Aa

Nhiều doanh nghiệp bất động sản có tham vọng lớn trong năm Nhâm Dần

Thứ Bảy, 05/02/2022 - 06:00

Ngay từ đầu năm 2022, một số doanh nghiệp bất động sản đã thông báo kế hoạch kinh doanh với nhiều con số ấn tượng về mục tiêu doanh thu lợi nhuận.

Báo cáo gần đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nêu rõ, dù hoạt động giao dịch và tiến độ triển khai tại các dự án bị đình trệ bởi tình hình dịch bệnh và các biện pháp giãn cách, nhu cầu bất động sản của người dân vẫn ở mức cao, thể hiện ở các yếu tố tỷ lệ hấp thụ cao tại các dự án mở bán và mặt bằng giá tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng ngay cả trong giai đoạn giãn cách. 

Các doanh nghiệp tự tin kê chỉ tiêu sản xuất kinh doanh cao, không chỉ nhờ thế mạnh quỹ đất mà còn vì dự báo mặt bằng giá bất động sản dự báo sẽ ghi nhận xu hướng tăng tích cực trong năm 2022. 

Theo VCBS, điều này do tình trạng thiếu cung kéo dài, đặc biệt tại các đô thị lớn, mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức thấp thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản của người dân, đặc biệt trong giai đoạn lạm phát và gói kích thích kinh tế quy mô lớn và các dự án hạ tầng được đẩy mạnh triển khai. Ngoài ra, mặt bằng giá nguyên vật liệu và khung giá đất cao phản ánh một phần đến giá bất động sản trong năm 2022.

Thực tế, sự sôi động của giá nhà đất và mặt bằng giá vật liệu xây dựng lên cao đã trở thành hai diễn biến song song trên thị trường địa ốc năm qua. Không chỉ các doanh nghiệp bất động sản kê chỉ tiêu kinh doanh cao mà doanh nghiệp xây dựng cũng được hưởng lợi nhờ thế.

Trong đó, mới đây Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022. Cụ thể, tập đoàn dự kiến doanh thu năm nay là 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 420 tỷ đồng, lần lượt tăng 48% và 79% so với kế hoạch năm trước. Đây là kế hoạch kinh doanh tham vọng nhất mà Hòa Bình từng đặt ra.

Ảnh minh hoạ

Tại buổi tổng kết cuối năm 2021, CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) vừa tổ chức Lễ Tổng kết năm 2021 và công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Theo đó, công ty kỳ vọng năm 2022 sẽ đạt doanh thu gần 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ đồng. Trong đó, mảng bất động sản được cho là sẽ dẫn dắt doanh thu năm 2022 của doanh nghiệp, với mục tiêu hơn 18.000 tỷ đồng, tương đương hơn 67% tổng doanh thu.

Tương tự, tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp - DIG) đưa ra nhiều chỉ số tích cực. Doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu cả năm 4.612 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 1.910 tỷ đồng. So với con số ước thực hiện năm ngoái, doanh thu có thể tăng trưởng 62% và lợi nhuận dự kiến tăng 59%. Tầm nhìn cho giai đoạn 2022 - 2025, doanh nghiệp này đề đích tổng doanh thu ước đạt 39.700 tỷ đồng và tổng lợi nhuận trước thuế ở mốc 15.000 tỷ đồng.

Cũng đặt kỳ vọng lớn vào 2022, tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 của Công ty cổ phần bất động sản Thế Kỷ (Cen Land) diễn ra mới đây, lãnh đạo đơn vị này cho biết năm 2022 Cen Land hoàn toàn tự tin vào mục tiêu hoàn thành 10.000 tỷ đồng doanh thu, thậm chí có thể đạt cao hơn, ở mức 12.000 - 13.000 tỷ đồng.

Hiện Cen Land đã có một nguồn hàng lớn chuẩn bị cho năm 2022, hợp tác với các chủ đầu tư lớn khác như Hồng Lam Xuân Thành, Vinhomes, Novaland...

Để thực hiện cho chiến lược mới, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ 2.016 tỷ đồng lên hơn 4.637 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm hơn 262 triệu cổ phiếu.

Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, năm 2021 là năm khó khăn chưa từng có, cả thị trường bất động sản phải “gồng mình” để vượt qua dịch bệnh, đôi khi tưởng chừng quá sức. Thế nhưng, đó cũng chính là thời kỳ thử thách sức bền của doanh nghiệp bất động sản. Chính lúc thị trường khó khăn nhất lại là lúc mà một số doanh nghiệp mạnh mẽ nhất để tìm hướng đi. Năm 2021 vừa là năm thử thách, vừa là năm thích ứng “vượt bão” của doanh nghiệp địa ốc. Có thể xem là năm “sống còn” của các doanh nghiệp bất động sản. Theo đó, những doanh nghiệp vượt qua được, đó là dấu ấn không thể nào quên.

“Năm 2022, thị trường bất động sản được đánh giá là lạc quan, hấp dẫn, có những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với năm 2020 và 2021. Các bệ đỡ có thể kể đến như: Chính sách công, cơ chế chính sách trong việc cải thiện về quy trình thủ tục pháp lý, chương trình nhà ở quốc gia, lãi suất thấp…”, ông Lâm cho hay.

Như vậy, có thể thấy mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản rất rõ ràng. Điều đó cũng cho thấy sự lạc quan của các doanh nghiệp bất động sản vào thị trường năm 2022.

Trở lại với dự báo thị trường, VCBS tin rằng nhu cầu nhà ở và thị trường bất động sản duy trì triển vọng tích cực và còn nhiều dư địa tăng trưởng trong các năm tới. Nguyên nhân đầu tiên kể đến là môi trường nhân khẩu học thuận lợi với quy mô dân số lớn, tỷ lệ tăng khá và cơ cấu dân số trẻ. Một bộ phận lớn dân cư đang đi vào độ tuổi lập gia đình và mua nhà. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng qua các năm và còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng trong giai đoạn tới. Đáng kể, thị trường còn ghi nhận xu hướng gia tăng quy mô nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Theo đơn vị này, bên cạnh các chính sách vĩ mô, nhu cầu mua nhà và đầu tư bị dồn nén của người dân trong giai đoạn giãn cách là bệ đỡ cho thị trường năm 2022.

Với dự báo trên, VCBS cho rằng, năm nay sẽ là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp uy tín, sở hữu nguồn lực lớn tại các địa bàn nhờ am hiểu thị trường, được hỗ trợ từ chính quyền địa phương và nhiều khả năng tích lũy được quỹ đất tại các vị trí thuận lợi với giá vốn rẻ. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã đi trước về chiến lược phát triển tại các tỉnh, thành và tích lũy được nguồn quỹ đất lớn tại địa phương cũng có thể lớn mạnh trong tương lai./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top