Ngôi nhà nơi Hitler sinh ra đang trong tình trạng đổ nát, sau ba năm không sử dụng. Các lớp sơn màu vàng nâu đang bị bong tróc, những vệt mốc kéo dài trên tường nhà như những dòng nhạc buồn. Cửa chính và cửa sổ đều đã bị rào kín. Cảnh trí lạnh lẽo, ảm đạm và ẩm mốc. Không biết vị quốc trưởng sẽ nghĩ gì khi biết điều này.
Là nơi sinh ra người nổi tiếng nhất của Braunau, ngôi nhà này đang là gánh nặng đối với chính quyền thành phố. Tại nơi đây, số 15 Salzburger Vorstadt, ngày 20/4/1889, Adoft Hitler đã ra đời. Tòa này này được liệt vào di tích lịch sử từ năm 1938, do đó, được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, gần đây bắt đầu dấy lên những tranh luận về việc sử dụng nó.
Trong một thời gian dài, ngôi nhà từng kinh qua các vai trò: nhà xưởng cho người khuyết tật, nhà khách, nhà riêng, nhà băng, thậm chí là thư viện địa phương. Có thể nhìn thấy chữ ‘MB’ ngay ở ngưỡng cửa. Đây là ký hiệu viết tắt tên Martin Bormann, một trong những người từng sở hữu ngôi nhà Hitler. Năm 1938, Bormann ép người sở hữu trước, nhà Pommers, bán lại căn nhà để mở trung tâm văn hóa Đức Quốc Xã. Bormann đã trả giá rất cao và chi nhiều tiền để cải tạo lại căn nhà. Tuy nhiên, năm 1954, nhà lại trở về tay Pommers.
Hiện tại, ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của bà Gerlinde Pommer. Bà có vẻ không có kế hoạch gì cụ thể cho căn nhà và liên tiếp từ chối những đề nghị của hội đồng thành phố và chính phủ liên bang nhằm biến nơi đây thành nơi kỷ niệm.
Trong hợp đồng thuê nhà năm 1972, nhà Pommers cấm người sử dụng được biến ngôi nhà thành bảo tàng hay nơi để răn dạy. Hợp đồng ghi rõ “không được phép sử dụng tòa nhà để gợi lại các vấn đề lịch sử”. Tại sao họ phải làm vậy? Họ sợ rằng nơi đây sẽ bị biến thành bảo tàng Hitler, điểm hành hương của những người theo chủ nghĩa quốc xã mới? Không ai biết chắcc về điều này vì bà Pommer luôn im lặng.
Bà Pommer cũng cấm lắp đặt bất kỳ bảng kỷ niệm nào lên căn nhà. Dù vậy, bà không thể ngăn chuyện người ta đặt một phiến đá khắc những lời răn dạy về hòa bình ngay cạnh nhà. Bù lại, bà Pommer giữ cho tòa nhà được nguyên vẹn. Những người thuê tòa nhà để làm xưởng sản xuất cho người khuyết tật đã buộc phải chuyển đi vì bà Pommer không đồng ý sửa chữa lại căn nhà để phù hợp với người khuyết tật.
Người dân địa phương cho biết, họ thường xuyên bị khách du lịch khéo léo tiếp cận. Nào ai dám thừa nhận rằng mình muốn nhìn thấy nơi Hitler đã sinh ra, rằng mục đích mình tới đây thật ra chỉ vì thế?
“Dễ thấy là, các câu hỏi chẳng bao giờ bắt đầu về nơi sinh (của Hitler),” một hướng dẫn viên du lịch cho biết, “nhưng câu thứ hai thì thường là vậy.” Nhiều người biện minh cho lý do chuyến viếng thăm của họ. “Đột nhiên, tất cả mọi người đều là giáo viên lịch sử và tới đây để thảo luận về Quốc xã với sinh viên.”
“Nhiều người đi qua đi lại thay vì đứng lại nhìn”, một nhân viên cửa hàng bên đường nói. “Quá khứ đó không phù hợp để cho vào tour du lịch,” thị trưởng nói. “Đây là điều đáng bị lên án.”
Nhiều người đã mong rằng giá như ngôi nhà bị thổi bay từ những ngày tháng Tư năm 1945, để Braunau khỏi phải chịu những gánh nặng như bây giờ.
(Ảnh: Janos Korom Dr./Bild)
Thật ra, chính bản thân Hitler cũng chẳng phản đối việc phá hủy nó. Với ông, nó chẳng có giá trị gì. Sau cuộc đảo chính năm 1938, Hitler cấm bất kỳ sự điều tra nào về quá khứ của mình. Năm 1938, khi Áo trở thành một phần của Đức, Hitler đã thu thập mọi tư liệu liên quan tới mình và cho tiêu hủy. Những mối quan hệ cũ hay kết quả học tập tồi tệ ở trường của Hitler đều trở thành bí mật quốc gia.
Khi lực lượng quốc gia Đức di chuyển sang Áo vào ngày 12 tháng Ba năm đó, Hitler đã vượt qua biên giới trên một chiếc xe mui trần, băng qua Braunau mà không thèm liếc nhìn lấy một lần nơi mình sinh ra. Việc đi qua Braunau cũng chỉ là tình cờ: nó nằm trên đường tới Linz – thành phố yêu thích của Hitler, nơi ông đã có những tháng ngày hạnh phúc nhất đời. Có thể Hitler không nhớ nhiều tới Braunau vì gia đình ông chỉ sống ở đó trong ba năm. Bản thân Hitler chỉ sống trong ngôi nhà ở Braunau trong vài tháng. Một quãng thời gian ngắn ngủi của đứa trẻ mới chào đời, nhưng là lịch sử bất diệt ở Braunau.
Trung tâm Braunau. (Ảnh: Stadtamt Braunau am Inn/Bild)
Trong cuốn lịch sử vắn tắt của thành phố này, ngày sinh của Hitler còn không được nhắc tới. Thay vào đó là một hòn đá răn ở ngay trước cửa nhà. Hòn đá này được đặt ở đó vào năm 1989, ít ngày trước sinh nhật thứ 100 của Hitler, để phòng tránh những sự việc không hay có thể xảy ra. Dường như hòn đá đã hoàn thành nhiệm vụ của nó. Trước khi có hòn đá, người ta thấy những cuộc tụ tập, thậm chí manh nha thành cuộc biểu tình. Nhưng rồi cuối cùng đã không có gì xảy ra.
Sau vụ hòn đá, một hội đồng về lịch sử đương đại đã được thành lập tại địa phương. Chủ tịch, ông Florian Kotanko, đã tổ chức những buổi họp đáng chú ý. Theo một khảo sát thú vị và sâu sắc, cư dân thành phố Braunau có nhận thức tương đối cao về các sự kiện lịch sử.
Văn phòng về Nhà ở tại Áo đã hi vọng sẽ mua được tòa nhà từ bà Gerlinde Pommer nhưng không có kết quả. Phát ngôn viên của văn phòng này cho biết, ủy ban hiến pháp đang xác định xem liệu có thể truất quyền sở hữu ngôi nhà của bà Pommer không. Với lý do lợi ích công cộng và nhu cầu về một nơi kỷ niệm, rất có thể là chính quyền đủ căn cứ để làm như vậy.
Sợ rằng, đó sẽ lại là một vố cay đắng. Khi nhà Pommer bị buộc phải bán căn nhà cho Martin Bormann vào năm 1938, họ đã đe dọa sẽ lấy lại ngôi nhà. Họ đã thành công. Biết đâu lần này cũng vậy?