Aa

Nhiều “ông lớn" đua nhau "dòm ngó" chung cư cũ

Thứ Ba, 06/09/2016 - 06:51

Nhiều chung cư cũ có vị trí đắc địa hiện được các doanh nghiệp bất động sản quan tâm, muốn tham gia đầu tư, cải tạo.

Đại gia địa ốc tranh nhau "đất vàng"

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ phải di dời, tháo dỡ khoảng 70 chung cư cũ với hơn 7.249 hộ dân đang sinh sống và sửa chữa 3 lô chung cư cũ với quy mô 10.000m2 sàn; đồng thời khởi công xây dựng mới thay thế 61 lô chung cư cũ với quy mô khoảng 9.870 căn hộ, tương đương 901.696m2 sàn.

Nhiều chung cư cũ có vị trí đắc địa như chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Q.3), chung cư Cô Giang (Q.1), chung cư Thanh Đa (Bình Thạnh) hiện được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Đa số những chung cư này đều nằm ngay mặt tiền đường trục chính kết nối giữa quận này với quận khác. Do vậy, khi thành phố công bố danh mục những dự án chung cư cần phải được di dời, phá sập và xây mới, nhiều doanh nghiệp BĐS trên địa bàn đã nhanh chóng đăng ký tham gia, trong đó có một số "ông lớn". 

Hàng trăm chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, cần được cải tạo lại . Ảnh minh họa.

Hàng trăm chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, cần được cải tạo lại . Ảnh minh họa. 

Tại Quận 1 có 98 lô chung cư cũ. Tập đoàn C.T Group đã đăng ký tham gia tới gần 90 lô. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tập đoàn C.T trước đó còn "bắt tay" với Công ty Quản lý Vốn nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) để cùng đầu tư xây mới dự án chung cư cũ trên đường Kỳ Đồng, quận 3. Ngoài ra, một chung cư cũ khác nằm trên ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Trương Định (quận 3) cũng sẽ do tập đoàn này thực hiện đầu tư xây dựng mới.

Cạnh tranh với tập đoàn này tại địa bàn Quận 1 còn có các công ty BĐS khác như: Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Gia Bảo và liên danh Vinaconex - Hoàng Sơn - Quân Anh.

Ở Quận 3, có 35 trên tổng số 45 lô chung cư được các nhà đầu tư quan tâm. Đáng chú ý, tập đoàn Novaland muốn cải tạo tất cả 11 lô của chung cư Nguyễn Thiện Thuật.

Danh sách trên chỉ là bước khởi đầu vì còn rất nhiều nhà đầu tư lớn khác đang muốn tham gia kế hoạch này. Theo đó, với những chung cư cũ sắp sập tại quận 1, đã có đến 29 đại gia địa ốc như Him Lam Land, Hưng Thịnh, Phúc Khang... đăng ký nhận dự án đầu tư mới.

TP. Hồ Chí Minh hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, với tổng số 565 lô chung cư chiếm hơn 59 héc-ta diện tích đất với 26.362 căn hộ. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây mới thay thế các chung cư cũ, hư hỏng nặng trên địa bàn, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND thành phố phân công, ủy quyền cho UBND quận, huyện trong việc thực hiện cải tạo xây mới thay thế chung cư cũ.

Trong bối cảnh đất nội đô ngày càng khan hiếm, nhiều “ông lớn ông bé” đua nhau ‘dòm ngó’ chung cư cũ. Tuy nhiên quy hoạch tổng thể để triển khai cải tạo chung cư cũ trên địa bàn vẫn chưa được phê duyệt, dù đã điều chỉnh và tổ chức nhiều phiên họp trước đó.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, việc đầu tư, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM đang là điều cấp thiết, vì nhiều khu chung cư được xây dựng trước năm 1975, đến nay đã xuống cấp trầm trọng và có thể... sập bất kỳ lúc nào.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh, trước động thái hồ hởi của các doanh nghiệp địa ốc khi muốn nhanh chóng được cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ thì nhà nước phải tham gia ngay từ đầu để bàn bạc với doanh nghiệp và người dân.

“Cần xem xét, quyết định chỉ định thầu đối với nhà đầu tư các dự án chỉnh trang đô thị; xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ, hư hỏng; chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện; hoặc chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện thu xếp vốn; hoặc nhà đầu tư đề xuất dự án đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất” ông Châu đề xuất.

“Hút” nhà đầu tư sau cơ chế đặc biệt

Cải tạo chung cư cũ đang bước vào giai đoạn mới, giai đoạn tăng cường “hút” 316.800 tỷ đồng (gần 15 tỷ USD) từ các DN BĐS để lập quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ 10 khu chung cư cũ.

Các chuyên gia quản lý đô thị kỳ vọng, trên cơ sở những thay đổi tích cực về mặt chính sách sẽ tạo động lực cho các DN đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho chung cư cũ, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao đời sống người dân.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: “DN chỉ chủ động tham gia đầu tư lĩnh vực này khi nắm được tín hiệu tốt từ thị trường, từ đó quay về kết nối với cư dân. Cũng chỉ có DN mới đủ năng lực về vốn và áp dụng công nghệ hiện đại trong cải tạo, xây mới khu chung cư cũ”.

Theo danh mục các dự án dự kiến thu hút đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 1) có 10 dự án nằm tại các vị trí "đất vàng” thuộc các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai, vốn là các khu tập thể (KTT) cũ của Hà Nội trước đây. Trong đó, dự án có quy mô vốn đầu tư lớn nhất là đầu tư cải tạo, xây mới KTT Ngọc Khánh (quận Ba Đình): 47.000 tỷ đồng, còn dự án có quy mô vốn đầu tư nhỏ nhất là đầu tư cải tạo, xây mới KTT Khương Thượng (quận Đống Đa): 6.000 tỷ đồng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tứ - Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết: “10 dự án trên “đất vàng” đã được TP chủ trương xã hội hóa đầu tư từ nhiều năm nhưng chưa thực hiện được bởi những vướng mắc trong việc tổ chức đền bù, tái định cư cho các hộ dân, cũng như đòi hỏi năng lực tài chính lớn từ chủ đầu tư. Xuất phát từ lý do đó, Sở đã đề xuất TP có cơ chế đặc biệt cho các chủ đầu tư thực hiện dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ”.

Đầu tháng 4 vừa qua, lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã có quyết định mang tính “gỡ nút thắt” cải tạo chung cư cũ bằng việc cho phép chung cư cũ được xây mới, cải tạo từ 21 - 25 tầng. Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Ngọc Thuy (hiện sinh sống tại một KTT cũ ở quận Ba Đình) vui vẻ cho biết: “Hy vọng nhiều DN BĐS có tiềm lực kinh tế sẽ sớm quan tâm đến quyết định mới của TP và nhanh chóng bắt tay cải tạo hoặc xây mới khu chung cũ nát mà chúng tôi đang sinh sống”.

Ở góc độ của giới DN địa ốc, nhiều ý kiến nhận định việc tham gia cải tạo, xây mới các dự án chung cư cũ vừa được TP công bố được xem là khoản đầu tư khá hấp dẫn. Nguyên nhân là bởi các chung cư này nằm ở khu vực trung tâm TP, vị trí đắc địa, tính thanh khoản cao. Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nhà đầu tư bỏ ra một số tiền lớn đầu tư sẽ tính toán làm sao thu lại được lợi ích theo tỷ lệ sinh lợi của đồng vốn. Và lợi ích nhiều hơn một chút nữa thì càng khuyến khích họ đưa tiền vào đầu tư./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top