Aa

Những công trình kiến trúc Pháp cổ ở Hà Nội

Thứ Tư, 11/11/2020 - 14:00

Những năm đô hộ ở Việt Nam, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng quy nhiều công trình kiến trúc đồ sộ dọc theo chiều dài đất nước, đặc biệt ở Hà Nội. Có những công trình tuổi thọ 100 năm vẫn đang được sử dụng ở Thủ đô.

Nhà Hát Lớn Hà Nội do hai kiến trúc sư người Pháp là Harlay và Broyer thiết kế, trong quá trình thi công có sự tham gia của kiến trúc sư Lagisquet, khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris.
Theo thời gian, nhà hát có dấu hiệu xuống cấp và công cuộc trùng tu nhà hát từ năm 1995 - 1997, công trình Nhà hát lớn dù được sơn sửa và phủ lên một gam màu vàng nổi bật nhưng vẫn không mất đi chất kiến trúc châu Âu đặc trưng.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Tràng Tiền): Công trình trước đây mang tên Viện Viễn Đông Bác cổ hay Bảo tàng Louis Finot, khởi công năm 1925 và hoàn thành năm 1932, do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế. Công trình được coi là một đại diện lớn của phong cách Kiến trúc Đông Dương, một phong cách nỗ lực kết hợp các giá trị của nền kiến trúc Pháp với các giá trị kiến trúc bản địa.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã trở là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, phản ánh các nền văn hóa, lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt Nam từ thuở ban đầu khai sáng đến ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhà khách Chính phủ (trước đây là Bắc Bộ Phủ - số 12 Ngô Quyền): Hoàn thành năm 1911, do kiến trúc sư Auguste Henri Vildeu thiết kế, trước đây là Dinh Thống đốc Bắc Kỳ. Hiện nay công trình được sử dụng làm nhà khách của chính phủ. Công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc cổ điển Pháp, với tổ hợp mặt bằng, mặt đứng rất cân xứng cùng với những chi tiết kiến trúc thuần túy châu Âu.
Bưu điện Hà Nội (số 1 Lê Thạch): Đây một trong những công trình công cộng thuộc loại đầu tiên người Pháp xây dựng tại Hà Nội. Công trình mang phong cách cổ điển châu Âu do kiến trúc sư Auguste Henri Vildeu thiết kế, được đưa vào sử dụng năm 1896.
Bưu điện Bờ Hồ mang phong cách cổ điển châu Âu với cách phân chia các tầng và mái mang-sa.
Nhà thờ Lớn Hà Nội (số 40 Nhà Chung, tên chính thức: Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse): Nhà thờ được hoàn thành 1883, do linh mục Puginier chỉ đạo xây dựng theo mẫu hình từ châu Âu. Nhà thờ Lớn là nhà thờ có hai tháp chuông kiểu Gothic trung cổ Châu Âu duy nhất ở Hà Nội, có thể xem như mẫu hình thu nhỏ của nhà thờ ở Paris. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá.
Nhà thờ Cửa Bắc (56 Phan Đình Phùng): Đây là một công trình của kiến trúc thời kỳ 1925 – 1930. Hình khối nhà thờ không tuân theo quy tắc đối xứng, mà lệch với tháp chuông cao ở bên phải và cân bằng với mái vòm ở trung tâm. Có sự biến hóa hài hòa với không gian xung quanh, nhưng vẫn đảm bảo sự trang nghiêm và có phần tĩnh mịch, gây được ấn tượng về một sự siêu thoát. Kiến trúc nhà thờ Cửa Bắc thể hiện sự hòa hợp với khung cảnh nhiệt đới, với văn hóa phương Đông.
Bộ Ngoại giao (số 1 Tôn Thất Đàm): Công trình này trước đây là Sở Tài chính Đông Dương, do Ernest Hébrard thiết kế, khởi công năm 1925 và tới năm 1928 thì hoàn thành. Công trình có phong cách Đông Dương, một số chi tiết mang tính bản địa kết hợp với phong cách châu Âu như hệ mái hắt trên các khung cửa.
Phủ Chủ tịch (số 2 Hùng Vương): Là công trình khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1906, do kiến trúc sư Auguste Henri Vildieu và Charles Lichtenfelder thiết kế. Công trình mang phong cách tân cổ điển Châu Âu, được tôn cao bởi các bậc thang vượt qua tầng bán hầm tạo vẻ uy nghi, bề thế.
Nhà tù Hỏa Lò ( số 1 Hỏa Lò):  Được thực dân Pháp xây năm 1896 ở khu đất thuộc làng Hoả Lò. Tên tiếng Pháp của nhà tù này là Maison Centrale tiếng Việt là Nhà tù Trung ương, lúc bấy giờ thường gọi là Ngục thất Hà Nội.
Nhà tù nhằm đối phó với các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã tăng cường bộ máy đàn áp, bổ sung lực lượng cảnh sát, hoàn chỉnh hệ thống toà án và xây dựng mạng lưới nhà tù. Hiện nay, di tích nhà tù Hỏa Lò đã trở thành “Địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của Thủ đô và cả nước; nơi thu hút đông khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và học tập.
Ga Hàng Cỏ ( ga Hà Nội - 120 Lê Duẩn): Công trình khởi công xây dựng năm 1899 và hoàn thành vào năm 1902 do kiến trúc sư Boreil và Vildieu thiết kế. Công trình mang đậm nét kiến trúc của châu Âu. Đây là ga trung tâm của Hà Nội, từ đây tới Vân Nam qua Lào Cai hay qua Lạng Sơn tới Bằng Tường (Trung Quốc), đi Hải Phòng và tuyến Bắc Nam vào tới thành phố Hồ Chí Minh.
Đại học Tổng hợp Hà Nội (số 19 Lê Thánh Tông): trước đây là Đại học Đông Dương, được đưa vào sử dụng năm 1926, do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế. Công trình mang phong cách Đông Dương kết hợp phong cách tân cổ điển châu Âu với đặc điểm kiến trúc phù hợp khí hậu bản địa, tạo các mái vẩy trên ô cửa, rất hữu hiệu trong việc che mưa nắng vùng nhiệt đới.
Đến nay, Đại học Đông Dương vẫn được coi là công trình có giá trị lớn về mỹ thuật và kỹ thuật theo lối kiến trúc hiện đại. Công trình hiện được Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học Tổng hợp), Đại học Dược Hà Nội quản lý và sử dụng.
Cầu Long Biên được khởi công xây dựng năm 1898 và hoàn thành năm 1902, do 2 nhà thầu Daydé và Pille thi công. Công trình kiến trúc Pháp này là cây cầu thép thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là cây cầu dài thứ hai trên thế giới ở thời điểm khánh thành.
Cầu được tổ chức đường sắt ở giữa, 2 bên dành cho xe cộ, sau này làm thêm vỉa hè cho người đi bộ. Có thêm một điểm độc đáo của cây cầu, là cầu có chiều đi ngược với bình thường.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top