Aa

Nhiều trường học sử dụng đất sai mục đích được phê duyệt

Thứ Bảy, 06/07/2019 - 15:00

Nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội hiện nay đang sử dụng sai với quy hoạch được phê duyệt.

Mới đây nhất, báo phapluatnet.vn phản ánh trường Đại học Bách Khoa Hà Nội dù được giao đất để thực hiện vào mục đích giáo dục, nhưng nhiều diện tích đất lại được dùng làm ki ốt cho thuê.

Cụ thể, từ khi đường Trần Đại Nghĩa hoàn thành vào năm 2007, phần diện tích đầu hè của hai khối nhà ký túc xá B6, B7 đất của Đại học Bách khoa Hà Nội được Ban giám hiệu xây dựng thành những ki ốt để cho thuê mở quán cà phê, quán nhậu.

Trường Đại học Bách khoa cho thuê đất sai mục đích

Trường Đại học Bách khoa cho thuê đất sai mục đích

Hàng loạt quán cà phê, quán ăn nằm trên đường Trần Đại Nghĩa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đối diện cổng Đại học Bách Khoa Hà Nội. Phần diện tích đất này được UBND Thành phố Hà Nội quy hoạch cho cho trường để phục vụ mục đích giáo dục.

Một số chủ cửa hàng tại đây cho biết, để thuê được cửa hàng kinh doanh buôn bán tại khu vực này không hề đơn giản, phải có người quen làm trong trường (Đại học Bách Khoa) mới thuê được và giá thuê không hề rẻ, khoảng 30 - 40 triệu đồng/tháng với cửa hàng rộng khoảng 30m2. Thậm chí đối với những diện tích lớn hơn sẽ có giá cho thuê lên tới cả trăm triệu đồng/tháng.

Hay trước đó, năm 2018 theo phản ánh trên báo chí, một trường hợp đất trường học được sử dụng sai mục đích khác là tại trường Everest (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Mặc dù được quy hoạch là dự án trường tiểu học và THCS, tuy nhiên Trường Everest lại cho thuê để sinh viên cao đẳng học tập, sinh hoạt, giảng dạy và làm ký túc xá.

Cụ thể, Trường Everest được phê duyệt xây dựng trường tiểu học và THCS nhưng lại cho Trường Cao đẳng Công Thương thuê lại diện tích để giảng dạy sinh viên và khu ký túc xá.

Tìm hiểu giấy phép xây dựng các hạng mục công trình của Trường Everest, ngày 24/2/2013, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 564/QĐ-UBND về việc thu hồi 15.953,8m2 tại Khu đô thị mới Nghĩa Đô (gồm hai khu đất liền kề nhau, ký hiệu NT, TH1 và TH2, thuộc phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) do công ty Cổ phần Eurowindow Holding quản lý giao cho Công ty Cổ phần Trường học Nghĩa Đô để thực hiện dự án đầu tư xây dựng các Trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở Nghĩa Đô (nay đổi là Everest).

Trường Everest  cho thuê sai mục đích. (Ảnh: Thương hiệu công luận)

Trường Everest cho thuê sai mục đích. (Ảnh: Thương hiệu công luận)

Theo đề nghị của Công ty Cổ phần Trường học Nghĩa Đô, căn cứ định hướng Quy hoạch phân khu H2-1 tỷ lệ 1/2000 và các văn bản pháp lý có liên quan, ngày 9/7/2015, Sở Quy hoạch – Kiến Trúc Hà Nội đã cấp giấy phép quy hoạch số 2939/ GPQH và chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc kèm theo văn bản số 2063/QHKT-TMB-PAKT ngày 25/4/2016 để Công ty Cổ phần Trường học Nghĩa Đô nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng Trường Tiểu học, Trung học ngôi sao Thủ đô tại khu đất TH1, TH2.

Đến ngày 8/2016, Công ty cổ phần Trường học Nghĩa Đô ban hành Quyết định số 30/QĐ-NĐ về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trường Tiểu học và THCS ngôi sao Thủ Đô.

Ngày 13/1/2017, Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng số 04/GPXD cho Công ty Cổ phần Trường học Nghĩa Đô được phép xây dựng công trình thuộc Dự án: “Đầu tư xây dựng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở”.

Như vậy, có thể thấy việc TP Hà Nội phê duyệt mục đích cho Công ty Cổ phần Trường học Nghĩa Đô nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng Trường Tiểu học, Trung học ngôi sao Thủ đô tại khu đất TH1, TH2. Trong giấy phép xây dựng hoàn toàn không có việc duyệt để Trường cao đẳng Công Thương được sử dụng làm ký túc xá và khu giảng đường.

Mới đây, UBND quận Bắc Từ Liêm cưỡng chế một số công trình vi phạm trật tự xây dựng tại ô đất TH 1, Trường cao đẳng Asean, Phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm.

Theo quy hoạch, khu đất này dành xây dựng công trình là trường trung học cơ sở nhưng công ty TDS do bà Trần Kim Phương làm chủ tịch Hội đồng quản trị xây dựng khu nhà 1 tầng. Sau đó, khu đất này được cho trường cao đẳng Asean thuê địa điểm để giảng dạy suốt gần 5 năm qua.

Trước đó, hồi năm 2016, báo chí cũng phản ánh về sai phạm tại Đại học Thủ đô Hà Nội (trước đây là Trường Cao đẳng Sư Phạm Hà Nội).

Trường này xây dựng 18 ki ốt trong khuôn viên nhà trường, sau đó ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Đông Thành Vinh (Công ty Đông Thành Vinh) để ủy quyền cho đơn vị này khai thác, thu lợi nhuận và có trách nhiệm “nộp tô” lại cho trường 105 triệu đồng/tháng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top