Aa

Nhiều điểm trông xe ở Hà Nội 'chặt chém' ngày đầu năm

Thứ Sáu, 23/02/2018 - 00:12

Đầu năm mới, người dân đi lễ đền chùa và đến các khu vui chơi tại Thủ đô tăng mạnh, nên một số điểm trông giữ xe đã “chủ động” tăng giá cao gấp đôi, gấp 3 ngày thường.

Tại Hà Nội, bãi gửi xe tại khu vực đường Thanh Niên - nơi có chùa Trấn Quốc, đền Thủy Trung Tiên và chùa Quán Thánh; phố Hồ Giám (Văn Miếu Quốc Tử Giám); xung quanh Hồ Gươm... đều thu mức phí gửi xe cao hơn quy định của thành phố.

Ở khu vực đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, chùa Phúc Khánh… bên cạnh những bãi xe được cấp phép, được niêm yết giá thì vẫn còn hàng chục điểm trông giữ phương tiện tự phát. Đơn cử như tại khu vực chùa Phúc Khánh, bất chấp việc UBND phường đã bố trí các điểm trông giữ phương tiện phục vụ du khách thập phương thì vẫn còn gần chục bãi giữ xe tự phát, thu phí sai quy định.

Nhiều điểm trông xe ở Hà Nội 'chặt chém' ngày đầu năm - Ảnh 1Điểm trông giữ xe gần khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám thu phí 20.000 đồng/lượt đối với xe máy.

Tại khu vực vườn hoa Mai Xuân Thưởng, phần lớn diện tích lòng đường, vỉa hè đã được tận dụng làm nơi trông giữ phương tiện. Giá gửi xe máy tại đây dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/lượt, tùy theo vị trí. Ví như tại khu vực vỉa hè và phần sân của nhà Bánh tôm Hồ Tây phí trông giữ xe máy là 10.000 đồng/lượt.

Còn khu vực phía cửa hàng Kem Thủy Tạ kế bên mức giá này lên mức 20.000 đồng. Tại đây, giá trông xe ô tô thì "vô thưởng vô phạt" mà vẫn không dễ gửi được, thậm chí xe để tràn lòng đường vẫn có người ra thu tiền phí.

Những ngày đầu xuân, lượng người đổ về Văn Miếu Quốc Tử Giám tăng cao nên nhu cầu gửi các phương tiện cá nhân cũng tăng theo. Khu vực vỉa hè, một phần lòng phố Hồ Giám (phường Văn Miếu) được biến thành nơi gửi xe. Ngay từ đầu con phố, 1 tấm biển kích cỡ lớn, đề dòng chữ “bãi gửi xe Văn Miếu” niêm yết mức phí: 20.000 đồng/xe.

Theo báo cáo về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 của Bộ Tài chính trong thời gian (từ ngày 29 tháng Chạp năm Đinh Dậu đến ngày mùng 5 Tết Mậu Tuất tức ngày 14/2 – 20/2/2018), nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu tăng nhẹ từ sau ngày 15 tháng chạp (thời điểm cúng rằm cuối năm), tăng cao hơn vào ngày 23 tháng Chạp từ 25 – 30% so với ngày thường (Tết ông Công ông Táo) và sức mua tiếp tục tăng mạnh trong những ngày cận Tết từ 28 - 29 Tết do năm nay thời gian nghỉ Tết ngắn (người lao động chỉ được nghỉ 7 ngày Tết).

Đối với cước vận tải, Bộ Tài chính cho biết, về cơ bản, giá cước vận chuyển hành khách bằng ôtô ổn định trong dịp Tết, nhiều bến xe lượng khách vắng hơn mọi năm do nhiều doanh nghiệp chủ động bố trí xe cho công nhân về quê ăn Tết cũng như các nhà xe đã chủ động tăng chuyến vào các thời điểm cao điểm trước Tết để đảm bảo đủ nhu cầu đi lại của người dân.

Tại một số tỉnh phía Nam vào giai đoạn cao điểm Tết, một số tuyến có mức phụ thu từ 20 - 60% tùy từng tuyến và từng thời điểm để để tăng cường chuyến và bù đắp chi phí phương tiện chạy rỗng một chiều. Các doanh nghiệp vận tải cơ bản tuân thủ các quy định về niêm yết giá và bán đúng giá vận chuyển hành khách đã đăng ký, kê khai.

Riêng đối với dịch vụ trông giữ xe máy, ô tô, thống kê Bộ Tài chính cũng cho thấy, trong dịp Tết năm nay, giá dịch vụ trông giữ xe đã được chính quyền các tỉnh thành phố quan tâm chỉ đạo, giám sát chặt chẽ hơn.

Theo báo cáo của các địa phương, cơ bản giá dịch vụ trông giữ xe vẫn ổn định so với các ngày trước Tết, tuy nhiên vẫn có một số điểm trông giữ xe tự phát đã tăng giá vào đầu năm mới tại các điểm đền chùa lớn với mức tăng phổ biến từ 5.000-10.000 đồng/xe máy và 20.000 – 30.000 đồng/xe ô tô so với giá trước Tết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top