Aa

Nhiều dự án Tây Bắc Đà Nẵng vẫn đang… bế tắc!

Thứ Năm, 13/07/2023 - 14:00

Nhiều sản phẩm bất động sản tại khu vực Tây Bắc TP. Đà Nẵng đã hoàn thiện pháp lý và bàn giao nhưng cư dân ít ỏi, đa phần là những lô đất nền trơ trọi, những dãy nhà thô hay những căn shophouse kín cửa...

Đơn cử như tại dự án Gami Eco Charm (phường Hoà Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu) được triển khai từ năm 2017, nhiều khu vực đã được xây lên phần móng từ lâu nhưng không tiếp tục triển khai xây dựng nhà ở, giờ đây cỏ dại mọc um tùm, nhiều nơi mọc thành bụi rậm, che khuất phần móng đã được xây trước đó.

Đìu hiu tại dự án Gami Eco Charm. (ẢNH: Đông Duy)

Một số dãy nhà phố liền kề, shophouse đã được xây dựng xong phần thô cũng trong tình trạng đóng kín cửa, chưa có dấu hiệu người dân đến ở. Hiện trạng khu vực dự án chỉ có độ khá ít cư dân và chủ yếu tập trung theo một khu vực nhỏ, còn lại phần lớn dự án vẫn khá vắng vẻ, hiu quạnh.

Khá hơn chút là dự án Golden Hills City được triển khai từ năm 2010. Đến nay thì nhiều khu vực trong dự án đã có cư dân đến sinh sống, nhiều tiện ích đã được xây dựng và đi vào hoạt động, đáp ứng cơ bản nhu cầu đời sống cư dân. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào trong dự án, hiện trạng hẩm hiu tương tự như Gami Eco Charm vẫn hiện diện.

Càng đi sâu vào dự án Golden Hills City, càng thấy vẻ vắng lặng.
Dự án phần lớn là khu vực hoang vắng.

Nếu có thời gian tiến sâu vào khu C, có thể thấy rõ rất nhiều căn nhà thô được xây dựng nhuốm màu thời gian. Tại nhiều trục đường chính, hàng tá dãy nhà phố liền kề vẫn nằm trong tình trạng chờ đợi chủ nhân, mặt sau là những lô đất nền đã có chủ, được phun sơn thông tin liên lạc cho những người có nhu cầu mua. Nhiều khu vực trở thành nơi lý tưởng để người dân chăn thả trâu bò…

Một trong những nguyên nhân làm cho nhiều dự án tại khu vực Tây Bắc TP. Đà Nẵng dù đã được bàn giao từ lâu (theo từng giai đoạn), nhưng đến nay vẫn vắng bóng cư dân là do nhu cầu đầu tư lớn hơn nhu cầu ở rất nhiều. 

Nhiều người mua đất, mua sản phẩm tại các dự án chủ yếu với mục đích đầu tư sinh lời, nhiều trường hợp đầu tư lướt sóng trong thời điểm thị trường tăng nhiệt, sản phẩm dự án trải qua nhiều đời chủ làm cho giá trị tăng lên và vượt xa giá trị thực. Đến khi thị trường bình ổn thì mức giá đã neo ở mức cao, làm cho những người có nhu cầu ở khó tiếp cận được.

Đến nay, khi mức giá nhiều sản phẩm tại các dự án ở khu vực Tây Bắc TP. Đà Nẵng đã cơ bản trở về mức hợp lý thì sự quan tâm của khách hàng đã giảm đi, lượng giao dịch hầu như không có. Anh H. – một môi giới tại dự án Golden Hills City, cho biết giá đất nền tại đây đã giảm đáng kể. Mỗi lô đất với diện tích khoảng 120m2 trước đây có giá khoảng 2,7 – 2,9 tỷ đồng, bây giờ giá chốt là 2,2 tỷ đối với lô đất nằm tại khu vực H. Hoà Vang và khoảng 2,35 tỷ đối với lô có vị trí tại Q. Liên Chiểu, riêng với đất tái định cư thì giá khoảng 1,7 tỷ đồng. Theo anh H., dù giá đã giảm mạnh nhưng giao dịch thì không hề có, bây giờ mua thì dễ nhưng bán thì rất khó.

Được biết, nhiều trường hợp đầu tư đất tại một số dự án kể trên là người từ các địa phương khác ngoài TP. Đà Nẵng. Nhiều nhà đầu tư đã trải qua được giai đoạn khó khăn trước (giai đoạn ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19), đến nay đã phần nào vượt qua được khó khăn về tài chính nên nhất quyết không tiếp tục cắt lỗ. Như vậy, nếu không thoả thuận được mức giá mong muốn, những lô đất đấy sẽ tiếp tục mang giá trị đầu tư và vẫn chưa đến với đúng giá trị thực là đáp ứng nhu cầu ở cho người dân.

