Aa

Nhiều tổ chức quốc tế lạc quan về kinh tế Việt Nam

Thứ Năm, 06/10/2022 - 11:31

Việt Nam đang rất nỗ lực, tiếp tục đạt thành tích, thậm chí là một quốc gia nổi bật trong khu vực về tăng trưởng GDP dù vẫn còn những thách thức toàn cầu.

Đại diện UOB - Tập đoàn ngân hàng đa quốc gia của Singapore cho biết: UOB vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên mức 8,2%, cao hơn nhiều so với mức 7% ngân hàng này đưa ra trước đó. Nguyên do sự phục hồi mạnh mẽ của GDP quý III/2022 là 13,67% (theo Tổng cục Thống kê) đã tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế 9 tháng và là tiền đề cho tăng trưởng mạnh mẽ của cả năm 2022.

Tuy nhiên, UOB cũng chỉ ra điều đáng lo hiện nay là triển vọng kinh tế năm 2023, khi chính sách thắt chặt tiền tệ gay gắt từ các ngân hàng Trung ương trên thế giới có thể sẽ đè nặng lên nền kinh tế Mỹ và châu Âu - hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam.

Do vậy, trong dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu hàng quý mới nhất, UOB cảnh báo sẽ có một cuộc suy thoái đối với các nền kinh tế lớn vào năm 2023. Ngân hàng UOB vẫn giữ mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam ở 6,6%, dựa trên ước tính nhu cầu từ các thị trường chính sẽ tiếp tục chậm lại.

Trước đó, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023. Theo WB, cùng với việc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại, du khách quốc tế dần quay trở lại, khu vực dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo sẽ chậm lại trong ngắn hạn khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước mạnh hơn dự kiến sẽ bù đắp cho nhu cầu bên ngoài chững lại.

Cũng theo dự báo của WB, lạm phát bình quân dự báo 3,8% trong năm 2022, khi nhu cầu trong nước tiếp tục được củng cố. “Trong trung hạn, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro lớn, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng”, WB nhận định.

Đó là, sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 cùng với hoạt động kinh tế gián đoạn vẫn là rủi ro chính. Áp lực lạm phát dai dẳng và triển vọng thắt chặt tiền tệ mạnh hơn, nhất là tại Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển, có thể dẫn đến biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hơn nữa, nhất là vào thời điểm các hoạt động kinh tế đang chững lại.

Cùng với đó, tình trạng giãn cách y tế ở Trung Quốc có thể gia tăng ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế này, gây ảnh hưởng đến các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, căng thẳng và xung đột địa chính trị gia tăng càng làm tăng bất ổn trước mắt và có thể dẫn đến chuyển đổi cơ cấu dài hạn của nền kinh tế toàn cầu. 

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022. Việt Nam là quốc gia duy nhất được điều chỉnh tăng đáng kể trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á. Còn ngân hàng ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5% cho năm 2022 (so với dự báo trong tháng 4/2022). 

Tại buổi họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương cho biết: Trong báo cáo tham mưu của Bộ KH-ĐT với Chính phủ đã đưa ra các kịch bản tăng trưởng của GDP Việt Nam trong quý 4/2022 cũng như cả năm 2022. Kết quả dự báo đặt ra 2 kịch bản.

Theo đó, với kịch bản thấp là GDP năm 2022 tăng trưởng 7,5%, dự kiến trong quý 4/2022 đánh giá là vẫn còn nhiều khó khăn, khó đoán định. Bối cảnh rất khó để Việt Nam có thể dự báo được một con số chính xác kết quả vài tháng tới và dự báo càng dài hạn thì càng khó hơn. Chúng tôi đã đưa ra các kịch bản, phương án thấp là phương án gặp nhiều khó khăn thì cả năm 2022, tăng trưởng đạt 7,5%. “Kịch bản còn lại, trong bối cảnh không có đột biến, thuận lợi đối với nền kinh tế nước ta từ bên ngoài, chúng ta dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm khoảng 8%”, ông Trần Quốc Phương cho biết./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top