Aa

Nhiều doanh nghiệp lớn muốn đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong

Thứ Bảy, 04/02/2023 - 06:09

13 tập đoàn, công ty lớn quan tâm đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Vân Phong cho biết đơn vị này đã có kế hoạch làm việc với các doanh nghiệp quan tâm đề xuất đầu tư các dự án ưu tiên thu hút vào KKT Vân Phong và các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Cụ thể, từ 7/2 -15/2/2023, đơn vị sẽ làm việc với 13 nhà đầu tư lớn. Theo kế hoạch, có 8 nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào khu vực Nam Vân Phong và các KCN, gồm: Công ty CP Dầu khí Đông Phương (dự án về lọc hóa dầu, năng lượng, công nghiệp); Công ty Stavian Hóa chất, Công ty Stavian Land (dự án về hóa dầu, công nghiệp); Công ty CP Trung Nam (dự án về năng lượng, KCN); Công ty CP Sonadezi (dự án về đầu tư phát triển KCN); Tổng công ty Becamex IDC (dự án về đầu tư phát triển KCN); Công ty CP SSI (dự án về đầu tư phát triển KCN); Công ty CP Sinnes (dự án về đầu tư phát triển KCN); Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (dự án về đầu tư xây dựng cảng biển).

Khu vực Vân Phong hội đủ tiềm năng để phát triển kinh tế biển, du lịch, đô thị nghỉ dưỡng… (Ảnh: Đ.A)

Tại khu vực Bắc Vân Phong có 5 nhà đầu tư quan tâm đề xuất đầu tư, gồm: Tập đoàn Sungroup (dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sân bay, cảng biển...); Tập đoàn Novaland và Cty CP Đầu tư Đất Tâm (dự án thuộc lĩnh vực đô thị, du lịch); Công ty Cổ phần FPT (dự án thuộc lĩnh vực đô thị, du lịch); Công ty CP Flamingo Holding Group (dự án thuộc lĩnh vực đô thị, du lịch, KCN).

Theo Ban Quản lý KKT Vân Phong, mục đích làm việc giữa đơn vị và các doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư, để nghiên cứu trong quá trình lập quy hoạch phân khu các khu chức năng tại KKT Vân Phong và các KCN; tham mưu xây dựng danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong vừa phù hợp với định hướng phát triển, vừa phù hợp với nhu cầu thực tế của nhà đầu tư, để phát huy hết tiềm năng và lợi thế của KKT Vân Phong.

Cảng tổng hợp Nam Vân Phong đi vào hoạt động cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư lớn đến với Vân Phong. (Ảnh: Đ.A)

Theo kế hoạch làm việc giữa các bên, các nhà đầu tư có trách nhiệm giới thiệu tổng quan dự án, quy mô dự án, quy mô sử dụng đất, dự kiến tổng vốn dự án; sơ bộ đánh giá về tác động, ảnh hưởng môi trường của dự án; hiệu quả kinh tế xã hội của dự án (giải quyết bao nhiêu việc làm, dự kiến đóng góp thuế, mức thu nhập người lao động)...

KKT Vân Phong có diện tích 150.000ha, trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 80.000ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.000ha thuộc 2 huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa). Ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 451/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu của Quy hoạch nhằm xây dựng KKT Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới với trình độ cao, trở thành vùng động lực phát triển đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao…

Ngày 16/6/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong bao gồm: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư công nghệ thông tin, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải có quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên.

Cùng với đó là đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính có quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng; đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300ha trở lên hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf có quy mô vốn đầu tư trên 25.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, KKT Vân Phong còn ưu tiên loại hình xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logistic…

Điều chỉnh quy hoạch phân khu phía Tây TP. Nha Trang

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa quyết định phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu vực phía Tây TP. Nha Trang. Theo đó, khu vực lập quy hoạch bao gồm địa bàn các xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Trung, Vĩnh Thái với vị trí giáp giới như sau: Phía Bắc giáp Sông Cái; phía Tây giáp huyện Diên Khánh; phía Nam giáp đường Phong Châu, núi Chín Khúc và sông Tắc; phía Đông giáp ranh giới đồ án Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu dân cư các xã Vĩnh Hiệp - Vĩnh Ngọc - Vĩnh Thạnh và sông Quán Trường.

Khu vực phía Tây TP. Nha Trang. (Ảnh: Đ.A)

Tổng diện tích khu vực lập đồ án điều chỉnh quy hoạch khoảng 1.396,08ha. Trong đó, phần diện tích nghiên cứu rà soát điều chỉnh quy hoạch là 1.104,71ha; phần diện tích cập nhật các dự án đã và đang triển khai là 291,37ha.

Tổng quy mô dân số khu vực điều chỉnh quy hoạch năm 2019 là 49.897 người. Dự báo quy mô dân số năm 2030 là 67.584 người và đến năm 2040 là 72.972 người.

Tính chất khu vực lập quy hoạch được định hướng hình thành khu dân cư xen lẫn các khu vực phát triển đô thị mới, đô thị sáng tạo - công nghệ, trung tâm giáo dục chuyên nghiệp, trung tâm y tế kết hợp tổ chức các tuyến công viên công cộng ven sông kết nối với các dãy phố đô thị; đồng thời tổ chức, hoàn thiện hệ thống trung tâm đô thị hỗn hợp dọc đường Võ Nguyên Giáp.

Những vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch được đề cập đến là: đề xuất ý tưởng điều chỉnh quy hoạch phù hợp với các chỉ tiêu quy hoạch theo các quy định pháp luật hiện hành; trong bước nghiên cứu phương án quy hoạch phân khu phải cập nhật, cụ thể hóa định hướng của đồ án quy hoạch chung TP. Nha Trang được duyệt; rà soát cập nhật các dự án đầu tư đã được thực hiện trong khu vực lập quy hoạch; nghiên cứu kiến trúc cảnh quan tuyến đường Võ Nguyên Giáp tạo điểm nhấn du lịch.

Trục đường Võ Nguyên Giáp được kỳ vọng tạo động lực phát triển các khu đô thị khu vực phía Tây Nha Trang. (Ảnh: Đ.A)

Một trong những nội dung quan trọng trong quy hoạch là sẽ tổ chức các tuyến công viên công cộng ven sông trong khu vực theo hướng hạn chế đường xe cơ giới sát sông, bố trí kè ven sông kết hợp với không gian vui chơi giải trí, đan xen kết nối trực tiếp với các dãy phố đô thị, hình thành tuyến phố trung tâm ven sông. Đồng thời, quy hoạch các bãi đỗ xe nhằm tăng diện tích đất giao thông cho khu vực, giảm tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật; thiết kế tổ chức giao thông các nút giao thông chính như: Vành đai 3 - Phong Châu; Vành đai 3 - Võ Nguyên Giáp; Hương lộ 45 - 23 tháng 10…

Được biết, thời gian gần đây, TP. Nha Trang đang phát triển mạnh mẽ về phía Tây để giải toả áp lực chật chội cho khu vực trung tâm thành phố. Những trục đường chính như đường Võ Nguyên Giáp và các tuyến đường vành đai được kỳ vọng tạo động lực phát triển các khu đô thị khu vực phía Tây Nha Trang, làm gia tăng giá trị các dự án bất động sản, tạo nên một khu vực sôi động, sầm uất trong tương lai không xa./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top