Theo UBND TP.HCM, trên địa bàn thành phố có một số chung cư cũ không kêu gọi được nhà đầu tư hoặc theo quy hoạch không xây dựng được chung cư mới do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, diện tích đất khuôn viên nhỏ và/hoặc chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc không đảm bảo tính khả thi để kêu gọi đầu tư xây dựng lại nhà chung cư.
Thứ hai, vị trí khu đất không phù hợp quy hoạch được duyệt để xây dựng lại nhà chung cư mà phải xây dựng các công trình chức năng khác như công trình công cộng, trường học, thương mại dịch vụ... thành phố cũng đã có công văn ngày 12/1 báo cáo Bộ Xây dựng có ý kiến theo hướng Nhà nước sẽ tổ chức di dời, bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho người dân tại các địa điểm khác bằng nguồn ngân sách. Khu đất chung cư cũ sẽ được chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp quy hoạch và tổ chức đấu giá theo quy định.
Theo UBND TP.HCM, quá trình di dời, tháo dỡ và xây dựng mới chung cư cũ đang gặp nhiều vướng mắc phát sinh ảnh hưởng đến tiến độ di dời, an toàn tính mạng, tài sản của người dân cũng như nhà nước.
Lý do, trước đây, Quyết định 73/2008 của UBND TP.HCM quy định chủ đầu tư phải nộp 40% giá trị nhà, đất vào ngân sách. Tuy nhiên, Nghị định 101/2015 và Nghị định 69/2021 của Chính phủ lại không có quy định bồi thường nộp tiền vào ngân sách nhà nước đối với các căn hộ thuộc sở hữu Nhà nước mà chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng và bàn giao lại căn hộ mới cho nhà nước để bố trí cho người thuê tiếp tục thuê.
Hiện nay, có 7 dự án với 1.051 căn hộ, chủ đầu tư không nộp 40% giá trị nhà, đất vào ngân sách, gây ảnh hưởng đến quyền lợi nhà nước. Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị phương án bồi thường đối với các dự án chuyển tiếp thực hiện theo 2 bước: Nếu người đang thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước không có nhu cầu thuê lại nhà tái định cư thì hỗ trợ 60% giá trị nhà, đất; đồng thời chủ đầu tư phải nộp 40% giá trị còn lại vào ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, bồi thường cho Nhà nước đối với phần diện tích sở hữu chung như: Hành lang, cầu thang, lối đi chung cũng như diện tích đất sử dụng chung như khuôn viên, sân chung… mà trước đây chưa phân bổ bán cho các hộ dân vì chưa có quy định.
Đến nay, Nghị định 69/2021 của Chính phủ đã đưa ra yêu cầu bồi thường cho phần diện tích nhà, đất này, nhưng quy định chưa rõ ràng, dẫn đến có thể hiểu theo 2 cách khác nhau về thời điểm xác định đơn giá bồi thường. Để thống nhất thực hiện, UBND TP.HCM đề xuất đơn giá được tính tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường bổ sung.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong các trường hợp như không kêu gọi được nhà đầu tư, không thể xây dựng lại chung cư ở vị trí cũ. Hiện có 7 dự án đang gặp vướng mắc về vấn đề này, gồm: 155 - 157 Bùi Viện (Q.1), 6Bis Nguyễn Tất Thành, Trúc Giang (Q.4), 440 Trần Hưng Đạo (Q.5), 119B Tân Hòa Đông (Q.6), 137 Lý Thường Kiệt, 149 - 151 Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình).
UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến theo hướng xử lý là Nhà nước sẽ tổ chức di dời, bố trí tái định cư cho người dân ở các địa điểm khác bằng nguồn vốn đầu tư công; đồng thời khu đất của chung cư cũ sẽ được chuyển đổi quy hoạch và mục đích sử dụng đất để tổ chức đấu giá, thu hồi ngân sách.