Chia sẻ tại Tọa đàm "Tìm động lực cho thị trường chứng khoán những tháng cuối năm", bà Phạm Thị Thùy Linh, Vụ phó Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2023, thị trường chứng khoán biến động với nhiều phiên tăng, giảm đan xen chứ không chỉ có một chiều tăng, một chiều giảm.
Đó cũng là đặc trưng của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chúng ta đều biết thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường cận biên và có độ mở rất lớn, do đó chịu tác động mạnh mẽ bởi các yếu tố bên ngoài như: Căng thẳng địa chính trị, chính sách thắt chặt của các nền kinh tế lớn...
Tuy vậy, trong năm 2023, Chính phủ cũng có rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc khơi thông nguồn vốn và phát triển sản xuất kinh doanh, các chính sách giảm thuế, cơ cấu lại các khoản nợ, có các giải pháp để hỗ trợ thị trường bất động sản. Thị trường chứng khoán theo đó cũng được hưởng lợi từ những chính sách kể trên.
“Có thể nói rằng, trong 10 tháng qua, trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8, thị trường chứngkhoán có mức tăng điểm mạnh, các nhà đầu tư rất phấn khởi. Tuy nhiên, trải qua nhịp tăng dài thì đến cuối tháng 9, tháng 10 đã xuất hiện những phiên giảm điểm, một phần do tác động tâm lý trước căng thẳng chính trị ở khu vực Trung Đông”, bà Linh nhận định.
Dù vậy với những dấu hiệu tích cực thông qua sự tham gia của những nhà đầu tư mới, thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới vẫn sẽ tăng trưởng khả quan, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
“Thị trường chứng khoán đang diễn biến tương đối thú vị”
Đưa ra những đánh giá chung về thị trường chứng khoán thời gian qua, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, trong năm nay, thị trường diễn biến tương đối thú vị.
Thực tế, xuất phát điểm của thị trường năm 2023 tương đối rối ren, có rất nhiều nỗi lo trong năm 2024 như tỷ giá, biến động mạnh về lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp và những nỗi lo khác như suy giảm tiêu dùng nội địa, đầu tư FDI sụt giảm. Và chính những khó khăn đó đã khiến cho tình hình những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 tương đối tệ.
Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, hàng loạt những quyết định quan trọng đã được ban hành, như cho phép thanh toán trái phiếu doanh nghiệp trong 2 năm, cắt giảm thuế, giảm lãi suất điều hành, giải ngân đầu tư công... Chính sự vào cuộc kịp thời đó đã giúp cho tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam được ổn định, đẩy lùi rủi ro về việc hệ thống có thể đổ vỡ, giúp môi trường lãi suất giảm nhanh, giúp dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.
“Từ tháng 4 đến tháng 8, thị trường đã có những đợt tăng trưởng mạnh mẽ và nhà đầu tư trở lên hưng phấn và có khoản lợi nhuận tốt giai đoạn này”, ông Đức đánh giá.
Nhưng đến cuối tháng 8, mọi thứ đi hơi quá đà so với cải thiện thực tế của nền kinh tế, đặc biệt tăng trưởng kinh tế Việt Nam, sự phục hồi doanh nghiệp đều chưa rõ ràng. Thị trường bắt đầu xuất hiện nỗi lo mới là câu chuyện về tỷ giá và địa chính trị, kéo theo đó những câu chuyện về “margin call” khi giá cổ phiếu giảm nhanh. Trong khi đó, thị trường nước ngoài cũng đã bán ra liên tục từ tháng 5 và mạnh hơn trong tháng 7 và tháng 8, đại diện Công ty Chứng khoán SSI thông tin.
"Trong bối cảnh đó, thị trường điều chỉnh từ tháng 9 đến tháng 10 là điều dễ hiểu. Theo tôi đây là vận động tương đối của thị trường chứ không phải là quá đà", ông Đức cho biết.
Do đó, theo đại diện Công ty Chứng khoán SSI, thị trường sẽ lình xình một thời gian cho đến lúc mọi thứ tốt hơn, những yếu tố xấu bớt xấu đi hoặc khi thị trường đã phản ánh vào giá và các yếu tố mới tích cực xuất hiện.
Ông Đức cũng đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường trong năm 2024 vì có tiềm năng tương đối lớn. Tuy nhiên, quá trình tích lũy trong giai đoạn hiện tại có thể rất khó với những nhà đầu tư ngắn hạn bởi những diễn biến khó đoán của thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh những nhà đầu tư ngắn hạn họ chịu lỗ nhiều, bị áp lực bán, giải chấp… làm mọi thứ quá đà, làm giảm cổ phiếu nhanh hơn.
Nhóm ngành nào sẽ đón sóng thời gian tới?
Trả lời cho câu hỏi mã cổ phiếu nào sẽ đón sóng trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Đức cho biết, nếu thị trường quay trở lại, điểm sáng vẫn là ngành chứng khoán vì lợi nhuận tăng trưởng của ngành này cũng tương đối mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Đức, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không có công thức cụ thể đểcó thể tìm ra mã chứng khoán ngành nào sẽ tăng cuối năm. Thay vào đó là chuyện nếu thị trường tăng từ thời điểm bây giờ thì ngành nào nhạy cảm hơn đối với luồng tiền thị trường hiện tại thì những ngành đó có thể đem lại lợi nhuận cao hơn.
Do đó, những ngành liên quan đến cơ sở hạ tầng, dầu khí có thể cũng sẽ có những câu chuyện hay và trở nên nhạy cảm hơn với dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong giai đoạn sắp tới.
