Aa

Những câu chuyện về tính tiết kiệm của Bác Hồ

Thứ Hai, 17/08/2020 - 19:50

Trong cuộc sống hàng ngày, từ việc ăn, ở, sinh hoạt, ở mọi lúc, mọi nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nổi tiếng với những câu chuyện về tính tiết kiệm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị anh hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thể giới nhưng suốt cả cuộc đời, Người luôn sống một cuộc sống giản dị, mẫu mực và là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm. Đó là một trong những phẩm chất đạo đức vô cùng cao quý, hiếm thấy ở một vị lãnh tụ nào trên thế giới. Chẳng thế mà, những câu chuyện về tính tiết kiệm của Bác luôn được lưu truyền tới muôn đời sau.

Trên cương vị là một Chủ tịch nước, bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác luôn nghĩ đến người nghèo “lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem số gạo tiết kiệm đó để cứu dân nghèo”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng may 10, Người góp ý kiến về cách cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm, bảo đảm chất lượng (8-1-1959).

Một hôm, Bác đi họp ở đâu về, sợ Bác đói, nhà bếp vẫn để dành cơm cho Bác, nhưng Bác kiên quyết từ chối không ăn, mặc dù Bác chưa ăn cơm. Vì hôm đó đúng bữa nhịn của Bác để góp vào hũ gạo tiết kiệm.

Bác tiết kiệm đến cái nhỏ như tờ giấy: “Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm.

Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai ba lần”. Và Bác đã làm để mọi người bắt chước là hàng ngày các văn bản Bác đều viết ở mặt sau của bản tin Thông tấn xã Việt Nam; còn phong bì Bác đều dùng lại phong bì của các nơi gửi tới đến 2, 3 lần.

Đặc biệt, Bác còn chỉ thị cho những người phục vụ: vá khăn mặt cho Bác, vá áo lót cho Bác, vá chiếu nằm cho Bác.

Có lần, khi tất rách chưa kịp vá, anh em đưa đôi mới để Bác dùng. Bác cầm đôi tất xoay chỗ rách vào bên trong người Bác, rồi cười: "Đấy có trông thấy rách nữa đâu...".

Có lần, thấy Bác mặc bộ quần áo ka ki đã sờn cổ, sờn tay, cán bộ phục vụ Bác xin được thay bộ khác, Bác bảo: Nếu thi sang thì thua, thi tiết kiệm thì thắng. Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của nước của dân, không phải thay... ".

Làm được những việc nhỏ thì sẽ thành cái to như Bác đã chỉ rõ “nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm...mà lợi cho dân rất nhiều”.

Cuốn sổ tiết kiệm của Bác Hồ

Ông Lê Hữu Lập, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch (từ năm 1858 đến 1969) kể rằng: Bác Hồ có một cuốn sổ tiết kiệm mà ông được vinh dự đứng tên "Lê Hữu Lập", gửi ở quầy tiết kiệm phố Hàng Gai, Hà Nội.

Tiền tiết kiệm của Bác được dành dụm từ tiền lương hàng tháng còn lại sau khi trừ mọi chi tiêu sinh hoạt và tiền nhuận bút mà Bác viết bài cho báo Nhân Dân.

Bác Hồ cuốc đất tăng gia sản xuất

Trong dịp Bác đi nước ngoài dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, là đại biểu mời, Bác được Đảng bạn tặng một số tiền. Khi đồng chí Vũ Kỳ báo cáo lại, Bác dặn nhập số tiền vào quỹ Đảng, bởi Bác coi số tiền đó là của chung chứ không để vào sổ tiết kiệm làm quà tặng trong những dịp cần thiết.

Có lần trên đường đi công tác về, nhìn thấy các đồng chí bộ đội phòng không trực chiến dưới ánh nắng chói chang, gay gắt của mùa hè, Bác nhắc anh Vũ Kỳ bảo tôi rút số tiền tiết kiệm trong sổ của Người, trao cho Bộ Quốc phòng, làm quà tặng để các đồng chí bộ đội phòng không có thêm nước uống.

