“Nhựa sống” trong những trí tuệ xanh
Đến bây giờ, khi được hỏi về lý do nào khiến thầy Nguyễn Hoài Bắc chuyển công tác và trở thành Tổng hiệu trưởng ngôi trường có mô hình mới, lạ, lấy triết lý giáo dục xanh làm kim chỉ nam, thầy Bắc chỉ cười: “Có lẽ đó là cái duyên. Trước đó, tôi chưa từng nghĩ tới việc sẽ chuyển môi trường làm việc. Nhưng điều gì đến sẽ đến. Bây giờ, tôi đang có thử thách mới cần chinh phục”.
Trước khi nhận lời mời trở thành Tổng hiệu trưởng Genesis School, thầy Nguyễn Hoài Bắc là người đặt viên gạch đầu tiên cho hệ thống trường học liên cấp Đoàn Thị Điểm Greenfield. Bao năm trôi qua, một hệ thống trường học được xây dựng lên với hơn 2.000 học sinh theo học. Những thế hệ học sinh đã ra trường và thành công, đặt chân đến vùng đất mới trên thế giới. Đó là những thành công mà thầy Bắc không khỏi tự hào. Đó cũng là tâm huyết, là công sức, là những năm tháng mà thầy dành cho “đứa con tinh thần” mà mình chăm sóc và nuôi dưỡng.
Nhưng… đã có một bước ngoặt khác!
“Qua giới thiệu, tôi có cơ hội gặp gỡ người sáng lập của Genesis School. Với lời nhờ tư vấn, tôi tham gia hỗ trợ cho trường Genesis School ngay từ thời điểm ngôi trường đó vẫn còn là ý tưởng. Ban đầu, tôi nghĩ sẽ dừng lại ở vai trò tư vấn. Nhưng rồi, sau sự hỗ trợ đồng hành và nhiều lần thuyết phục từ người sáng lập Genesis School, tôi đã thay đổi quyết định”.
Nói tưởng là dễ dàng, nhưng với thầy Bắc, đó là một cuộc đấu tranh tâm lý thật dài. Bởi, đâu dễ dàng khi rời xa “đứa con tinh thần” mà mình gắn bó bao lâu. Nhưng rồi, chính người thầy ấy đã bị thuyết phục bởi triết lý nhân văn mà Genesis School đang theo đuổi.
“Ngôi trường này có một triết lý rất tốt, rất nhân văn, rất tiến bộ. Triết lý đó đang vượt qua tầm nhận thức chung của xã hội hiện nay. Khi nghiên cứu sâu vào triết lý xanh của Genesis School, tôi thấy mình cần thay đổi về tư duy, nhận thức cá nhân người thầy. Mình phải bước chân làm những gì giá trị hơn, tốt đẹp hơn, có sức lan tỏa và rộng lớn hơn. Tôi tin rằng khi vào Genesis School, mình đóng góp điều đó được tốt hơn. Và tôi đã quyết định thay đổi vị trí công tác”.
Ngày 1/7/2019, thầy Nguyễn Hoài Bắc đã chính thức trở thành Tổng hiệu trưởng của Genesis School.
Bắt tay vào xây dựng môt chương trình giáo dục mới cho một hệ thống trường tư chưa bao giờ là dễ dàng. Và đối với một ngôi trường xanh, theo đuổi triết lý phát triển bền vững, thì đó càng là con đường đầy thử thách và chông gai.
Theo thầy Bắc, “Hiện nay, các trường ngoài công lập đều đưa vào những chương trình giảng dạy nghe rất hay như tiếng Anh, các yếu tố mới về công nghệ, về cơ hội cho các con tham gia vào sân chơi quốc tế… Tất cả những thứ đó được một số trường đưa ra làm thế mạnh để thu hút học sinh vào. Nhưng, Genesis lại khác, đi theo triết lý giáo dục xanh. Một triết lý rất đặc biệt và mới ở Việt Nam hiện nay. Bản chất giáo dục xanh là gì? Nó có đủ sức hút để phụ huynh cho con vào đây học hay không, đó là một thử thách lớn. Chỉ khi nào phụ huynh quan tâm đến Genesis, người ta mới hiểu giáo dục xanh là gì? Xanh có giúp phát triển trí tuệ không? Xanh có phát triển cân bằng cả về tình cảm không? Nếu hiểu như vậy, phụ huynh mới có thiện cảm, chấp nhận đồng hành cùng nhà trường”.
