Khoảng tháng 7/2022, Thanh tra Bộ Xây dựng ra Kết luận thanh tra số 39 về công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính của Hà Nội. Trong đó nổi lên vấn đề điều chỉnh quy hoạch hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu mà chủ yếu là việc điều chỉnh quy hoạch sai quy định.
Cụ thể, một vài sai phạm được đề cập đó là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, điều chỉnh không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiếu thủ tục theo quy định pháp luật về điều chỉnh… Việc điều chỉnh “chưa hợp lý” này dẫn đến tình trạng tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo quy chuẩn xây dựng Việt Nam với từng dự án, ô quy hoạch, các công trình phục vụ không bảo đảm bán kính phục vụ…
Áp lực công trình đè nặng lên con đường là vậy, áp lực về mật độ dân cư, đời sống sinh hoạt… trong từng chung cư, tòa nhà trên “con đường đau khổ” Lê Văn Lương cũng khiến cho ban quản trị tòa nhà nói chung và người dân trong các tòa nhà nói riêng “khóc than”.
… đến bất ổn đời sống xã hội trong tòa nhà Diamond Flower
Phản ánh với PV Reatimes, ông Nguyễn Mạnh Hà (cư dân tòa nhà Diamond Flower) cho biết, tới thời điểm hiện tại, BQT đã hết nhiệm kỳ nhưng không phối hợp với cư dân và chính quyền địa phương để tổ chức hội nghị bầu BQT mới.
Đặc biệt, trong thời gian dài, một số cư dân đã liên tiếp có những kiến nghị phản ánh về sự bất thường trong công tác quản lý, điều hành hoạt động, thu chi tài chính của BQT tòa nhà làm thất thoát tài sản của cư dân. Thậm chí, cư dân đã làm đơn tố giác tội phạm về những dấu hiệu bất thường trong công tác thu chi của BQT tới Công an quânh Thanh Xuân... Tại Biên bản làm việc ngày 02/08/2023 giữa UBND phường Nhân Chính và cư dân khẳng định những kiến nghị là có cơ sở nên cần thiết phải có sự trao đổi giữa BQT và cư dân để làm rõ. Tuy nhiên, đến nay, những kiến nghị của cư dân chưa được làm rõ, dẫn tới những mâu thuẫn, bất ổn về an ninh trật tự và vẫn chưa có hồi kết.
Đặc biệt, gần đây, ngày 20/10, sự cố thang máy rơi tự do đã dấy lên những lo sợ về an toàn khiến cho những mâu thuẫn giữa cư dân và BQT lên tới đỉnh điểm. Cực chẳng đã, ngay trong ngày 20/10, cư dân tòa nhà đã căng băng rôn phản đối việc điều hành của BQT, đề nghị bãi miễn và bầu ra một BQT mới;... Vụ việc đi đến căng thẳng khi một nhóm người không phải cư dân tòa nhà đã tới gây rối, gỡ bỏ một số băng rôn, dẫn tới mâu thuẫn, xô xát với cư dân gây mất tự xã hội. Hàng loạt những việc trên chỉ tạm lắng khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng.
Trước sự việc trên, ngày 24/10, UBND phường Nhân Chính đã gấp rút tổ chức hội nghị với cư dân tòa nhà để giải quyết những thắc mắc, khó khăn trong công tác quản lý vận hành và ổn định đời sống.
Tại buổi đối thoại, các nội dung tập trung đề nghị cơ quan chức năng sớm làm rõ những bất ổn về công tác quản lý và vận hành tòa nhà. Đặc biệt, cấp thiết cần có một BQT mới đại diện cho cư dân để tham gia công tác quản lý và vận hành.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Kiều Hưng - Chủ tịch UBND phường Nhân Chính kết luận, UBND phường sẽ phối hợp với chủ đầu tư và cư dân để bầu ra BQT tòa nhà mới, nhằm ổn định và đảm bảo quyền lợi cho cư dân. Trước mắt, cư dân tổ chức hội nghị bầu, kiện toàn ban đại diện trước khi phối hợp với chủ đầu tư bầu ra một BQT mới hợp pháp, đồng thời hạ băng rôn, khẩu hiệu tránh gây mất an ninh trật tự. Ngay trong ngày, cư dân tòa nhà đã tháo gỡ băng rôn như yêu cầu của UBND phường.
