Aa

Nhộn nhịp chuyến biển cuối năm mang theo hy vọng trúng luồng tôm cá

Thứ Ba, 18/12/2018 - 04:15

Có dịp ghé thăm xứ biển Tân Ân - Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) vào những ngày cuối năm, chúng tôi mới thấy hết được không khí tất bật của ngư dân để bắt đầu cho một vụ mùa mới, hứa hẹn bội thu.

Mỗi người một việc, người đánh chỉ, người sở lưới, người kết phao, người bắt chì… hình ảnh nhộn nhịp, tiếng cười nói rôm rả làm xua tan bao mệt nhọc. Bước vào vụ mùa cuối năm, luôn là thời điểm “vàng” để đánh bắt. Bà con ngư dân mong đợi dịp cuối năm để cất những mẻ cá lớn, bán được giá cao.  

Sau bao vất vả

Ngồi bệt trên sàn nhà, tay cầm rim kết lưới, bắt chì để chuẩn bị bước vào vụ mùa cuối năm, gió biển lồng lộng từ dưới sàn thổi lên, sực nức hương vị mặn mòi đặc trưng của miền biển, ông Lý Thuận Lợi, 44 tuổi, ngụ xã Tân Ân kể: “Năm nào cũng vậy, dịp cuối năm luôn là thời điểm nhộn nhịp nhất của ngư dân chúng tôi. Thường những mùa vụ trước đó, làm rồi cũng hết, do mất mùa, mất giá, nợ tiền xăng dầu có khi lên đến hàng trăm triệu đồng, nợ chồng thêm nợ, khổ lắm”.

16-13-59_niem_vui_cu_ngu_dn_trung_mu_c_vo_dip_cuoi_nm_1
Niềm vui của ngư dân trúng mùa cá vào dịp cuối năm

Theo ông Lợi, vì mất mùa nên gánh nặng đè lên đôi vai của những chủ ghe, cực khổ trăm bề, làm rồi cũng hết. Nặng nhất là chi phí sửa chữa, nâng cấp phương tiện rất tốn kém. Cuối năm, khi mùa gió chướng bắt đầu thổi, cũng là lúc ngư dân xứ biển cảm thấy hứng khởi, nôn nao, mong đợi ngày vươn khơi đánh bắt. Họ háo hức cũng phải, vì đây là dịp có cơ hội trúng mùa, trúng giá. Vừa trả được khoản nợ đã thiếu trước đó, vừa có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình.

Cùng tâm trạng với ông Lợi, anh Võ Hoàng Nam, 36 tuổi, chủ tàu cá mang số hiệu BL.44510-TS, ngụ huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu hiện đang ra vào cửa Rạch Gốc, chia sẻ: “Làm nghề biển cũng nhiều thăng trầm lắm, lúc ăn nên làm ra, lúc trắng tay vì mất mùa, mất giá. Biển cả mà, lúc dịu êm, lúc giận dữ ai mà biết được. Nhất là những năm trở lại đây, thời tiết diễn biến bất thường, việc khai thác, đánh bắt trên biển vì thế cũng khó khăn hơn”.

Biển có thể cho ta mọi thứ về vật chất để giúp ta có cơ hội đổi đời từ nguồn lợi dồi dào, phong phú dưới đại dương. Trái lại, biển cũng có thể cướp đi của chúng ta tất cả và có khi là phải đánh đổi bằng cả tính mạng của bản thân vì những cơn thịnh nộ của biển cả. Dẫu biết khổ cực, nguy hiểm là vậy nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều ngư dân đành chấp nhận mạo hiểm đánh đổi tính mạng của mình để vun đắp, lo cho cuộc sống gia đình được no ấm, sung túc hơn.