Những băn khoăn, trăn trở đó còn là sự đau đáu của một người thầy đã gắn bó với giáo dục truyền thống hàng chục năm qua. Một ngôi trường mới đã dũng cảm lựa chọn triết lý xanh trong thời điểm Việt Nam đang du nhập quá nhiều những mô hình mới. Vậy lấy gì để làm thế mạnh? Lấy gì để thu hút phụ huynh cho con em vào đây học? Nhất là khi hiện nay, đa phần các bậc phụ huynh đều lựa chọn một ngôi trường với mục tiêu: Con tôi có học giỏi không, có trí tuệ không? Họ chưa nghĩ rằng, con của mình cần được giáo dục nhân văn và cân bằng để đứa trẻ phát triển trí tuệ toàn diện và nhân hậu, để lan tỏa giá trị đó cho xã hội. Với thầy Bắc, những suy nghĩ đó vẫn còn là một bài toán còn đang dang dở.
“Ví dụ về khí hậu, những đứa trẻ vào đây học sẽ được hiểu sâu sắc về các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Nhưng Hà Nội hay rộng hơn cả đất nước Việt Nam, người ta còn bỏ ngỏ vấn đề đó. Họ mới quan tâm tới phát triển kinh tế và thậm chí đánh đổi khí hậu lấy phát triển kinh tế. Chưa kể, nhận thức của xã hội còn đang lo cơm áo gạo tiền, đến đời sống vật chất, kinh tế nên chưa đủ thời gian, điều kiện để quan tâm đến các yếu tố khác. Dù những yếu tố đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, môi trường của họ sống”.
Khi triết lý xanh còn là một khái niệm mới ở Việt Nam thì làm thế nào để những chuyến đò tri thức xanh cập bến thành công lại là một hành trình không đơn giản. Trở thành người đứng đầu của hệ thống trường học liên cấp Genesis School, thầy Bắc phải đảm nhiệm vai trò là người chèo lái con đò đó.
Theo thầy Bắc, đầu tiên, phải làm thế nào để tổ chức các hoạt động dài hạn thực sự hướng vào đứa trẻ, giúp cho đứa trẻ được phát triển theo hướng chủ động, theo hướng tích cực, tăng sự kích thích, tò mò, đam mê khám phá, hay là việc ra quyết định tự tin, rèn luyện kỹ năng của đứa trẻ. Điều này phụ thuộc rất lớn vào cách thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học của giáo viên.
Nhưng, thầy Bắc cho rằng, hiện nay, nhiều giáo viên đến trường, đến lớp trong tình trạng căng thẳng, làm việc theo kiểu “làm cho xong” mà không có sự đam mê, tình yêu, mong muốn cống hiến. Đó là nguyên nhân dẫn tới những kết quả đào tạo khác nhau.
“Chính vì yếu tố đó mà chúng tôi phải tập trung cao độ vào công tác bồi dưỡng đội ngũ, về phương pháp và năng lực đội ngũ đồng thời tạo môi trường giúp cho đội ngũ giáo viên đến trường như ở nhà. Việc này vô cùng quan trọng. Chúng tôi quan niệm rằng, không có một đứa trẻ trí tuệ được nhào nặn ra từ một người công nhân dạy học, mà chỉ có thể tạo ra một đứa trẻ có trí tuệ thật sự bởi những người thầy thực thụ. Người thầy đó phải hội tụ đầy đủ các yếu tố như năng lực, trí tuệ, sự nhiệt huyết, sự đam mê, tình yêu với đứa trẻ, tình yêu với nghề và liên tục sáng tạo không ngừng. Để có một người thầy như thế thì phải có một môi trường để họ được phát huy khả năng của mình. Đấy là lý do mà nhà trường luôn nỗ lực tạo ra điều đó”.
Và để đưa triết lý xanh thực sự trở thành “nhựa sống” chảy trong bộ máy vận hành của trường, thầy Nguyễn Hoài Bắc chia sẻ, Genesis School còn có rất nhiều mục tiêu, lộ trình đang được đặt ra để phụ huynh thấu hiểu học sinh, hiểu giá trị mà trường học mang lại cho các con và cả công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công nhân viên.
Con đường phía trước còn rất nhiều thử thách đối với một ngôi trường đã mạnh dạn theo đuổi một triết lý vượt tầm nhận thức xã hội. Chông gai sẽ nhiều. Nhưng sự lựa chọn này luôn khiến vị Tổng hiệu trưởng hạnh phúc. “Đến thời điểm này, tôi đang thấy rất hào hứng với công việc đang làm và sẽ làm trong thời gian tới dù phía trước là một núi công việc” – thầy Bắc tươi cười chia sẻ.
