Aa

Nhiều văn bản của Bộ GTVT làm khó doanh nghiệp

Thứ Ba, 24/04/2018 - 15:01

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, các nhà đầu tư đã đưa ra một vài kiến nghị liên quan đến lĩnh vực giao thông cho thấy nhiều vấn đề bất cập trong vận hành cơ chế, chính sách vẫn tồn tại ở Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ GTVT có nên giải quyết ách tắc để gỡ vướng cho doanh nghiệp?

Theo đó, trong văn bản chính thức gửi đến Hội nghị, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả - một doanh nghiệp hàng đầu trong xây dựng phát triển hạ tầng giao thông đã cho rằng Bộ GTVT và các thông tư, quyết định mà Bộ này đưa ra có dấu hiệu “ngâm hồ sơ đầu tư xây dựng”.

Cụ thể là ngày 1/12/2015, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 4255 nhưng sau đó đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” vì đây chỉ là văn bản hành chính thông thường nhưng lại chứa đựng các quy định mang tính quy phạm pháp luật.

Quyết định này cũng có nhiều nội dung “vi phạm nghiêm trọng”, can thiệp vào hoạt động của nhà đầu tư trái với Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật.

“Mặc dù cơ quan liên quan đã thừa nhận sai sót, sẽ rút kinh nghiệm và xử lý trong thời gian sớm nhất nhưng đến nay đã gần 2 năm trôi qua mà văn bản này vẫn “ngang nhiên tồn tại, gây cản trở, khó khăn, thiệt hại rất nhiều về tiền của, thời gian cho doanh nghiệp Đèo Cả - một đơn vị đang tranh thủ từng giờ quyết tâm về đích trước thời hạn các công trình trọng điểm quốc gia”,

Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Đèo Cả 

Theo quan điểm của Đèo Cả, tên gọi Bộ GTVT sinh ra là để giải quyết ách tắc giao thông, góp phần khơi thông huyết mạch kinh tế, nhưng thật đáng tiếc, tiến trình giải quyết ách tắc ở Bộ này lại đang… bị tắc.

Bên cạnh đó, ngày 15/11/2016, Bộ này cũng đã ban hành Thông tư số 35 quy định mức giá tối đa sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh nhưng lại bỏ lọt đối tượng áp dụng là các dự án hầm đường bộ nói chung trong đó có Dự án hầm đường bộ Đèo Cả.

Sự “lọt lưới” khó hiểu này khiến Bộ GTVT buộc doanh nghiệp Đèo Cả chỉ được thu phí với giá ngang bằng với giá các dự án đường quốc lộ và đường cao tốc (trong khi đây là dự án hầm đường bộ có quy mô lớn, suất đầu tư cao hơn rất nhiều so với các dự án đường quốc lộ, đường cao tốc).

Và lẽ dĩ nhiên, sự áp chế này sẽ tác động tiêu cực đến nguồn thu, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, buộc Nhà nước phải tính toán bù ngân sách. Điều đáng chú ý là người có trách nhiệm lại khá đủng đỉnh trong việc sửa đổi thông tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, với cơ chế hiện tại, các nhà thầu xây dựng Việt Nam đang phải vật lộn với muôn vàn khó khăn và rất mong được Thủ tướng xem xét tháo gỡ. Cụ thể, có chính sách bảo hộ quyền lợi cho các nhà thầu trong nước khi cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài, hỗ trợ các nhà thầu xây dựng Việt Nam tăng thêm sức cạnh tranh; bổ sung điều khoản bảo lãnh thanh toán đối với các chủ đầu tư ít nhất là 30% của cùng một giá trị gói thầu để đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp, tránh cho các doanh nghiệp xây dựng rơi vào tình trạng nợ đọng xây dựng triền miên như hiện nay...

Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cũng cho rằng, cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản có tác dụng quyết định đến việc chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư. Nêu lên một số cơ chế chính sách chưa phù hợp, thủ tục hành chính còn rườm rà, sách nhiễu, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Hùng kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi một số chính sách liên quan đến bồi thường khi thu hồi đất, cơ chế, chính sách đối với nhà ở xã hội, cũng như các chính sách liên quan đến công tác quy hoạch và quản lý sau quy hoạch...

Kiến nghị sửa ngay luật để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng

Theo Bộ Xây dựng, rất nhiều khó khăn, vướng mắc, liên quan chủ yếu đến Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Xây dựng. Chẳng hạn, quy định về vốn giữa các luật chưa thống nhất, gây khó khăn cho người thực hiện. Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thống nhất, chưa kế thừa lẫn nhau với kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm.

Ông Lưu Xuân Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả đề nghị, xây dựng cơ chế bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia Hợp đồng dự án theo quy định của pháp luật tại hợp đồng dự án và trong các giao dịch, thoả thuận đàm phán hợp đồng, thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ông này cho biết, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận chỉ đạo giao Bộ GTVT chủ trì “Cần đánh giá lại tổng thể dự án trong bối cảnh khó khăn về thu phí và hệ quả của việc thu hồi nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, sự khác biệt về tính chất, quy mô đầu tư của hầm so với đường để xác định giá thu phù hợp”, nhưng nhiều tháng qua, người được giao chủ trì sửa đổi, bổ sung là Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông vẫn chưa đưa ra được phương án cuối cùng, dù Bộ đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, lấy ý kiến. 

Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2015. Bộ trưởng Thể mong muốn nhận được các thông tin phản ánh của nhà đầu tư, nhà thầu liên quan đến những bất cập trong các thông tư, công việc của Bộ GTVT trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.

Ông Thể nói: “Đầu tiên, chúng ta cần sớm hoàn thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Chúng tôi đang rất trông chờ, bởi nếu luật được ban hành sớm sẽ tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, trong đó có Bộ GTVT triển khai công việc tốt hơn”.

Người đứng đầu ngành GTVT cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã đề nghị sửa đổi nhiều điều khoản trong Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, đồng thời nghiêm cứu xây dựng Luật Phát triển đô thị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần thẳng thắn nói ra hết những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này để Chính phủ có giải pháp khắc phục.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng hiện đang tồn tại rất nhiều, nhiều đến mức không thể nhớ hết với 12 đạo luật, hơn 100 nghị định và hàng trăm Nghị định, bên cạnh đó là khoảng 20.000 quy chuẩn và tiêu chuẩn. Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nhiều nghị định liên quan đến đầu tư xây dựng còn to hơn luật và pháp lý là rào cản lớn nhất cần phải tháo gỡ, vì thế, Chính phủ phải thúc đẩy ngay việc này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top