Gỡ vướng cho siêu dự án tại cửa ngõ Tây Bắc Đà Nẵng

Vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản gửi tới Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến vấn đề tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho dự án Khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú do Công ty Cổ phần Trung Nam (Trung Nam Group) làm chủ đầu tư.

UBND TP. Đà Nẵng vừa có kiến nghị gửi Tổ công tác Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc cho dự án Golden Hills City.

Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để trình Thủ tướng chấp thuận cho dự án  Khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú tiếp tục triển khai.

Năm 2010, dự án này được UBND TP. Đà Nẵng cho phép chủ đầu tư đổi tên thành dự án Golden Hills City. Năm 2012, Golden Hills City từng bị Thanh tra Chính phủ kết luận có hàng loạt vi phạm liên quan tới giao đất, cho thuê đất, cấp phép đầu tư không đúng quy định. Dự án này có quy mô khoảng 381,3ha với tổng vốn đầu tư khoảng 4.447 tỷ đồng, thời gian triển khai từ năm 2010 – 2016.

Golden Hills City chia thành 5 phân khu với quy hoạch gồm khu thương mại dịch vụ (6 toà nhà cao 25 – 40 tầng; 4 toà nhà cao 15 – 40 tầng gồm các dịch vụ thương mại, nhà hàng, văn phòng cho thuê), 485 căn biệt thự đơn lập với diện tích 500 – 2.000m2/căn, 360 căn biệt thự song lập với diện tích khoảng 300 – 600m2/căn, khu căn hộ cao cấp gồm các toà nhà cao từ 25 – 40 tầng với diện tích 70 – 120m2/căn, 1 khách sạn 4 sao và 1 khách sạn 5 sao,… Với quy mô như vậy, Golden Hills City được xem là siêu dự án tại TP. Đà Nẵng khi có tổng vốn đầu tư là 4.447 tỷ đồng.

Với quy mô đầu tư kể trên, theo Luật Đất đai 2003, dự án này thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất. Nhưng thời điểm năm 2008, UBND. TP Đà Nẵng đã chỉ định Trung Nam Group làm chủ đầu tư dự án theo đề xuất của doanh nghiệp.

Trong văn bản kiến nghị gửi Tổ công tác, UBND TP. Đà Nẵng cho rằng việc chỉ định chủ đầu tư cho Trung Nam Group khi chưa phê duyệt hồ sơ yêu cầu, chưa tổ chức thẩm định hồ sơ đề xuất và phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư là chưa đảm bảo theo trình tự thủ tục quy định tại Nghị định 02 năm 2006 của Chính phủ, Thông tư 04 năm 2006 do Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện quy chế khu đô thị mới. Việc chỉ định Trung Nam Group làm chủ đầu tư dự án những năm trước đây được Công ty Quản lý và khai thác đất thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.

Cùng với đó, Golden Hills City là dự án có quy mô 381ha, theo quy định phải trình Thủ tướng xem xét, cho phép đầu tư. Tuy nhiên, tại thời điểm thực hiện dự án, UBND TP. Đà Nẵng cũng không giao Sở Xây dựng tham mưu trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.447 tỷ đồng, thuộc danh mục dự án đầu tư có điều kiện nhưng UBND TP. Đà Nẵng lại không lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương khi cấp chứng nhận. Khi giao đất cho nhà đầu tư UBND TP. Đà Nẵng không thực hiện đấu giá đất, đấu thầu dự án sử dụng đất khi có 2 nhà đầu tư đăng ký là chưa đúng quy định Luật Đất đai 2003.

Mới đây, chủ đầu tư dự án Golden Hills City đã đề nghị điều chỉnh dự án, trong đó có việc tăng tổng vốn đầu tư dự án từ 4.447 tỷ đồng lên 7.648 tỷ đồng; điều chỉnh tiến độ dự án từ năm 2023 - 2029; tăng quy mô nhà ở dự án lên 943 căn nhà phố, 1.250 căn biệt thự, 3.546 lô đất ở, 288 lô biệt thự;… UBND TP. Đà Nẵng cho biết việc điều chỉnh dự án với những nội dung trên thuộc thẩm quyền Thủ tướng. Vì vậy, lãnh đạo thành phố kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để trình Thủ tướng chấp thuận cho dự án tiếp tục triển khai.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top