Aa

Nhìn lại một kỷ nguyên của PlayStation 4 và Xbox One

Thứ Năm, 30/01/2020 - 09:02

Với những chiếc máy console chơi game thế hệ kế tiếp ra mắt sớm nhất vào tháng 5, rốt cuộc, ngày tàn của PlayStation 4 và Xbox One cận kề.

PlayStation 4 và Xbox One cập bến từ năm 2013, với những bản phát hành định hình thế giới game cho đến nay. Hiện tại, những chiếc máy console này sẽ không đi đâu cả. Chúng sẽ không bị ngừng hỗ trợ và các tựa game vẫn sẽ được xuất bản. Nhưng như với bất kỳ chiếc console mới nào, ưu tiên của toàn ngành chắc chắn sẽ chuyển sang thứ mới nhất và tốt nhất. Đây là thời điểm để chúng ta xem lại chất lượng game cũng như những ưu nhược điểm của chúng trong 8 năm qua.

Sự khởi đầu

Cả hai máy console đều có doanh số khi mở bán lớn, thế nhưng, game thủ lại có rất ít trò chơi để chơi, trong khi đó, số lượng tựa game tương thích ngược cũng rất hạn chế. Xbox One có một vài tựa game tương thích, nhưng lại bị giới hạn. Mặt khác, PS4 lại khiến bộ sưu tập game PS3 độc quyền vô dụng.

Bản phát hành Day One cho cả hai chiếc máy console đều không hấp dẫn. Hầu hết tựa game phổ biến như FIFA, Assassin's Creed hay Call of Duty đều có sẵn trên các hệ máy console cũ, trong khi những tựa game độc quyền thế hệ tiếp theo như Killzone Shadow Fall trên PS4 và Forza Motorsport 5 trên Xbox One chưa đủ để khiến người chơi phấn khích quá lâu.

Multiplayer

Thế hệ này chứng kiến nhiều tựa game bỏ đi chế độ cốt truyện và thay vào đó là chế độ nhiều người chơi. Nhiều tựa game có cảm giác như chưa hoàn chỉnh, từ Battlefield 1, Star Wars Battlefront cho đến COD: Black Ops 4. Treyarch đưa ra lý do: "Chúng tôi sẽ thách thức các tục lệ của chúng tôi khi thử làm những điều khác biệt." Nhưng thực sự thì ai cũng nghĩ rằng các nhà phát triển đang lười biếng và muốn kiếm tiền từ sự ám ảnh của game thủ với chế độ nhiều người chơi.

Không phải tất cả tựa game chỉ dành cho nhiều người chơi đều là điều xấu. Thế hệ này chứng kiến sự bùng nổ của các tựa game battle-royale nhiều người chơi. Những tựa game như PUBG, Fortnite và Apex Legends mang đến nhiều năm giải trí không ngừng nghỉ cho game thủ và chưa có dấu hiệu chững lại.

"Cơ chế bất ngờ"

Sau đó, mọi thứ trở nên xấu xí hơn. Các nhà phát triển game trở nên tham lam hơn với "yếu tố bất ngờ" mang tên lootbox, "hút máu" người chơi hơn nữa. Sao có thể không bực mình khi bạn bỏ tiền ra mua game nhưng vẫn không được trải nghiệm toàn bộ nội dung. Season pass, gói thuê bao và hơn thế nữa, có quá nhiều cách để nhà phát triển có thể móc ví người chơi.

Nhiều nhà phát triển nhảy vào xu hướng này, từ EA, Activision cho đến Rocksteady.

Cuối cùng các game thủ cũng cảm thấy quá sức chịu đựng, phản ứng dữ dội với tựa game Star Wars Battlefront 2 đến mức buộc EA phải thực sự quay trở lại cơ chế cũ. Hai năm sau, Battlefront 2 được cập nhật, loại bỏ các lootbox và những "cơ chế bất ngờ" khác. Một chiến thắng hiếm hoi của game thủ.

Những chiếc console đan xen

Chúng ta từng thấy những phiên bản "mỏng" (slim) của những chiếc console ban đầu, thế nhưng, thế hệ này, chúng ta có cả các phiên bản "Pro" từ Sony và Microsoft. Chúng hướng đến những game thủ có điều kiện kinh tế khá hơn và mong muốn có đồ họa cũng như hiệu năng tốt hơn.

Sau khi khởi động chậm hơn, Microsoft thực sự nghiêm túc với Xbox One X. Chiếc console này có thể chạy game ở mức 4K HDR 60fps và những linh kiện bên trong thừa sức đánh bại PS4 Pro. Thế nhưng, việc tăng cường đồ họa này lại chưa đủ để thu hút người hâm mộ. Cứ thử nhìn vào danh sách các tựa game độc quyền dành cho PS4 mà xem, chính chúng đưa PlayStation chiếm thế thượng phong.

Quay về cốt truyện

Phải đến gần cuối thế hệ console này, God of War mới xuất hiện. Không chỉ là cảm giác đã tay khi được đánh các vị thần "ra bã", God of War còn là lời khẳng định rằng game cốt truyện vẫn chưa hề chết. Game thủ vẫn có cảm giác thích thủ và sẵn sàng chi tiền, miễn là nội dung đủ hấp dẫn.

Điều này ngược lại với mô hình kinh doanh của nhiều nhà phát triển, những người đang tìm kiếm cách thu về lợi nhuận nhiều hơn nữa chứ không chỉ từ doanh số bán. Những tựa game nhiều người chơi với các cơ chế bất ngờ là một cách để đạt được doanh thu ngay cả sau khi game được bán ra bởi người chơi sẽ chi tiền ra mua gói trả phí hoặc nhiều nâng cấp hơn.

Thế nhưng, thành công thương mại của God of War truyền cảm hứng cho sự trở lại của những tựa game chế độ cốt truyện. Nhiều studio bỏ đi các nỗ lực nhiều người chơi để tập trung vào những cốt truyện, như Shadow of the Tomb Raider và Assassin's Creed. Chúng ta cũng có Spider-Man của Insomniac và EA biết cách không lãng phí quyền khai thác Star Wars với Jedi: Fallen Order đầy chất lượng. Cốt truyện là những gì gắn bó với người chơi. Đây chắc chắn là những tựa game mà thế hệ này sẽ được nhớ đến.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top