Aa

Nhiều cổ phiếu BĐS tăng trần trong phiên 21/5

Thứ Bảy, 22/05/2021 - 06:00

VN-Index và HNX-Index biến động hẹp trong phiên 21/5 khi nhóm cổ phiếu trụ cột tiếp tục có sự phân hóa mạnh. Nhiều cổ phiếu bất động sản gây bất ngờ khi đồng loạt tăng trần.

Phiên giao dịch ngày 21/5 của thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra với xu hướng chủ đạo là biến động hẹp trong bối cảnh nhóm cổ phiếu lớn phân hóa mạnh. Có thời điểm lực cầu dâng cao đã kéo nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá mạnh, các chỉ số vì vậy cũng có được mức tăng tốt. Tuy nhiên, số mã vốn hóa lớn khác giảm vẫn khá nhiều và tạo áp lực lớn lên đà tăng của các chỉ số.

Các chỉ số đóng cửa phiên giao dịch trong sắc xanh là nhờ lực đẩy rất lớn của các cổ phiếu như BID, VHM, PLX, GVR, VCS, THD, VGI, VEA… Trong đó, BID gây bất ngờ khi được kéo lên mức giá trần 44.750 đồng/cp trong bối cảnh nhiều cổ phiếu ngân hàng khác chìm trong sắc đỏ. PLX cũng tăng đến 5,5% lên 57.400 đồng/cp, HVN tăng 3,3% lên 26.750 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 21/5.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

VHM tiếp tục tăng 1,9% lên 103.900 đồng/cp, VRE cũng tăng 2,9% lên 30.350 đồng/cp. Một cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn khác là THD cũng giữ được sắc xanh khi tăng 0,9% lên 195.300 đồng/cp. Tuy nhiên, sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn đã diễn ra khi NVL giảm sâu 2,6% xuống 137.300 đồng/cp, BCM giảm 1,5% xuống 52.700 đồng/cp và VIC giảm 0,3% xuống 122.500 đồng/cp.

Bên cạnh đó, áp lực rất lớn lên các chỉ số còn đến từ các mã trụ cột như MWG, VCB, STB, FPT, MSN… Trong đó, sau khi bất ngờ tăng mạnh vào cuối phiên trước, MWG giảm trở lại 3,1% xuống 145.400 đồng/cp, tương tự, VCB cũng giảm 2,2% xuống 96.800 đồng/cp, FPT giảm 1,8% xuống 93.800 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 21/5.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự bất ngờ đã diễn ra khi rất nhiều cổ phiếu được kéo lên mức giá trần và giao dịch sôi động như PPI, NTB, ASM, SCR, LDR, VRC, KBC… Trong đó, KBC cuối cùng cũng hồi phục trở lại sau khi lùi về mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua là 30.700 đồng/cp. Mới đây, KBC đã công bố Nghị quyết HĐQT về phương án phát hành trái phiếu với mục tiêu huy động tối đa 1.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong quý II/2021, KBC sẽ phát hành tối đa 20 triệu trái phiếu theo phương thức phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá phát hành sẽ được quyết định bởi các cấp có thẩm quyền nhưng sẽ không thấp hơn 100.000 đồng/trái phiếu. Trái phiếu phát hành sẽ có kỳ hạn 24 tháng với lãi suất cố định 10,5%/năm và trái chủ sẽ được thanh toán lãi vào mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao như DRH, FLC, IDC, DXG… cũng tăng giá mạnh. Trong đó, DIG tăng 2% lên 28.150 đồng/cp. HĐQT của DIG đã thông qua ngày đăng ký cuối cùng dể thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2020 là 9/6. Tỷ lệ thực hiện là 17%, 100 cổ phiếu được nhận thêm 17 cổ phiếu mới. Doanh nghiệp dự kiến phát hành thêm 59,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức đợt này, nguồn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế.

Chiều ngược lại, ngoài NVL, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn ghi nhận một vài mã thanh khoản cao giảm giá nhưng đa phần mức giảm không quá lớn.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,71 điểm (0,45%) lên 1.283,93 điểm. Toàn sàn có 257 mã tăng, 162 mã giảm và 43 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,89 điểm (0,98%) lên 297,99 điểm. Toàn sàn có 130 mã tăng, 88 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,88 điểm (2,36%) lên 81,63 điểm.

Thanh khoản trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM tăng so với phiên trước với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 957 triệu cổ phiếu, trị giá 28.100 tỷ đồng, riêng giao dịch khớp lệnh chiếm 25.400 tỷ đồng. Tương tự như các phiên trước, FLC vẫn là mã bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 22,3 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 21/5.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại bán ròng tổng cộng hơn 200 tỷ đồng trên thị trường phiên 21/5. Trong đó, VIC, VRE và VPT nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại. Chiều ngược lại, THD được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 93 tỷ đồng. VHM và KDH đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 77 tỷ đồng và 42 tỷ đồng. Một cổ phiếu bất động sản khác cũng được mua ròng mạnh là PDR với 21 tỷ đồng.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 17,57 điểm (1,4%) lên 1.283,93 điểm; HNX-Index tăng 3,27 điểm (1,1%) lên 297,99 điểm. Thanh khoản trên hai sàn HoSE và HNX tăng nhẹ so với tuần trước và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần với trung bình gần 25.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 1,3% lên 111.826 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 2,6% xuống 3,6 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 21,8% lên 15.603 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 18,4% lên 721 triệu cổ phiếu.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường có tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp với thanh khoản tăng nhẹ so với tuần trước và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường và tâm lý nhà đầu tư hiện tại là khá hưng phấn. Trên góc độ sóng elliott, với việc đóng của tuần trên ngưỡng 1.250 điểm thì thị trường vẫn đang nằm trong sóng tăng 5 với target tiếp theo quanh ngưỡng 1.325 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng điều chỉnh 4). Điểm cần lưu ý lúc này là việc thị trường đang có sự phân hóa giữa các cổ phiếu khi chỉ một số ít mã tăng so với phần lớn các mã khác đều giảm hoặc đi ngang khiến cho việc tìm kiếm lợi nhuận ở thời điểm hiện tại trở nên khó khăn hơn. Và khi dòng tiền quyết định rút ra thì có khả năng thị trường sẽ điều chỉnh mạnh như những gì đã xảy ra vào tháng 4/2018. SHS cho rằng đà tăng có thể tiếp tục trong thời gian tới nhưng với dư địa không nhiều. Theo đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 24/5-28/5, thị trường có thể tiếp tục tăng điểm để tiến gần về ngưỡng 1.325 điểm (fibonacci retracement 161,9%).

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top