Aa

Nhiều ngân hàng khó giải “cơn khát” vốn trung - dài hạn

Thứ Năm, 19/12/2019 - 11:01

Dù thanh khoản đã cải thiện, nhưng nhiều ngân hàng không dễ giải được “cơn khát” vốn trung - dài hạn hiện nay.

Thanh khoản cải thiện

Báo cáo thị trường nợ nửa đầu tháng 12 của Công ty chứng khoán MB (MBS) được công bố mới đây nhận định, mặc dù lượng bơm ròng vào thị trường của NHNN trong 2 tuần đầu tháng 12 giảm đáng kể, nhưng tình hình thanh khoản của các ngân hàng vẫn đang dần ổn định.

Quả vậy, lượng bơm ròng tiền vào thị trường giảm liên tục với mức giảm khá lớn trong 2 tuần đầu tháng 12. Theo đó, trong tuần đầu tháng, lượng bơm ròng đã giảm còn 3.307 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 66.130 tỷ đồng mà NHNN đã bơm vào thị trường trong tuần cuối tháng 11. Lượng bơm ròng còn giảm tiếp xuống còn 1.627 tỷ đồng trong tuần thứ 2 của tháng 12 (từ 9 đến 13/12).

Thanh khoản trên thị trường mở (bơm ròng)

Như vậy, trong nửa đầu tháng 12, lượng bơm ròng vào thị trường của NHNN chỉ đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, giảm 94% so với lượng bơm ròng trong 2 tuần cuối tháng 11. Thậm chí, NHNN đã tạm dừng công cụ mua kỳ hạn, chuyển sang hút ròng trong phiên cuối tuần trước và tiếp tục duy trì hoạt động hút ròng trong các phiên đầu tuần này, trong khi lượng đáo hạn trong phiên cuối tuần trước và 3 phiên đầu tuần này lên tới 30.604,5 tỷ đồng. Điều đó cho thấy thanh khoản của các ngân hàng có xu hướng ổn định dần.

Sự cải thiện của thanh khoản còn được thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng giảm khá mạnh so với đầu tháng. Trong tuần đầu tháng 12, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần tăng lần lượt 0,1%; 0,2% và 0,35% lên mức 4,0%/năm; 4,2%/năm và 4,3%/năm. Tuy nhiên đến các phiên đầu tuần này, lãi suất liên ngân hàng đã giảm dần. Hiện lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm còn 3,38%/năm; 1 tuần là 3,68%/năm và 2 tuần là 3,90%/năm.

Một chuyên gia ngân hàng cho biết, thanh khoản hệ thống ngân hàng bị căng thẳng cục bộ trong các tuần cuối tháng 11 xuất phát từ một số nguyên nhân: Quyết định giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng của NHNN; yếu tố mùa vụ cuối năm; giải ngân vốn đầu tư công cải thiện và đặc biệt là chủ trương rút tiền gửi Kho bạc Nhà nước gửi tại hệ thống NHTM trước đây về tài khoản tổng của NHNN theo Thông tư 58/2019/TT- BTC bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2019. “Tuy nhiên, sự cứu trợ kịp thời của NHNN đã giúp cho thanh khoản của hệ thống dần ổn định trở lại”, vị chuyên gia này cho biết.

Ít tác động thị trường 1

Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường liên ngân hàng không có nhiều ảnh hưởng đến thị trường 1, là thị trường giao dịch giữa các nhà băng với dân cư và các tổ chức kinh tế khác.

Theo Công ty chứng khoán SSI, thị trường 1 không ghi nhận sự điều chỉnh đáng kể nào, lãi suất tiền gửi vẫn dao động trong khoảng 4,1 - 5,0%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5 - 7,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4 - 7,9%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Đáng chú ý, lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn neo cao nên tiền gửi tại các NHTM vẫn tăng trưởng tốt trong 4 tháng gần đây và gia tăng tỷ trọng tiền gửi trung và dài hạn trong cơ cấu tiền gửi.

Ảnh minh họa.

Trên thực tế cũng có không ít nhà băng vẫn đang duy trì mức lãi suất động rất cao cho các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 18 tháng tại Vietcapitalbank là 8,0%/năm; còn các kỳ hạn từ 24 tháng trở lên là 8,1%/năm; đặc biệt khách hàng gửi tiết kiệm online còn được cộng thêm 0,1% so với gửi tiết kiệm tại quầy. Trong khi đó, khách hàng gửi tiết kiệm tại BacABank đều được hưởng lãi suất 8,0%/năm khi gửi với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Theo vị chuyên gia ngân hàng trên, hiện tính liên thông giữa thị trường liên ngân hàng và thị trường 1 là khá yếu, mà nguyên nhân một phần cũng bởi quy định siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn của NHNN. 

“Thị trường liên ngân hàng là nơi các ngân hàng vay mượn lẫn nhau và chủ yếu phục vụ cho nhu cầu thanh khoản ngắn hạn của của các nhà băng. Doanh số giao dịch lớn nhất là các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần, có nghĩa nguồn vốn trên thị trường này chỉ có kỳ hạn rất ngắn”, vị chuyên gia này cho biết.

Vì lẽ đó, cho dù nguồn vốn trên thị trường này có dư thừa đi nữa cũng không thể giải được cơn khát vốn trung- dài hạn hiện nay của không ít ngân hàng khi mà theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn sẽ được giảm còn 30% kể từ 1/10/2022. Trong khi theo số liệu thống kê của NHNN, hiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của các ngân hàng TMCP đang là 30,89%.

“Không ít ngân hàng có tỷ trọng cho vay trung- dài hạn rất lớn, trong đó có nhiều khoản vay mua bất động sản thời hạn tới 5 - 7 năm, nên không dễ kéo giảm tỷ trọng này nếu không tăng được nguồn vốn trung - dài hạn”, vị chuyên gia trên cho biết. Đó chính là lý do không ít ngân hàng vẫn chạy đua hút nguồn vốn này bằng lãi suất, buộc các ngân hàng khác cũng phải nâng lãi suất để giữ chân nguồn vốn qúy giá này.

Bởi vậy, mặt bằng lãi suất cho vay trung - dài hạn sẽ còn tiếp tục neo ở mức cao trong một thời gian nữa, ngay cả khi mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn đã được kéo giảm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top