Aa

Nhiều dự án chậm triển khai, đất đai để hoang hóa

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Ba, 23/05/2023 - 11:39

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời chỉ ra một số điểm còn tồn tại.

Theo đó, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách trình bày báo cáo thẩm tra tại Quốc hội sáng 23/5 đã chỉ ra nhiều tồn tại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đáng chú ý có vấn đề quản lý, sử dụng vốn đầu tư công:

Thứ nhất, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN) chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. Việc phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa bảo đảm tiến độ quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số Bộ, ngành, địa phương chưa đạt mục tiêu; 31/51 Bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Còn nhiều lãng phí do việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương chậm, chưa sát với thị trường, là nguyên nhân dẫn đến các chủ đầu tư, nhà thầu không chủ động được trong quá trình triển khai dự án, công trình. Nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng không thể triển khai do vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng; điều chỉnh đơn giá, dự toán dẫn đến làm thay đổi hoặc phải điều chỉnh lại dự án.

Thứ hai, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội ban hành nhiều chính sách, giải pháp với thời gian thực hiện chủ yếu trong năm 2022 và 2023 nhằm mục tiêu nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ và các Bộ, ngành chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; dự báo, tính toán nhu cầu của một số chính sách chưa sát thực tế; triển khai một số chính sách chậm, kết quả không đạt như dự kiến. Đến ngày 31/12/2022, kết quả giải ngân các chính sách hỗ trợ mới đạt hơn 78,3 nghìn tỷ đồng (bằng 26% tổng số vốn). Cụ thể:

Chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại có kết quả triển khai rất thấp, đến cuối tháng 3/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất chỉ đạt 327 tỷ đồng, tương đương 0,82% tổng nguồn lực.

Chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ đạt dư nợ 16.400 tỷ đồng, bằng 42,7% tổng quy mô chính sách, 4/5 chương trình, chính sách dự kiến không sử dụng hết 16.865 tỷ đồng/38.400 tỷ đồng nguồn vốn của chương trình.

Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ, giao kế hoạch vốn của Chương trình cho một số nhiệm vụ, dự án đầu tư chậm; một số dự án không hoàn thành thủ tục đầu tư đúng thời hạn nên không được tiếp tục phân bổ nguồn vốn.

Đến cuối tháng 8/2022, Chính phủ mới trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (đợt 1) danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung vốn ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và đến Kỳ họp thứ 5 mới trình Quốc hội đợt 3.

Thứ ba, việc triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) rất chậm và còn nhiều hạn chế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước:

Đến tháng 10/2022, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới cơ bản hoàn thành việc ban hành văn bản hướng dẫn của Trung ương và đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục phân bổ vốn, giao dự toán, phê duyệt kế hoạch chi tiết, thẩm định dự toán để tổ chức thực hiện. Tỷ lệ giải ngân thấp, ước đạt 7,88% trên tổng kính phí là 1.041,195 tỷ đồng;

Sau hơn 1 năm Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về chủ trương đầu tư CTMTQG nông thôn mới có hiệu lực thi hành, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Chậm quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương; chậm phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn ngân sách trung ương; trong đó nguồn kinh phí sự nghiệp vẫn chưa được giao dự toán chi tiết.

Thứ tư, triển khai, giải ngân vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia chậm, nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, làm lãng phí nguồn lực.

Đến ngày 31/01/2023, lũy kế giải ngân các dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 chỉ đạt 46.871,8 tỷ đồng, bằng 70,7% tổng kế hoạch; giai đoạn 2021 - 2025 chỉ đạt 9.409,2 tỷ đồng, bằng 7,86% kế hoạch vốn.

Tiến độ triển khai và giải ngân các dự án thành phần thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành không bảo đảm quy định tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội, đến thời điểm 31/12/2022, mới giải ngân 16.697,647 tỷ đồng (đạt 73% kế hoạch).

lãng phí đất đai

Tình hình và kết quả triển khai Nghị quyết số 74/2022/QH15

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS cho biết, Nghị quyết số 74/2022/QH15 đã quy định nhiều nhiệm vụ phải triển khai ngay từ cuối năm 2022 và Quý I năm 2023 liên quan đến công tác quyết toán NSNN năm 2021, nhưng đến ngày 14/4/2023 Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP để triển khai Nghị quyết số 74/2022/QH15.

Do đó chưa rà soát, phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí liên quan đến 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc, để đất đai hoang hóa, lãng phí và 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng.

Thực hiện khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội, Ủy ban TCNS đã thường xuyên đôn đốc; chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết, trong đó tập trung giám sát việc triển khai Dự án phát triển mỏ khí Lô B, Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, các dự án nhà máy điện tại Trung tâm điện lực Ô Môn, Cần Thơ và các dự án nằm trong chuỗi dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ.

Qua giám sát, Ủy ban TCNS nhận thấy các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tuy đã xác định rõ nhiệm vụ, nhưng việc triển khai còn nhiều khó khăn do số lượng dự án được nêu trong Nghị quyết là khá lớn; nhiều dự án có sử dụng đất thực hiện trong thời gian dài, đã chuyển đổi qua nhiều nhà đầu tư nên cần tiếp tục rà soát để có phương án thực hiện, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Ngoài ra, một số dự án còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII, cơ chế cho vay...

Từ những vấn đề nêu trên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện ngay như sau:

Một là, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn; tập trung hoàn thành các chuẩn mực kế toán, phương pháp thống kê, thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng, tới năm 2025 cơ bản hoàn thành các chuẩn mực kế toán và công khai Báo cáo tài chính nhà nước.

Hai là, khẩn trương triển khai kế hoạch để hoàn thành các nhiệm vụ và giải pháp quy định tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.

Ba là, có giải pháp khắc phục ngay tình trạng phân bổ, giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, 03 CTMTQG, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Bốn là, nghiên cứu, có giải pháp mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu DNNN chậm triển khai, vi phạm trong cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước.

Năm là, công khai trên các phương tiện thông tin danh sách các Bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình THTK, CLP năm 2022, 2023 và các tổ chức, cá nhân có hành vi lãng phí, vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung sau:

1. Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật liên quan tới tiết kiệm, chống lãng phí; định mức, tiêu chuẩn, chế độ là cơ sở để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

3. Tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng Ngân sách Nhà nước; đầu tư công; thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, các dự án quan trọng và 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công.

4. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản.

5. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp Nhà nước và trong quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top