Aa

Nhu cầu bức thiết và cơ hội phát triển Công trình Xanh

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 27/11/2017 - 06:30

Trong bối cảnh đô thị hóa, việc nở rộ các tòa cao ốc, công trình bê tông hóa làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu. Điều đó đòi hỏi ngành xây dựng phải lựa chọn một hướng đi mới đảm bảo thân thiện với môi trường và con người, đó là phát triển Công trình Xanh.

Nhu cầu bức thiết

Theo kết quả nghiên cứu từ báo cáo “Xu hướng Công trình Xanh thế giới 2016” (Dodge Data & Analytics, 2016), thị trường Công trình Xanh đang mở rộng tầm ảnh hưởng tới rất nhiều quốc gia toàn cầu mà nổi bật hơn cả là các nước đang phát triển.

Cụ thể, trong các nước được nghiên cứu thì có đến 13 quốc gia gồm Hoa Kỳ, Mexico, Brazil, Colombia, Đức, Anh, Ả Rập Saudi, Phần Lan, Nam Phi, Úc, Singapore, Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo sẽ gia tăng đáng kể số lượng doanh nghiệp có trên 60% Công trình Xanh vào khoảng 2% - 35% trong giai đoạn 2015 - 2018.

Đặc biệt, trong đó nhóm các toà nhà thương mại chiếm tỷ trọng tăng trưởng Công trình Xanh cao nhất với 46% đơn vị tham gia có chung kỳ vọng thực hiện dự án thương mại xanh đến năm 2018, đồng thời cũng là nhóm công trình phát triển hàng đầu của tám trong số 13 quốc gia đang phát triển nêu trên.

Nhìn lại thị trường bất động sản Việt Nam, nhiều chuyên gia từng đánh giá rằng, các công trình xây dựng trong nước đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trung bình 33% điện và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính, chiếm một phần ba tổng lượng phát thải CO2, tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hơn nữa, với tốc độ tăng trưởng kinh tế và xây dựng nhanh tại bình quân đạt 12% và tốc độ đô thị hoá là 3,4%/năm trong 10 năm trở lại đây và dự kiến đạt ngưỡng 50% vào năm 2025 thì Việt Nam sẽ còn phải chịu nhiều tổn thất về sinh thái và kinh tế hơn nữa nếu không gấp rút giải quyết vấn đề hiệu quả năng lượng công trình.

Thậm chí, Bộ Xây dựng đã từng lên tiếng khẳng định rằng: “Việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các công trình xây mới là một đòi hỏi cấp thiết” và đề cập hướng đi mới “chú trọng thúc đẩy các công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả và đánh giá cao mọi nỗ lực góp phần nâng cao nhận thức và trang bị các công cụ, giải pháp kỹ thuật cho các nhà đầu tư, kiến trúc sư để phát triển thêm nhiều Công trình Xanh tại Việt Nam”.

Cũng đứng dưới góc độ bài toán kinh tế, tiết kiệm chi phí thì xu hướng xây dựng Công trình Xanh là nhu cầu cần thiết tại Việt Nam. Trong rất nhiều các cuộc hội thảo về Công trình Xanh, phía doanh nghiệp đều nêu ý kiến e ngại rằng họ vẫn tâm lý quá nhạy cảm về chi phí xây dựng, chi phí từ các loại thuế áp đặt, không chỉ chi phí đầu tư ban đầu mà còn phải chú trọng đến chi phí vận hành lâu dài của công trình.

Văn phòng xanh

Nhà ở xanh, văn phòng xanh là những phân khúc được chào đón trong thời gian tới

Ngược lại phía chuyên gia nghiên cứu và những doanh nghiệp đã từng thành công xây dựng Công trình Xanh đã chỉ ra rằng, để phát triển một Công trình Xanh có sử dụng những vật liệu xanh và công nghệ xanh sẽ giúp thu hồi vốn đầu tư nhanh chóng. Đặc biệt những lợi ích kinh tế như chi phí tiền điện vẫn thấp hơn mà vẫn tăng năng suất làm việc.

Chia sẻ với Reatimes, TS. KTS Lê Thị Bích Thuận, Chánh Văn phòng kiêm Phó tổng thư ký, Tổng hội xây dựng Việt Nam cho hay: “Doanh nghiệp e ngại xây dựng xanh vì họ cho rằng phức tạp. Thậm chí khi tính về hiệu quả kinh tế doanh nghiệp nói rằng chi phí xây dựng Công trình xinh đắt hơn Công trình thường nhưng chưa chắc đã hiểu đắt hơn cái gì.

Thực tế đắt hơn không chỉ là trang thiết bị mà ở chỗ tận dụng vật liệu cũ thì phải thuê nhân công tháo dỡ, phải cẩn thận và tỉ mỉ nên chi phí thuê nhân công sẽ đội lên. Ví như đập bỏ công trình nhưng phải giữ lại những vật liệu có thể dùng được, những viên gạch tốt, thanh thép tốt thì rõ ràng khó khăn hơn việc phá hủy toàn bộ trong một lần”.

Cơ hội phát triển trong thời gian tới

Câu chuyện Công trình Xanh ở Việt Nam đang hình thành xu hướng phát triển rõ rệt. Cụ thể là hệ thống chứng nhận Công trình Xanh bắt đầu được đưa vào ứng dụng vào năm 2010, khi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam công bố các tiêu chí của bộ công cụ LOTUS, được nghiên cứu và phát triển dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế như LEED để phù hợp với các điều kiện và đặc trưng của Việt Nam.

Đây là nền tảng đầu tiên để ngành Xây dựng Việt Nam tiếp tục áp dụng vào các Công trình Xanh. Tiếp đó tạo tiền đề mở rộng các hổi thảo, tọa đàm, diễn đàn, tập huấn để nâng cao nhận thức về Công trình Xanh cho đông đảo lãnh đạo nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp, kiến trúc sư và người dân.

Điều đó còn phần nào chứng minh mối quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội về Công trình Xanh. Đặc biệt, thị trường BĐS đã chứng kiến thắng lợi của nhiều doanh nghiệp có tên tuổi trong phân khúc nhà ở xanh, văn phòng xanh như: Capital House, Phúc Khang…

Chia sẻ với Reatimes, TS. Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh: “Để hướng tới xây dựng Công trình Xanh ở Việt Nam cần một cơ chế chính sách thích hợp để đảm bảo vai trò của người dân, người sở hữu được quyền khai thác tối thiểu các không gian chung, các tầng xanh chung cư… Muốn xanh thì là mục tiêu của đất nước nhưng phải đảm bảo sự đồng bộ của nhà đầu tư, phải đảm bảo nâng cao chất lượng sống của người dân”.

Dự báo về thị trường bất động sản năm 2018, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng: “Trong năm 2018 các doanh nghiệp nên nghiên cứu những chiến lược phát triển mới, đặc biệt là xu thế phát triển Công trình Xanh nhu cầu sống sống và làm việc trong không gian xanh rõ ràng đang tăng trong vài năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng các khu đô thị xanh, biệt thự nhà vườn. Bởi vì chúng ta cũng đã bắt đầu có những tiêu chí về xây dựng xanh, đô thị xanh được quy định rõ ràng”.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top