Những món quà của Bác tuy nhỏ nhưng đã động viên rất nhiều tinh thần của các cán bộ và chiến sĩ. Đáp lại tình cảm và tấm lòng yêu thương của Bác, cán bộ và chiến sĩ đã đạt nhiều thành tích trong chiến đấu, rèn luyện và học tập. Đó cũng chính là những món quà của họ dâng lên Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Sinh hoạt giản dị của Bác Hồ

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ sống và làm việc trên Chiến khu Việt Bắc, Người luôn luôn giữ một nếp sống giản dị và thanh bạch. Đất nước giải phóng, hòa bình lập lại, trở về Thủ đô, là Chủ tịch nước nhưng Bác vẫn giữ nếp sống ấy.

Tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, vào mùa hè nắng chang chang, trời oi ả, Bác vẫn đi bách bộ ra tận đình Hội đồng (Hội đồng Chính phủ hay họp ở ngôi đình cổ này) cách ba, bốn trăm mét. Mồ hôi ra ướt áo.

Trời quá nóng bức, bác sĩ Lê Văn Mẫn đi bên cạnh quạt cho Bác. Lúc đầu vì chưa chuẩn bị nên bác sĩ mang theo quạt lông chim, Bác phê bình nhẹ nhàng: Chú làm như ở trong triều ấy. Thấy vậy, ông vội cất đi. Khi Bác đi qua bụi cọ ông nghĩ ra cách cắt mảnh lá cọ làm quạt, chắc Bác vừa ý.

Quạt lá cọ có cái tiện là nếu đầu tua rách thì cắt bớt đi. Ngày hôm sau ông đã có quạt lá cọ đi phe phẩy bên cạnh Bác. Sau khi đi bách bộ xong Bác bảo để quạt lại cho Bác.

Về sau ở trong cơ quan xuất hiện rất nhiều quạt lá cọ. Bác sợ lạc mất quạt của mình nên châm thuốc lá vào quạt làm dấu. Bác cũng dùng quạt giấy, nhưng quạt giấy có nhược điểm là lúc mới có mùi hôi, khó chịu, lúc cũ hay gẫy nan. Theo ý Bác ông đã phải làm nẹp băng dính mấy nan gẫy rồi, nhưng Bác không chịu cho thay cái mới.

Bác ăn thanh đạm và vẫn giữ khẩu vị quê hương Nghệ An: Dưa, cà, cá quả kho đường khô và chắc. Mỗi tuần Bác nhịn ăn chiều thứ năm. Không ai hỏi Bác tại sao, nhưng anh em đoán Bác muốn đồng cam cộng khổ với nhân dân lao động đang sống khó khăn.

Bữa sáng Bác ăn cháo hoặc phở. Buổi trưa Bác ăn hai miệng bát cơm với dưa và vài quả cà để cùng vào một chiếc đĩa con. Một đĩa thịt nhỏ xào và một bát canh chua. Khi dọn mâm mời Bác thường phải để thêm một bát con thừa.

Vào ăn Bác dự liệu nếu ăn không hết thì Bác san canh sang bát con ấy để về sau người khác còn dùng được. Ăn xong tự Bác xếp lại đĩa to, đĩa con, bát to, bát con, để gọn trong mâm, đậy lồng bàn lại. Đồng chí phục vụ chỉ còn việc bê cả mâm đi. Bữa cơm chiều cũng tương tự như bữa cơm trưa.

Tiết kiệm thời gian

Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại Lễ tốt nghiệp khoá V trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời có ghi 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.

Trong kháng chiến chống Pháp,vì lý do: Mưa to, suối lũ, ngựa không qua được, một vị cấp tướng đến làm việc với Bác sai hẹn mất 15 phút, Bác bảo:

- Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động.

