Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng và Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng chủ trì buổi Tọa đàm.
Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi đề xuất sửa đổi 46/168 điều của Luật Xây dựng. Các nội dung chủ yếu của Dự thảo Luật sửa đổi theo các nhóm vấn đề: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật liên quan nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật về quy hoạch, kiến trúc, đầu tư công, quảng cáo, an toàn vệ sinh lao động...
Cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mục tiêu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động đầu tư xây dựng bằng việc đơn giản hoá, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý.
Cụ thể, phân tách trách nhiệm thẩm định của người quyết định đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong công tác thẩm đinh, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; Phân tách trách nhiệm thẩm định của chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong công tác thẩm định thiết kế xây dựng; Đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng tích hợp công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng.
Dự thảo Luật cũng đề xuất việc đơn giản hóa hồ sơ cấp phép xây dựng; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày; mở rộng đối tượng được cấp phép theo giai đoạn; phân cấp việc cấp phép cho chính quyền địa phương…
Sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức tổ chức quản lý dự án theo hướng tăng quyền chủ động cho người quyết định đầu tư, giảm đối tượng dự án bắt buộc phải quản lý dự án theo hình thức Ban quản lý chuyên ngành, khu vực… Đặc biệt Dự thảo còn chú trọng sửa đổi một số vướng mắc, bất cập thực tế.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, các nhà quản lý và đại biểu đánh giá cao những nội dung được đề xuất tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều Luật Xây dựng 2014, đặc biệt là những sửa đổi nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường sự quản lý thống nhất của Trung ương đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư xây dựng; tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị giữ nguyên quy định tại Khoản 2, Điều 50, Luật Xây dựng. Theo đó, việc phân chia dự án thành các dự án thành phần chỉ thực hiện đối với dự án nhóm A, dự án quan trọng quốc gia.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho rằng, việc sửa đổi bổ sung lần này cần đưa vào nội dung các quy định của Luật nhằm ngăn chặn đẩy lùi nạn tham nhũng, lợi ích nhóm gây thất thoát lãng phí.
Ông Hùng cũng đề xuất sửa đổi một số nội dung liên quan đến phân cấp thẩm định dự án đầu tư; phân cấp cho địa phương và chủ đầu tư (đặc biệt là dự án đầu tư từ ngân sách Nhà nước). “Tuy nhiên việc phân cấp không thể tách rời quản lý Nhà nước”, ông Hùng nhấn mạnh
PGS.TS Trần Chủng ủng hộ việc quản lý của Nhà nước phải thông qua cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định dự án thẩm định thiết kế cơ sở, để kiểm soát đầu vào của mọi dự án đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng, đảm bảo các yêu cầu về an ninh quốc gia, đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững, an toàn cộng đồng, an toàn sinh mạng và đảm bảo người tàn tật được tiếp cận. Nếu để cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư (đối với các dự án vốn tư nhân), thì các yêu cầu này khó kiểm soát.
Do đó, ông Chủng đề xuất cần quy định cơ chế và quy trình phối hợp giữa các cơ quan trong việc lập thẩm định dự án đầu tư xây dựng. Bộ Xây dựng chủ trì hiệp thương với các bộ có liên quan thiết lập trình tự thống nhất và hướng dẫn trong các Thông tư để địa phương áp dụng….
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng cho rằng cần làm rõ hơn một số khái niệm như: Cơ quan chuyên môn về xây dựng, dự án đặc thù, dự án quy mô nhỏ, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, một số nội dung về bảo hiểm công trình xây dựng, chú trọng tăng cường vai trò nhà thầu cũng như có những quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm quản lý của Nhà nước về xây dựng, trách nhiệm của chủ đầu tư liên quan đến xây dựng…
Hiện, Bộ Xây dựng đang khẩn trương tổng hợp toàn bộ các ý kiến, nghiên cứu và tiếp thu đưa vào Dự thảo Luật một cách hài hòa, hợp lý nhất.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời đăng tải Dự thảo Luật trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ Xây dựng cũng như gửi trực tiếp bản Dự thảo Luật đến các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị để lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân... trước khi hoàn thiện Dự thảo Luật để trình Quốc hội cho ý kiến.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), trình thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).