Aa

Ngân hàng Nhà nước hút ròng, tỷ giá chưa giảm áp lực

Thứ Bảy, 30/09/2023 - 05:53

NHNN hút ròng hàng chục nghìn tỷ đồng qua kênh tín phiếu vẫn là mức thấp so với trước đây. Đồng thời mục tiêu tăng lãi suất thị trường liên ngân hàng và giảm áp lực tỷ giá cũng sẽ chưa có tác dụng.

Chưa đủ đáp ứng mục tiêu

Kể từ ngày 21 đến ngày 26/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khởi động trở lại kênh phát hành tín phiếu trên thị trường mở sau 6 tháng với tổng khối lượng hút ròng lên tới 50.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày (và vẫn đang hút tiếp trong 2 phiên gần nhất).

Việc hút tín phiếu nhằm điều tiết giữa thị trường liên ngân hàng với Ngân hàng Trung ương mà không nằm trong chính sách tiền tệ nói chung của toàn bộ nền kinh tế.

Mức lãi suất trúng thầu tín phiếu hiện đang cao hơn mức lãi suất bình quân liên ngân hàng. Giới phân tích cho rằng động thái hút VND của NHNN sẽ thúc đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ, đồng thời giảm áp lực tỷ giá trong thời gian tới.

Vừa qua, chúng ta nhắc rất nhiều đến các kỳ họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất và đến khi có câu chuyện hút tín phiếu của NHNN, thì nhiều người đang hiểu là chính sách tiền tệ chuẩn bị chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt. Vì vậy cần nhìn nhận vấn đề này một cách chính xác.

Trong chính sách tiền tệ có hai vế rất rõ, một là lượng tiền đang lưu thông trong toàn bộ nền kinh tế thông qua cung tiền, mà quan trọng nhất là tăng trưởng tín dụng. Hai là các lãi suất điều hành tác động đến thị trường một, giữa thị trường liên ngân hàng với Ngân hàng Trung ương.

Theo đó, tín phiếu là một phần rất nhỏ, việc hút tín phiếu nhằm điều tiết giữa thị trường liên ngân hàng với Ngân hàng Trung ương mà không nằm trong chính sách tiền tệ nói chung của toàn bộ nền kinh tế. Đến thời điểm hiện tại, NHNN vẫn chưa có thay đổi gì về chính sách tiền tệ. Còn nhìn một cách sâu hơn, thì tăng trưởng tín dụng của toàn bộ nền kinh tế đến tháng 9/2023 mới chỉ dưới 6%, cho thấy tiền trong hệ thống ngân hàng vẫn đang rất nhiều.

Hiện nay, Việt Nam đang phải chịu áp lực tỷ giá lớn, khi tỷ giá liên tục tăng bao gồm cả tỷ giá USD của NHNN mua vào - bán ra và cả tỷ giá USD của ngân hàng thương mại cũng như tỷ giá USD tự do. Như chúng tôi đã phân tích, trong năm nay chúng ta phải chấp nhận mức tăng của tỷ giá với mức dao động từ 4 - 5%.

Bởi vì chênh lệch lãi suất của toàn bộ thị trường liên ngân hàng chỉ khoảng 1 - 2% và lãi suất USD khoảng 5%, điều đó thể hiện thị trường liên ngân hàng có thể đang găm giữ USD rất nhiều, gây áp lực đến tỷ giá. Cách tốt nhất để giảm áp lực là Ngân hàng Trung ương rút lượng tiền trong thị trường này về.

Có thể thấy, các hoạt động liên tiếp gần đây là NHNN đã hút ròng tổng cộng gần 50.000 tỷ đồng trong bốn phiên liên tiếp. Nếu so sánh với thời điểm tháng 3/2023, chúng ta đã từng hút hơn 200.000 tỷ đồng thì mức này chỉ bằng ¼, còn ở những thời điểm khác cũng ở mức khoảng 120.000 tỷ đồng.

Như vậy theo góc nhìn của tôi, thực sự khối lượng hút về trên thị trường liên ngân hàng so với khối lượng trước đây là mức thấp. Đồng thời mục tiêu tăng lãi suất thị trường liên ngân hàng và giảm áp lực tỷ giá thì cũng sẽ chưa có tác dụng.

Thận trọng tâm lý nhà đầu tư

Tuy nhiên với những nhà đầu tư đang giao dịch trên thị trường cổ phiếu thì thông tin này rất ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Một số người cho rằng thị trường chứng khoán đang phản ứng tiêu cực tới thông tin hút tín phiếu và VN-Index giảm mạnh. Trong khi đó, hoạt động bơm - hút tiền là hoạt động rất thông thường của Ngân hàng Trung ương và năm nay, Việt Nam sẽ ưu tiên tăng trưởng GDP, nên vấn đề chúng ta cần theo dõi đó là tăng trưởng GDP trong quý III này.

Trong năm nay Việt Nam phải chấp nhận mức tăng của tỷ giá với mức dao động từ 4 - 5%.

Mặc dù vậy, vấn đề mà nhà đầu tư cá nhân cần nhận diện đó là những rủi ro thị trường trước các luồng thông tin khác nhau. Trong một tháng vừa qua, có rất nhiều thông tin từ quốc tế đến trong nước, như chính sách “diều hâu” từ Mỹ với lãi suất cao kéo dài, cộng thêm một đợt tăng lãi suất nữa, là điểm rủi ro mới và điểm rủi ro này chúng ta cũng chỉ biết được sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC).

Với môi trường như vậy, các dòng vốn đang tập trung vào thị trường Mỹ do lãi suất gửi đồng USD, khiến nhà đầu tư sẽ bán tài sản ở những nơi có lợi suất thấp để tập trung vào các tài sản tài chính có lợi suất cao, dẫn tới giá trị đồng USD cũng tăng giá.

Tại thị trường Việt Nam, một số thông tin phi thị trường như khả năng vận hành của KRX, Thông tư yêu cầu làm sạch dữ liệu người giao dịch chứng khoán, hay thông tin hút tín phiếu, cùng với vấn đề được nhắc đến rất nhiều từ đầu năm đến nay là tỷ giá tạo tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư. Tôi cho rằng, sự điều chỉnh vừa rồi của thị trường cổ phiếu đã phản ánh những rủi ro trên thị trường. Điều chúng ta cần lưu ý là mặc dù chính sách tiền tệ không thay đổi, nhưng cần xét đến tâm lý của nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư F0 đến những nhà đầu tư chuyên nghiệp, khi họ đã sẵn sàng rời bỏ thị trường để có thể quay lại ở một mức định giá hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, chúng ta cần phải xem thị trường sẽ diễn biến theo hướng như thế nào khi sắp tới sẽ có nhiều rủi ro, với các vấn đề quốc tế như chỉ số đồng đô la Mỹ đã tăng lên mức 106, câu chuyện trần nợ công của Chính phủ Mỹ; còn trong nước sẽ phải quan sát tỷ giá, số liệu GDP quý III - một điểm trọng tâm để từ đó xem chính sách tiền tệ có thay đổi hay không. Đồng thời, cuối quý III cũng là thời điểm báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp niêm yết./.

Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top