Theo sự dẫn dắt của anh Nguyễn Thanh Tuấn, cán bộ Trạm khuyến ngư huyện Ngọc Hiển, chúng tôi tìm đến nhà của ông Hà Văn Hiếu, 60 tuổi, ngụ thị trấn Rạch Gốc, người có hơn 30 năm kinh nghiệm đánh bắt trên biển, hiện ông đi bạn cho một phương tiện trên địa bàn. Tại đây, chúng tôi được nghe ông chia sẻ những điều thú vị mà ông tích lũy được sau bao năm miệt mài lao động trên biển. Qua lời kể của ông Hiếu, chúng tôi mới thấy hết được sự gian nan, vất vả mà những người đi bạn phải trải qua. Những lúc trên biển, ngư phủ thường làm việc với cường độ cao, trong môi trường chật hẹp, gò bó, nặng nhọc… nếu trúng mùa thì chắc hẳn ai cũng vui mừng. Trái lại, họ cùng chung cảnh ngộ đói khổ vì mất mùa. Dù khổ cực là vậy, nhưng đổi lại, anh em bạn ghe lúc nào cũng đoàn kết, tương trợ nhau.  

Trở lại thời điểm “vàng”

Theo ông Hiếu, mỗi chuyến biển thường kéo dài từ 7 - 10 ngày tùy thời điểm trúng hay thất mà số ngày đi có thể ngắn lại hoặc dài ra. Những tháng đánh bắt thuận lợi nhất là khoảng đầu tháng 12 dương lịch kéo dài đến tháng 5 năm sau. Đó là thời điểm nhiều phương tiện bắt đầu mua sắm thêm ngư cụ trang bị cho tàu cá của mình để bước vào vụ mùa đánh bắt. Đây là cơ hội để nhiều phương tiện có được những chuyến biển bội thu. Từ đó, chủ tàu vừa trả được khoản nợ trước đó và có thể lãi được một khoản lớn, anh em đi bạn vì thế mà được hưởng lợi. Bước vào vụ mùa này, sau mỗi chuyến biển người đi bạn thấp gì cũng được chủ tàu chia lợi nhuận từ 5 - 7 triệu.

16-13-59_niem_vui_cu_ngu_dn_trung_mu_c_vo_dip_cuoi_nm
Ảnh: Trần Duy

Thời điểm cận tết ngư dân đánh bắt xa bờ thường sử dụng nhiều ngư cụ để giăng những mẻ cá lớn, có giá trị kinh tế cao như: cá thu, cá chét, cá dứa… còn đối với những phương tiện nhỏ, khai thác gần bờ cũng tranh thủ dịp này mà ra khơi đánh bắt cá khoai, tôm tít, mực… người thì bán liền cho chủ vựa vào cuối ngày, người thì giữ lại làm khô để những ngày cận tết bán được giá cao. Nhờ đó, cuộc sống của ngư dân miền biển thường đầm ấm, sung túc vào dịp tết.

Gần một tháng qua, nhiều ngư dân tại cửa biển Rạch Gốc phấn khởi vì trúng mùa, trúng giá nhiều loại cá như cá khoai, cá chét, cá dứa, cá thu... trên nét mặt rạng ngời vì vừa trúng đậm mùa cá chét, ông Châu Văn Huỳnh, 44 tuổi, thường trú xã Tân Ân, hồ hởi: “Dịp cuối năm là thời điểm thuận lợi nhất để cất mẻ lớn, ai mà không tranh thủ coi như phí phạm lộc trời. Chuyến biển vừa rồi tôi trúng cá chét, cá thu. Sau khi trừ chi phí và chia cho bạn ghe thì gia đình tôi còn lãi khoảng 50 triệu đồng”.

Gió chướng về, mọi cảnh vật đều đổi thay, báo hiệu một mùa xuân sắp đến. Mùa xuân, mùa của hạnh phúc, càng vui hơn khi những ngư dân miền biển có được những chuyến trúng mùa, được giá, mang lại thu nhập cho gia đình, làm giàu cho xã hội. Vùng biển Tân Ân - Rạch Gốc đang chuyển mình, ngư dân nơi đây rất phấn khởi vì vụ mùa năm nay.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Ngọc Hiển, địa phương có trên 470 phương tiện khai thác biển có công suất từ 20CV trở lên. Sản lượng khai thác biển năm 2018 ước đạt trên 55.000 tấn. Thời điểm từ tháng 12 dương lịch là ngư dân huyện Ngọc Hiển bắt đầu vụ mùa cuối năm. Vì vậy, khi trời trở gió chướng, ngư dân địa phương lại tất bật sắm sửa ngư cụ chuẩn bị cho vụ mùa cuối năm.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top