Aa

Nhiều “sổ đỏ” trong đường dây làm giả con dấu, tài liệu quy mô cực lớn

Chủ Nhật, 19/12/2021 - 09:31

Đường dây bị triệt phá cùng ít nhất 6 trong hàng chục nghi can làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, trong đó có nhiều “sổ đỏ”, vừa bị Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt khẩn cấp để điều tra.

Ngày 17/12, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với Công an huyện Phú Lộc, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an tỉnh cùng các Cục nghiệp vụ - Bộ Công an, triệt phá đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Bước đầu đã có 6 nghi can, trong đó có nghi can cầm đầu bị bắt giữ.

Nhiều tập sổ đỏ trong nhiều loại giấy tờ nghi bị làm giả được công an thu thập.

Hàng chục nghi can tham gia

Thông tin ban đầu, chuyên án được Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế lập sau khi phát hiện những đầu mối, thông tin về đường dây làm giả giấy tờ, hồ sơ tài liệu… này, trong đó từ tháng 4/2021 đến nay, nhiều đối tượng đã sử dụng tài khoản Facebook, Zalo ảo để rao bán các loại bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả của các tổ chức, cơ quan Nhà nước trên toàn quốc…

Sau khi thành lập Ban chuyên án, các lực lượng trinh sát, cán bộ công an đã tập trung điều tra, phát hiện đường dây tội phạm này hoạt động rất tinh vi, sử dụng nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội. Đặc biệt các đối tượng là nghi can sống ở nhiều tỉnh thành khác nhau như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi…

Đến ngày 12/12, được sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, 4 tổ công tác thuộc các phòng trong Công an tỉnh phối hợp các đơn vị Cục nghiệp vụ - Bộ Công an đã đồng loạt phá án, bắt giữ 6 đối tượng là Phạm Tấn Huy (sinh năm 1984, trú tại TP.HCM); Võ Thành Long (sinh năm 1968), Nguyễn Công Chức (sinh năm 1988, cùng trú tại tỉnh Quảng Ngãi); Nguyễn Văn Tuân (sinh năm 1994) Lê Văn Chung (sinh năm 1993), Trần Văn Minh (sinh năm 1984, cùng trú tại tỉnh Thừa Thiên - Huế), trong đó, Phạm Tấn Huy được cho là đối tượng cầm đầu đường dây.

Nghi can cầm đầu đường dây Phạm Tấn Huy làm việc với công an sau khi bị bắt.

Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Chúng tôi đã cử 4 nhóm công tác đi Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM. Qua xác minh các đối tượng có các địa chỉ cụ thể và chúng tôi đã đồng loạt ra quân. Để truy bắt các đối tượng này quá trình đấu tranh chúng tôi đã bắt giữ 6 đối tượng và thu giữ tại TP.HCM ở các điểm mà các đối tượng làm giả giấy tờ, có rất nhiều các công cụ, phương tiện và văn bằng, chứng chỉ phôi bằng để phục các việc đối tượng mà làm giả”.

2 vạn loại giấy tờ đã giao dịch, 1 vạn người đã mua

Được biết, từ đầu năm 2020 đến nay, đường dây tội phạm do Phạm Tấn Huy cầm đầu có hơn 30 đối tượng tham gia, trực tiếp thực hiện hành vi làm giả hơn 20.000 các loại giấy tờ, tài liệu và chuyển cho người đặt mua trên toàn quốc, thu lợi bất chính số tiền hơn 30 tỷ đồng. Trong đó, cùng với những giấy tờ, tài liệu như phôi bằng, chứng chỉ, bằng lái, giấy chứng nhận đăng ký xe nhiều loại biển số nhiều tỉnh, thành phố… còn có rất nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Nhiều loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ… cùng thiết bị máy móc phục vụ đường dây phạm pháp này bị thu giữ.

Khám xét nơi ở và làm việc của các đối tượng, lực lượng công an thu giữ hơn 100 mẫu con dấu của các cơ quan, tổ chức, cùng nhiều máy vi tính, điện thoại, thiết bị máy in màu, máy scan, máy dập chữ, máy in thẻ nhựa, máy ép nhiệt, mẫu phôi… cùng hàng ngàn các loại giấy tờ, chứng từ giả như giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, ô tô; giấy chứng nhận đăng kiểm, tem kiểm định; biển số xe; giấy CMND, CCCD; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản trên đất; các loại bằng cấp, chứng chỉ của các trường và một số lượng lớn vàng, tiền các loại. Bước đầu xác định có khoảng 10.000 cá nhân trên toàn quốc đã đặt mua để sử dụng các loại tài liệu, giấy tờ giả.

“Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo xác minh làm rõ các đối tượng còn lại. Đối với những người mua bán sử dụng các loại giấy tờ giả này thì cũng phải xác minh làm rõ và có biện pháp xử lý nghiêm. Qua việc này chúng tôi nghĩ chúng ta, kể cả đối với cán bộ, nhân dân phải hết sức cảnh giác với các việc làm như vậy. Đặc biệt là nghiêm cấm việc sử dụng đặt mua đặt làm đối với các loại giấy tờ giả. Thứ hai là, nếu người dân phát hiện các đối tượng các tổ chức đường dây, hoặc đối với việc sử dụng các loại giấy tờ giả này thì phải bằng mọi cách báo cho cơ quan công an, cơ quan chức năng để đấu tranh làm rõ ngăn chặn”, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ.

Đáng chú ý là sau những nỗ lực triệt phá thành công chuyên án lớn này, đã có một số trinh sát, cán bộ công an tỉnh Thừa Thiên - Huế bị nhiễm Covid-19 đã và đang được điều trị. Hiện Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tiếp tục truy bắt các đối tượng còn lại, đồng thời điều tra mở rộng chuyên án nhằm làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của các nghi can cũng như đường dây tội phạm này để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top