Aa

Nhu cầu đi lại và bài toán tăng thu phí xe

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 14/01/2018 - 03:02

Câu chuyện giải bài toán ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn vẫn còn nhiều vướng mắc. Phương án hầu hết các địa phương chọn trong 2-3 năm trở lại đây đều là giải pháp trước mắt như phân luồng phương tiện, nâng cao kết cấu hạ tầng, thu phí phương tiện, đổi giờ làm, cấm xe… Trong đó, việc tăng phí gửi xe một lần nữa đặt ra câu hỏi: Giải pháp này có đang vội vàng?

Tăng thu phí xe có giảm được ùn tắc?

Theo quy định do UBND TP. Hà Nội mới ban hành, từ ngày 1/1/2018, khung giá mới trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường đã được đưa vào áp dụng với mức phí tăng 2 - 3 lần. Lý giải về việc này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay, đa số người dân đều đồng tình, chỉ có một bộ phận bị ảnh hưởng, mà ở đây chủ yếu là người đi xe ôtô.

Vị lãnh đạo lý giải những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quy định thu phí sẽ khó có thể đồng thuận, còn đứng trên lợi ích chung của xã hội, đông đảo người dân đồng tình vì nó sẽ giảm một lượng xe khá lớn không cần thiết đi vào khu vực trung tâm. Việc áp dụng mức phí gửi xe như hiện nay, sẽ giúp các giao dịch được thực hiện nhanh chóng hơn, các tuyến đường cũng trở nên thông thoáng hơn.

Câu chuyện này đến nay vẫn tiếp tục được đưa ra tranh cãi chỉ sau hơn 1 tuần áp dụng. Đặc biệt, những lỗ hổng giao thông vẫn xuất hiện như bến xe lậu tiếp tục mọc lên vì người dân đang tìm kiếm các bãi gửi với giá cả phù hợp và trên đường xe có giảm nhưng đường vẫn tắc bởi người dân chọn loại hình taxi công nghệ (Grab, Uber…) ngày càng nhiều.

Còn nhớ cách đây không lâu, vấn đề thu phí cũng là một trong những nội dung quan trọng tại dự thảo Nghị quyết về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030 của HĐND TP. Bên cạnh đó, đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố cũng đã được bàn tới nhưng phương án kế hoạch phát triển phương tiện công cộng thế nào để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân dường như vẫn đang “chậm chạp”.

Tương tự, tại TP.HCM, sau khi đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố và đưa ra lộ trình thu dự kiến từ năm 2019, đề án này cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ các chuyên gia và người dân. Cũng theo lý giải của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thì mục đích của việc thu phí là nhằm hạn chế xe ô tô vào trung tâm, giúp giảm ùn tắc chứ không phải kinh doanh để lấy tiền của người dân.

vấn đề đặt ra quan trọng nhất là thu phí xe có chắc chắn giảm được ùn tắc như các lãnh đạo Sở giao thông vận tải nói?

Vấn đề đặt ra quan trọng nhất là thu phí xe có chắc chắn giảm được ùn tắc như các lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải nói? (Nguồn ảnh: Thanh Niên).

Tuy nhiên, cũng giống như ở giải pháp của Hà Nội, vẫn đề bất cập ở câu chuyện này là chưa giải được bài toán hạn chế ô tô thì người dân sẽ di chuyển bằng phương tiện nào trong khi xe máy sẽ làm gia tăng mật độ xe, mạng lưới kết nối xe buýt chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao.

Từ hai câu chuyện này, vấn đề đặt ra quan trọng nhất là thu phí xe có chắc chắn giảm được ùn tắc như các lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải nói? Hoặc phải có một câu trả lời rõ ràng về nhu cầu đi lại cho người dân. Thực tế thì đến nay, vì hai vấn đề vẫn chưa có vị nào dám khẳng định và nhận tránh nhiệm nên câu chuyện vẫn còn tiếp tục gây tranh cãi.

“Lối thoát” cho giao thông tắc ở đâu?

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong khoảng từ năm 2011 - 2016 là thời điểm phương tiện giao thông tăng lên quá nhanh. Hiện, trên địa bàn Thủ đô có hơn 5 triệu xe máy, gần 500.000 ôtô. Nếu tính về tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ô tô là 10,2%/năm, xe máy là 6,7%/năm.

Tương tự, hiện trên địa bàn TP.HCM có hơn 7,9 triệu phương tiện do thành phố quản lý, chưa kể lượng phương tiện từ các tỉnh thành khác với hơn 1 triệu phương tiện các loại lưu thông tại thành phố.

Từ những con số trên có thể dám chắc, nếu không đưa ra những giải pháp hợp lý và quyết liệt, thì tình trạng ùn tắc ở cả hai thành phố sẽ còn tiếp diễn. Thiết nghĩ, trước khi tính đến câu chuyện thu phí hay tăng phí gửi xe, các cơ quan chức năng cần tập trung làm tốt vấn đề tồn tại nhiều năm qua mà vẫn chưa giải quyết được, đó là di dời trường học, bệnh viện ra khỏi khu trung tâm. Đặc biệt là không cấp phép xây cao ốc ở đây và đẩy nhanh việc phát triển vận tải công cộng như tàu điện, xe buýt, xe điện….Chỉ khi hoàn chỉnh đồng bộ thì đưa ra các đề án về phí xe chắc chắn sẽ ít người phản đối.

Trao đổi với PV, TS. Thạch Minh Quân, Đại học Giao thông Vận tải cho hay, giải pháp tăng phí trông giữ xe đã có nhiều nước trên thế giới áp dụng như ở Nhật, mức phí trông giữ ô tô tại các khu vực trung tâm đô thị có thể lên đến 10 USD/30 phút (trên 200.000 đồng). Đó là cách nước bạn đang làm vì chỉ khi tăng phí trông giữ xe cao thì người dân mới cân nhắc chuyện sử dụng phương tiện công cộng.

Tuy nhiên, TS. Quân nhận định: “Chuyện người dân bức xúc gây tranh cãi cũng vì chưa hoàn toàn tin tưởng vào mạng lưới vận tải công cộng của thành phố. Bản chất là họ lo ngại các phương tiện giao thông công cộng không đáp ứng được nhu cầu đi lại, không đảm bảo thời gian lộ trình họ di chuyển, có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của họ. Ngoài ra, nếu họ chọn dịch vụ taxi thì vẫn có những bất cập về giá cước… trong khi đó, chủ động được phương tiện đi lại sẽ tốt hơn”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top