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một vị cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi:

- Chú đến chậm mấy phút?

- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

- Chú tính thế không đúng. 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.

Bác quý thời gian của mình đồng thời cũng quý thời gian của đồng bào. Bác tiết kiệm thời gian cho những công việc của mình và cũng là tiết kiệm thời gian làm việc cho những cán bộ khác.

Di chúc Bác Hồ về tiết kiệm chống lãng phí

45 năm qua, lời dặn trong Di chúc cũng như lối sống giải dị, tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.

Trong cuốn hồi ký “Bác Hồ viết Di chúc”, ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) có nêu một chi tiết rất cảm động là “ngày 10/5/1969, từ 9h30 đến 10h30, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc vào mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt ra ngày 3/5/1969”.

Nhiều thế hệ người Việt Nam cũng đã biết tới câu chuyện Bác Hồ viết giấy 1 mặt, dùng chiếc phong bì 2,3 lần. Rồi thật xúc động khi ta biết về điều căn dặn cuối cùng trong Di chúc của Bác sau bao tâm tư: “Sau khi tôi qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”

Bác Hồ lội suối trong chuyến công tác ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Internet.

Thậm chí Bác còn dặn dò chi tiết hơn, đó là yêu cầu “thi hài được đốt đi”, tro thì cho vào 3 hộp sành chon trên 3 quả đồi Bắc, Trung, Nam. Cách làm đó theo Bác là không tốn đất ruộng. Người còn căn dặn rất cẩn thận chỉ trong trường hợp “khi ta có nhiều điện” thì điện táng tốt hơn. Vì với Bác, lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân là có tội với dân với nước.

Trong danh sách những việc cần làm ngay, làm thường xuyên và phải đạt hiệu quả trong từng công việc, di chúc của Bác cũng nhấn mạnh đến việc thực hành chống tiết kiệm và lãng phí./.

Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, quan điểm tiết kiệm của Hồ Chí Minh là không xa xỉ, không hoang phí, bừa bãi, phải biết quý từng đồng tiền hạt gạo của nhân dân. Cái gì không có lợi cho dân, cho cách mạng thì một xu cũng không tiêu. Cái gì có lợi cho nước cho dân thì dù tốn bao nhiêu cũng phải tiêu.

Tiết kiệm không chỉ cho bản thân mình, mà tiết kiệm chinh là cho gia đình, xã hội, cách mạng cho Tổ Quốc và nhân dân. Tiết kiệm không chỉ là tiền bạc, thời gian mà còn là sức lao động, chất xám và làm đúng kế hoạch.

Làm được những việc nhỏ thì sẽ thành cái to như Bác đã chỉ rõ “nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm... mà lợi cho dân rất nhiều”.

Qua 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, cùng với việc thực hiện Cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đất nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển nhưng vẫn là một nước nghèo. Đâu đó trên những vùng miền của tổ quốc vẫn còn nhiều người phải chịu cảnh đói rét. Và PGS Bùi Đình Phong cho rằng một trong những trở lực của sự phát triển là lãng phí.

Chúng ta vẫn còn lãng phí thời gian, sức lao động, chi phí vật chất. Sử dụng vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa hiệu quả, còn lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công, trong khai thác tài nguyên khoáng sản. Quy hoạch bố trí dự án dàn trải, không hiệu quả, dự án chậm tiến độ, chất lượng công trình kém. Một loại lãng phí khác đó là lãng phí chất xám, bố trí người chưa đúng chỗ, chưa thực sự quan tâm người tài, chưa “khéo dùng cán bộ” như cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đảng và Nhà nước đã kêu gọi phát động nhiều cuộc vận động, thi đua kêu gọi thực hành chống tiết kiệm và lãng phí, bởi chúng ta nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của việc chống lãng phí. Vì thế, lời dặn dò trong Di chúc và tấm gương sống của Bác Hồ về tiết kiệm chống lãng phí vẫn còn vẹn nguyên giá trị./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top