Aa

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2020

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Thứ Tư, 01/04/2020 - 17:18

Bãi bỏ một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; Quy định về xử phạt với hành vi tung tin giả mạo, sai sự thật... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2020.

Bỏ quy định xử phạt một số hành vi tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP

Có hiệu lực từ ngày 1/4/2020, Nghị định 21/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. 

Trong đó, bãi bỏ quy định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực tham gia hoạt động lập dự án đầu tư xây dựng; thẩm tra dự án đầu tư xây dựng; bãi bỏ quy định phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức hoạt động xây dựng có một trong các hành vi: Không có hợp đồng lao động đối với những cá nhân đảm nhận những chức danh chủ chốt theo quy định; những chức danh chủ chốt không có chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ phạt đến 100 triệu đồng

Nghị định số 18/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ có hiệu lực từ ngày 1/4/2020.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Theo Nghị định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền. Trong đó, mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Cấm khai thác cát, sỏi tại khu vực bờ sông có nguy cơ sạt, lở

Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông chính thức có hiệu lực từ ngày 10/4/2020.

Theo Nghị định, việc khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông được thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật Khoáng sản; các quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều, giao thông thủy nội địa, quy định của pháp luật khác liên quan.

Căn cứ đặc điểm địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông và thực trạng, diễn biến tình hình xói, lở, bờ, bãi sông, các khu vực sau được khoanh định là khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông: a - Khu vực đang bị sạt, lở; b - Khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở; c - Khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt, lở; d - Khu vực khác có tầm quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định, an toàn của bờ sông; khu vực có công trình quốc phòng an ninh, khu đô thị, khu dân cư, khu vực có công trình đê điều, thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước, quan trắc, giám sát và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác mà việc khai thác cát, sỏi lòng sông có thể làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông do UBND cấp tỉnh quyết định.

Tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội bị phạt đến 20 triệu đồng

Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 15/4/2020. 

Theo đó, cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Mức phạt này cũng được áp dụng đối với các hành vi: (1) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; (2) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…

Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động bị phạt đến 150 triệu đồng

Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020.

Theo đó, phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 3 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động. Phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định nêu rõ: Các mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ngoài ra, quy định xử phạt đối với người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động như sau:

- Từ 5 - 10 triệu đồng nếu vi phạm từ 1 - 10 người lao động;

- Từ 10 - 20 triệu đồng nếu vi phạm từ 11 - 50 người lao động;

- Từ 20 - 30 triệu đồng nếu vi phạm từ 51 - 100 người lao động;

- Từ 30 - 40 triệu đồng nếu vi phạm từ 101 - 300 người lao động;

- Từ 40 - 50 triệu đồng nếu vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Mức phạt này được áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt gấp 2 lần. Và như vậy, doanh nghiệp sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho người lao động.

Quy định mới về quyết toán dự án sử dụng vốn nhà nước

Từ ngày 10/4/2020, việc quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước được thực hiện theo quy định tại Thông tư 10/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.

Ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP

Nghị định 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư chính thức có hiệu lực từ 20/04/2020

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bao gồm: Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP; dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại; công trình thương mại, dịch vụ; công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh; dự án không thuộc quy định nêu trên nhưng phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top