Aa

Nhiều doanh nghiệp đóng cửa do phải chịu sức ép lớn

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 19/06/2019 - 20:01

Trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có hơn 44.000 doanh nghiệp rút lui do năng lực nội tại còn yếu, chịu sức ép cạnh tranh dẫn tới sự thanh lọc và đào thải.

Đó là nội dung được đưa ra tại Diễn đàn “Đổi mới và phát triển doanh nghiệp”, do Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 18/6 tại Hà Nội.

Năm 2018, tổng số doanh nghiệp tư nhân đã đạt đến 700.000, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của cả nước. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong môi trường toàn cầu còn hạn chế. 

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, mức độ năng động của khu vực doanh nghiệp phụ thuộc vào chất lượng môi trường pháp quy. Nếu có các quy định thực sự chất lượng, hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí và tham gia thị trường một cách công bằng thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Ông Hùng dẫn chứng con số 6.776/9.956 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm để nhấn mạnh về môi trường kinh doanh đã được cải thiện. 

Toàn cảnh diễn đàn

Toàn cảnh diễn đàn

Tuy nhiên, bà Lê Thị Xuân Huế, đại diện Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh dù đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn tồn tại những hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Huế nhấn mạnh đây là một trong những lý do khiến số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thời gian qua tăng mạnh. Trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 74.000 doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường nhưng cũng có hơn 44.000 doanh nghiệp rút lui.

"Nguyên nhân rút lui chủ yếu do doanh nghiệp ở nước ta phần lớn là nhỏ và vừa, năng lực nội tại còn yếu, chịu sức ép cạnh tranh dẫn tới sự thanh lọc và đào thải; một phần do cơ quan quản lý rà soát, loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động", bà Huế giải thích.

Theo bà Huế, ngành nghề có số lượng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất trong 5 tháng đầu năm 2019 là bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ôtô, xe máy; tiếp theo là các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng. Dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng có tỉ lệ doanh nghiệp giải thể cao. Trước thực trạng đó, bà Huế lo ngại mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp từ nay tới năm 2020 khó khả thi.

Cũng tại diễn đàn, nhận định những thuận lợi và khó khăn đan xen của khu vực doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số lượng doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ. Dự kiến số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt khoảng 140.000 doanh nghiệp.

Về thu hút FDI, sự cạnh tranh trong thu hút FDI đang diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực, do đó vốn đăng ký khó có khả năng tăng mạnh trong các năm tới. Dự kiến: Ước thực hiện vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 sẽ đạt khoảng 18 – 19 tỷ USD; Vốn đăng ký năm 2019 dự báo đạt khoảng 30 - 35 tỷ USD tương đương mức thu hút của năm 2018.

Để đổi mới và phát triển doanh nghiệp bền vững, ông Cương kiến nghị, cần thực hiện quyết liệt các Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh.

“Cùng với đó, điều chỉnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng thống nhất, có trọng tâm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng; Ban hành Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, trong đó khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên; Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top