Aa

Nhìn lại “Thập kỷ vàng son” của du lịch Việt Nam

Chủ Nhật, 05/01/2020 - 06:30

Xác lập con số kỷ lục với 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, doanh thu 720.000 tỷ đồng, đóng góp gần 10% GDP…, năm 2019 trở thành điểm sáng trong thập kỷ phát triển thần kỳ của du lịch Việt.

Những con số biết nói

Số liệu mới công bố từ Tổng cục Du lịch ghi nhận du lịch Việt Nam trong năm 2019 đã đạt được kỳ tích khi thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế - cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 tăng 16,2% so với năm 2018, trong đó, khách đến bằng đường hàng không tăng 15,2%; bằng đường bộ tăng 20,4%; bằng đường biển tăng 22,7%.

Cũng theo thông tin Tổng cục Du lịch, trong năm 2019, du lịch Việt Nam phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng.

Nhìn lại những năm đầu của thập kỷ 2010, Việt Nam mới chỉ thu hút được khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế, 30 triệu lượt khách nội địa, doanh thu 130.000 tỷ đồng và đóng góp 5% GDP vào nền kinh tế đất nước thì đến nay những con số ấy đã tăng gấp 2 đến 3 lần, riêng doanh thu tăng hơn 5 lần.

Không khó để nhận thấy, du lịch Việt Nam đã thực sự có bước bứt phá ngoạn mục, vượt xa những mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” ngày 30/12/2011.

Sau gần 1 thập kỷ, sự chuyển mình của du lịch Việt Nam cũng đã được thế giới ghi nhận, đánh giá cao với những chỉ số thuyết phục. Theo chỉ số Năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch (TTCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đã thăng hạng mạnh mẽ: tăng 17 bậc trong 4 lần xếp hạng, từ vị trí 80/139 nền kinh tế (năm 2011) lên vị trí 63/140 (năm 2019).

Cùng với đó, 2019 còn là năm Việt Nam đón nhận nhiều danh hiệu danh giá do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) trao tặng: Ðiểm đến golf tốt nhất thế giới, Ðiểm đến di sản hàng đầu thế giới, Ðiểm đến hàng đầu châu Á năm thứ 2 liên tiếp...

Đột phá trong tư duy

Để du lịch Việt Nam đạt được sự bứt tốc mạnh mẽ, ngoài những hỗ trợ về mặt chính sách, không thể phủ nhận sự tham gia bài bản, mang tính chiến lược của các doanh nghiệp lớn như Vin Group, FLC Group, Sun Group…

Được đánh giá như những “đại sứ du lịch” của địa phương, các doanh nghiệp này không chỉ kiến tạo nên những quần thể nghỉ dưỡng hiện đại tiêu chuẩn quốc tế mà còn góp phần thay đổi diện mạo du lịch, tư duy du lịch của nhiều điểm đến trên cả nước.

Đơn cử như sự gắn bó mật thiết giữa chuỗi quần thể nghỉ dưỡng cao cấp của Tập đoàn FLC và sự tăng trưởng du lịch tại nhiều địa phương như Thanh Hoá, Bình Định, Quảng Ninh…

Hệ thống quần thể nghỉ dưỡng FLC Hotels & Resorts

Tại Thanh Hoá, FLC Sầm Sơn được đánh giá là một trong những dấu mốc quan trọng góp phần định hình sự chuyển đổi của vùng biển này, từ một nền du lịch tự phát thiếu tiện ích sang du lịch chuyên nghiệp, bền vững. Còn tại Bình Định, sau khi FLC Quy Nhơn khánh thành, Quy Nhơn đã trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch Việt Nam, với tăng trưởng du lịch trung bình từ 15-20 %/năm.

Cả hai quần thể này đều là những hạ tầng du lịch tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên mà địa phương có được, với mô hình hoạt động “all in one” (tất cả trong một) bao gồm trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn, resort, sân golf, các khu vực thể thao và trị liệu…. Mô hình này có thể xem là điểm sáng trong bài toán đa dạng hoá các loại hình du lịch, góp phần gia tăng trải nghiệm và kích thích chi tiêu của dòng khách cao cấp khi đến với Việt Nam.

Bên cạnh đó, một trong những dấu ấn đáng nhớ của du lịch Việt trong thập kỷ vừa qua chính là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng không Việt Nam.

Nếu như một thập kỷ trước, tổng lượt hành khách mà các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển mới khoảng 10 triệu người, thì tới năm ngoái 2018, con số này đã tăng gấp 5 lần, và dự kiến sẽ cán mốc 150 triệu lượt hành khách được vận chuyển trong 15 năm tới.

Sự nâng cấp của hạ tầng hàng không hay sự ra mắt của các thương hiệu mới như Bamboo Airways đã mang đến một làn gió mới, góp phần tạo nên một thị trường vận tải thực sự sôi động, thu hút mạnh mẽ lượng khách quốc tế đến với Việt Nam trong năm các năm qua.

Năm 2020, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 830.000 tỉ đồng.

Nhưng quan trọng hơn những con số lượt khách hay tăng trưởng, nhiều chuyên gia cho rằng chất lượng du khách và tỷ trọng đóng góp GDP mới là đích đến tiếp theo của du lịch Việt Nam.

“Nếu chỉ nhăm nhăm chuyện năm nay đón 15 triệu thì năm sau phải lên được 17 hay 25 triệu khách thì không ổn. Phải hướng tới đẳng cấp, khách đến ít nhưng chi tiêu nhiều. Chúng ta phải đặt vấn đề: Tài nguyên du lịch của Việt Nam ít nhưng đẳng cấp cao như Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc... phải làm du lịch ra sao để xứng đáng với tài nguyên đó”, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top