Đồng quan điểm, ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital cũng cho rằng, chứng khoán, dầu khí sẽ là những nhóm ngành có nhiều tiềm năng. Tuynhiên, ông Minh cũng cho biết thêm, nhóm ngành chứng khoán sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến độ nâng hạng thị trường Việt Nam có được triển khai tốt như kỳ vọng hay không. Thực tế, nhóm ngành chứng khoán đang được định giá khá cao so với lịch sử.
Bên cạnh đó, với vai trò đại diện công ty quản lý quỹ, ông Minh cho rằng nhóm ngành có tiềm năng trong thời gian tới là nhóm ngành được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo ông Đức, điểm tích cực đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, dù kinh tế thế giới lẫn kinh tế trong nước năm 2023 khá yếu nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cả vốn đăng ký lẫn vốn giải ngân đều có tăng trưởng. Theo đó, có thể lưu ý tới cổ phiếu nhóm khu công nghiệp hay cảng biển.
Ngoài ra, cũng có thể quan tâm tới đầu tư công nghệ cao, chip, chuyển đổi số, về AI, do đó, nhà đầu tư có thể quan tâm đến cổ phiếu ngành công nghệ thông tin.
Đặc biệt, chuyên gia VinaCapital nhấn mạnh, cần lưu ý nhóm cổ phiếu ngân hàng. Hiện tại, hầu hết các ngân hàng bây giờ có mức độ định giá tương đối thấp so với lịch sử loại trừ 2 ngân hàng định giá hơi cao là Vietcombank và BIDV. Vietcombank, BIDV nếu so với lịch sử thì cũng là thấp hơn so với quá khứ rất nhiều. Còn các ngân hàng khác, giá trị sổ sách (P/B) nằm trong khoảng 0,8 - 1,2 lần, là mức định giá khá hấp dẫn.
“Năm 2024, khi kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp khách hàng của ngân hàng kinh doanh tốt hơn có thể kỳ vọng các ngân hàng có thể có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn. Cùng với đó, các ngân hàng cũng có thể giải quyết được các vấn đề về nợ xấu vì khi kinh tế tăng trưởng, nợ xấu sẽ được giải quyết. Tôi nghĩ nhóm ngân hàng là nhóm sẽ có diễn biến tích cực vào cuối năm nay cho đến năm sau”, ông Minh nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm về nhóm ngành ngân hàng, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, về thời gian dài hạn (trên 1 năm), ngành ngân hàng có nhiều tiềm năng, xuất phát từ bối cảnh ngành ngân hàng có định giá thấp và hấp dẫn.
Nhìn về dài hạn, ngành ngân hàng có khá nhiều chuyển biến như chất lượng tín dụng cao hơn, chất lượng tài sản có thể cải thiện trong thời gian dài. Và tại một giai đoạn nào đó, thị trường sẽ định giá lại ngành này từ mức rất thấp, khi khả năng sinh lời và chất lượng tài sản được cải thiện.
Tuy nhiên, về ngắn hạn, ông Đức đưa ra quan điểm trung lập với ngành ngân hàng.
Thứ nhất, trong năm nay, câu chuyện nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng có thể chưa cải thiện rõ ràng mà phải chờ đến năm 2024 hoặc cuối năm 2024.
Thứ hai, ngành bất động sản còn đang khá “rối” do chưa nhìn thấy sự cải thiện và áp lực trả nợ của ngành này còn rất lớn. Doanh nghiệp bất động sản chưa giải quyết được triệt để những khó khăn còn tồn tại, vì vậy đã đẩy áp lực lên chất lượng tài sản của ngân hàng, nợ xấu sẽ tăng lên.
Thứ ba, với nền lãi suất cho vay đang giảm, lãi suất đầu vào có thể không giảm hoặc giảm cực kỳ hạn chế khiến NIM (biên lãi thuần) của ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm. Điều này khiến trong ngắn hạn, định giá của ngành ngân hàng chưa thực sự xuất sắc dù định giá thấp.
“Nếu thị trường gặp rủi ro thì ngành ngân hàng sẽ ổn. Nhưng nếu thị trường tăng nhanh, ngành này sẽ chậm trong vòng 3 - 6 tháng tới. Nhưng cần nhìn nhận rõ rằng, về lâu dài, triển vọng ngành ngân hàng tích cực và là ngành đáng để đầu tư”, ông Đức đánh giá.
Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia chứng khoán độc lập lại có quan điểm trái ngược về ngành ngân hàng trong ngắn hạn khi cho rằng, từ nay đến cuối năm, trong ngắn hạn, ngành ngân hàng khó có sự đột phá.
Ngành này có thể sẽ mang tính chất tích lũy để chờ đợi những cơ hội sau vào đầu năm 2024. Khi thị trường chứng khoán tăng, những nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp là tài chính ngân hàng nói chung, bao gồm cả chứng khoán.
“Chưa kể, ngân hàng được coi là xương sống của thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế, là nơi cung cấp vốn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, ngành này sẽ được hỗ trợ trong trung và dài hạn nhiều hơn”, ông Phan Dũng Khánh nhìn nhận.
Cuối cùng, ông Khánh cho rằng, trong ngắn hạn, nếu phải tìm một nhóm ngành có thể tạo sóng là rất khó vì đây là câu chuyện dành cho trung và dài hạn. Tuy nhiên, thời gian tới ngành công nghệ và ngành năng lượng xanh sẽ là tâm điểm thị trường./.