PV: Giáo dục Việt Nam xưa và có lẽ cả nay, nhiều lứa học trò được đào tạo theo hình thức nghe và chép. Quan điểm của ông như thế nào về việc thay đổi phương thức giáo dục truyền thống đó?
Thầy Nguyễn Hoài Bắc: Giáo dục xưa của Việt Nam đúng là như vậy. Học sinh đến trường mỗi ngày nạp vào đầu được nhiều kiến thức thì cho là một thành công. Tình trạng đó kéo dài cho đến ngày nay. Điều này chỉ được thay đổi quan điểm khi mà chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua.
Quan điểm hiện nay, chương trình giáo dục phải là cung cấp kiến thức để học sinh tiếp nhận, dựa trên sự phát triển năng lực của học sinh làm trọng tâm.
Chính vì chương trình giáo dục trước đây mà chúng ta cảm thấy nặng nề, cứ tái hiện kiến thức được điểm cao, còn học kiến thức để làm gì lại không biết. Hiện tại, hệ thống trường tư có sự thay đổi, vẫn theo chương trình lõi, theo hệ thống thi cử tiêu chuẩn của Bộ nhưng đã đổi mới. Dù mình không thể thay đổi toàn diện được nhưng cái gì đổi mới được sẽ làm, hoạt động nào làm khác đi sẽ triển khai và cái gì hấp dẫn thì phải làm… Điều đó chúng tôi đã từng làm rất tốt ở hệ thống trường Đoàn Thị Điểm Greenfield.
Sang một ngôi trường mới như thế này, với cấp học đang nhỏ, mầm non và tiểu học thì chúng tôi đã nghiên cứu làm một cách bài bản, sâu hơn. Ví dụ, ở cấp học mầm non, tiểu học chúng tôi luôn dành một khoảng thời gian thích đáng để học sinh có thể làm dự án học tập của mình. Đó là phương thức học cực kỳ sáng tạo, linh hoạt. Cùng một đầu bài nhưng mỗi sản phẩm của mỗi đứa trẻ là khác nhau và chắc chắn rằng sản phẩm đó là của đứa trẻ đó mà không phải của ai khác. Như thế chúng ta mới nhìn thấy rằng trí tuệ của đứa trẻ này khác đứa trẻ kia ở chỗ nào? Có như thế chúng ta mới nắm bắt được và nuôi dưỡng tốt những đứa trẻ.
Ở Genesis School, chúng tôi có cơ hội làm việc sâu hơn. Dù mới khởi đầu, chúng tôi quyết tâm làm những điều có giá trị như vậy, đổi mới sâu sắc để có cách nào đó khiến trí tuệ các em phát triển tối đa.
PV: Rẽ ngang công việc và khởi sự với một ngôi trường mô hình xanh, cuộc sống của ông có thay đổi nhiều?
Thầy Nguyễn Hoài Bắc: Tất nhiên là có! Làm việc trong ngôi trường xanh khiến bản thân tôi phải thay đổi thói quen. Trách nhiệm của tôi còn là làm thế nào để lan tỏa tình yêu và ý thức bảo vệ môi trường đến chính gia đình mình, cộng đồng mình. Sống xanh không chỉ đơn giản là môi trường tự nhiên, là rác thải, là không khí, năng lượng mà còn là tiêu dùng có trách nhiệm, có yếu tố văn hóa.
Chúng ta phải sống như thế nào để giản dị vừa đủ, không lạm dụng và đặc biệt tiêu dùng có trách nhiệm. Điều đó rất quan trọng! Ăn vừa đủ, mặc vừa đủ và tập trung rèn luyện sức khỏe. Tiêu dùng cái gì hạn chế được rác thải nhất thì chúng ta chọn. Chúng ta phải cân nhắc về thói quen, về sở thích của mình. Cả cộng đồng xã hội đều như vậy, thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
PV: Bức tranh 5 năm sau mà ông kỳ vọng về Genesis School sẽ như thế nào?
Thầy Nguyễn Hoài Bắc: Quy mô học sinh của trường Genesis đặt ra không lớn. Có thể 3, 4 năm nữa, số lượng học sinh vào đây sẽ lấp đầy. Điều tôi muốn, 5 năm sau, những đứa trẻ từ lớp 1 bước vào lớp 5 sẽ có một nền tảng xanh, một gen xanh, ở một tầm nhận thức cơ bản của những đứa trẻ lớp 5. Tôi kỳ vọng về thế hệ học sinh có gen xanh. Gen là thói quen, là trách nhiệm, là triết lý xanh đã ăn sâu vào con người. Điều đó sẽ được tiếp tục lan tỏa và chia sẻ trong xã hội này.
- Cảm ơn chia sẻ của ông!