổ 06

Kỳ vọng dự án Luật Kiến trúc sẽ đáp ứng yêu cầu, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong xây dựng, kiến trúc, quy hoạch hiện nay. Tuy nhiên, Đại biểu Bùi Ngọc Chương - Đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau - cho rằng, dự thảo luật trình Quốc hội vẫn còn nhiều điểm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh của dự luật, đang nặng về quy định nội dung hành nghề kiến trúc và hoạt động của đội ngũ kiến trúc sư mà thiếu đi quy định mang tính định hướng, quy định giúp tạo nên công trình kiến trúc tiêu biểu mang bản sắc của 1 quốc gia, dân tộc. Theo đại biểu, để có được những công trình tiêu biểu cần chú trọng hai yếu tố: sáng tạo của đội ngũ kiến trúc sư và thẩm quyền phê duyệt của cơ quan quản lý. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung làm rõ hai nội dung này.

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh - cho rằng, kiến trúc Việt Nam còn lạc hậu, không thể hiện được nét kiến trúc riêng của Việt Nam. Vì vậy, cần có luật điều chỉnh để phát huy hoạt động kiến trúc. Tuy nhiên, để đảm bảo luật có tính khả thi khi ban hành, cơ quan soạn thảo phải đánh giá tổng thể, khách quan hoạt động kiến trúc thời gian; sự phối hợp giữa các ngành, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Từ đó, có cơ sở quy định cho sát thực với thực tiễn. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần có sự tham khảo pháp luật kiến trúc các nước trên thế giới để áp dụng cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Tổ chức lấy ý kiến các ngành, các chuyên gia, nhà khoa học rộng rãi hơn nhằm đáp ứng yêu cầu Trung ương đề ra đối với hoạt động kiến trúc.

Về Hội đồng Kiến trúc Quốc gia được quy định tại Điều 13 dự thảo Luật, đa số ý kiến đồng ý với sự cần thiết quy định về Hội đồng Kiến trúc Quốc gia. Tuy nhiên, để Hội đồng Kiến trúc Quốc gia phát huy được vai trò, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Hội đồng đồng thời quy định linh hoạt hơn về thành viên và mở rộng hơn nhiệm vụ của Hội đồng. Một số ý kiến khác cho rằng, không cần thiết phải quy định Hội đồng Kiến trúc Quốc gia.

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu còn cho ý kiến về: yêu cầu quản lý kiến trúc, quy chế quản lý kiến trúc; thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc; chứng chỉ hành nghề kiến trúc

Không cần thiết phân hạng chứng chỉ

Tại tổ đại biểu số 09, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai - cho rằng, không nên phân hạng chứng chỉ hành nghề kiến trúc vì kiến trúc là loại hình nghệ thuật, sáng tạo kiến trúc không hoàn toàn phụ thuộc vào độ tuổi, kinh nghiệm. Hơn nữa việc phân hạng chứng chỉ là việc làm không cần thiết; chứng chỉ hành nghề là cơ sở pháp lý chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, không phản ánh đầy đủ năng lực hành nghề.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng phát biểu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng phát biểu.

Về những hành vi bị cấm, một số đại biểu chỉ ra rằng, Dự luật đã liệt kê được một số hành vi cấm như: Cản trở, gây khó khăn cho công tác quản lý kiến trúc, hoạt động hành nghề của kiến trúc sư; lợi dụng việc hành nghề kiến trúc để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, môi trường sống, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề; thực hiện những hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cung cấp dịch vụ kiến trúc; cung cấp tài liệu, số liệu giả, sai sự thật, lập hồ sơ thiết kế kiến trúc và xây dựng không phù hợp quy chuẩn, vi phạm bản quyền.

Tuy nhiên, các đại biểu đánh giá trong số hành vi bị cấm này, có hành vi chưa cụ thể, chưa rõ ràng, hoặc còn thiếu một số hành vi chưa quy định vào trong luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại các quy định về hành vi cấm đề đảm bảo chặt chẽ và khả thi khi áp dụng trong thực tiễn.

Tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu cũng nhận định, đây là Dự luật mới, tương đối nhiều vấn đề mang tính kỹ thuật, do đó Ban soạn thảo cần làm tốt khâu tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật; tham khảo chính sách, pháp luật về kiến trúc của một số quốc gia; đánh giá tác động của việc ban hành Luật để Dự luật ra đời đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoạt động kiến trúc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top