Trước đó, tháng 5/2023, hội nghị chung cư bầu BQT mới tại tòa nhà này đã bất thành. Sau đó, UBND phường Nhân Chính cũng đã nhiều lần đóng vai trò “trọng tài”, tổ chức hoà giải để giải quyết mâu thuẫn giữa cư dân và BQT, tháo gỡ những khúc mắc trong công tác quản lý và điều hành của BQT. Nhưng do phía BQT tòa nhà đã không tới dự cuộc họp trao đổi để giải trình tài liệu, cũng không tổ chức đối thoại, trả lời và cung cấp hồ sơ tài liệu để làm rõ những kiến nghị của cư dân. Từ đó, những mâu thuẫn vẫn tiếp tục phát sinh và tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn đời sống và an ninh trật tự.
Theo tìm hiểu, tòa nhà Diamond Flower tại ngã từ Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy do CTCP Đầu tư và Phát triển nhà số 6 (Handico 6) từng là một trong các điển hình về điều chỉnh quy hoạch bừa bãi, chất tải lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khiến Lê Văn Lương trở thành “con đường đau khổ”.
Giờ đây cũng tại tòa nhà này đang xảy ra tình trạng "điển hình" về bất ổn đời sống xã hội do mâu thuẫn, bức xúc của cư dân với công tác quản lý và điều hành của BQT tòa nhà. Do vậy, cần phải sớm có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để giải quyết làm rõ mâu thuẫn, tránh gây mất an ninh xã hội và môi trường sống của cư dân tòa nhà.
Trước vấn đề này, Luật sư TRẦN MINH HÙNG ( Văn phòng Luật sư Gia Đình – Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh) nhận định:
Thứ nhất: về thực trạng xung đột lợi ích, bất đồng quan điểm, dẫn đến những tranh chấp không đáng có giữa cư dân ở các tòa chung cư và quản trị tòa nhà về vấn công tác quản lý thu chi, vận hành tòa nhà:
Những tranh chấp phát sinh giữa cư dân và Ban quản trị Chung cư về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý thu chi, vận hành đã diễn ra nhiều năm qua tại các chung cư trên cả nước. Hình ảnh cư dân giăng băng rôn, khẩu hiệu phản đối chủ đầu tư, phản đối Ban quản trị trở nên dần quen thuộc ở nhiều khu chung cư. Thực trạng hiện nay có rất nhiều nguyên do dẫn đến xung đột lợi ích, bất đồng quan điểm kéo dài giữa cư dân và quản trị nhà chung cư. Pháp luật hiện nay quy định mỗi tòa nhà chung cư chỉ có một đơn vị quản lý vận hành, tuy nhiên, ở nhiều nơi lại xuất hiện tình trạng chồng chéo khi một tòa nhà chung cư lại có đến hai đơn vị quản lý vận hành.
Trong công tác quản lý, vận hành các tòa nhà chung cư, có rất nhiều các khoản thu chi khác nhau cụ thể như: tiền thu được từ phí dịch vụ, gửi xe, quảng cáo, viễn thông… Thế nhưng công tác quản lý, vận hành lại không minh bạch, thậm chí coi thường cư dân dẫn đến xảy ra rất nhiều các xung đột lợi ích không đáng có. Bên cạnh đó, không ít chủ đầu tư cố tình chậm trễ thậm chí tỏ ra “chây ì” không chịu bàn giao quỹ bảo trì, rút ngắn thời gian bảo hành, thoái thác trách nhiệm. Một số nơi không có quỹ bảo trì nên các chi phí bảo trì thang máy được tính vào phí quản lý vận hành gây khó khăn cho đơn vị quản lý vận hành.
Ngoài ra, còn có rất nhiều các tranh chấp, xung đột khác xảy ra liên quan đến việc bầu ban quản trị, cung cấp các dịch vụ điện, nước, gas, internet, … Việc tranh chấp giữa các bên diễn ra ngày càng gay gắt dẫn đến hậu quả là các cư dân giăng băng rôn, khẩu hiệu phản đối, thậm chí không đóng phí quản lý, vận hành. Về phía đơn vị quản lý, ban quản trị lại xử lý bằng cách cắt điện, nước, cắt không được sử dụng thang máy đối với các cư dân không đóng phí.
Thứ hai: Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cư dân, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ các sai phạm đang xảy ra tại Tòa nhà Diamond Flower để có thể đưa ra các biện pháp, giải pháp tối ưu nhất nhằm bảo vệ quyền lợi của cư dân. Các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát, bảo vệ cư dân thông qua các quy định pháp luật. Quy định pháp luật tại Thông tư số 02/2016/TT-BXD đã phân định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của UBND xã, huyện, tỉnh trong quá trình giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc quản lý vận hành, các tranh chấp liên quan đến bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế thành viên Ban quản trị nhà chung cư. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự vào cuộc của Sở Xây dựng, các cơ quan ban ngành liên quan cùng các cơ quan truyền thông, báo chí.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ tiến hành điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm trong việc vi phạm các quy định về quản lý, vận hành nhà chung cư nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của cư dân.