Nhà máy xử lý nước thải ngầm
Tại thành phố Helsinki của Phần Lan, người ta đã đưa một nhà máy xử lý nước thải xuống dưới đất. Các tuyến đường đi xuống phía dưới nhà máy và hệ thống hành lang kỹ thuật của nhà máy được xây dựng với chiều dài hơn 40km, sâu 30 – 80m. Các đường hầm có chiều cao 5m, rộng 7m, được lắp đặt cáp điện, cáp viễn thông, đường ống cấp nước, cấp nhiệt, và có một đường cho xe sửa chữa đi lại.
Sở dĩ nhà máy này được xây dựng ở dưới lòng đất để có thể liên kết dễ dàng hơn với các đường ống nước thải ngầm của nhà máy, tránh được tình trạng tắc nghẽn, tồn đọng vì không có hệ thống máy bơm hút.
Đứng về góc nhìn môi trường, nếu được xây dựng ở trên mặt đất, nó có thể gây ra ô nhiễm không khí, ô nhiễm mùi. Trái lại, theo các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Không gian ngầm (ACUUS), đất sẽ là một lớp cách mùi, cách âm cực tốt. Vì vậy, nhà máy xử lý nước thải dưới lòng đất này ở Phần Lan hoàn toàn không gây ra ô nhiễm không khí, ô nhiễm mùi và làm ảnh hướng đến cuộc sống ở trên mặt đất.
Cùng với những lợi ích đó, một nhà máy xử lý nước thải dưới lòng đất cũng đã được đưa vào vận hành tại Trung Quốc vào tháng 10/2016. Điều đặc biệt ở đây là nhà máy được xây dựng ngay bên dưới một khu dân cư để có thế dễ dàng tiếp nhận, xử lý và cung cấp nước sạch trở lại cho người dân mà không hề gây ảnh hưởng về ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất hay ô nhiễm mùi.
Những cung đường dưới lòng đất
Còn đối với những hạ tầng giao thông ngầm có tác dụng bảo vệ môi trường và giảm ô nhiễm tiếng ồn, ta phải kể đến đường hầm phía Tây A86 ở Paris (Pháp) kết nối 80km đường vành đai A86 quanh siêu đô thị Paris. Nó được xây dựng để cho phép rút ngắn thời gan từ Malmalson đến Versail, vốn tốn khoảng 45 phút đi xe, có thể giảm xuống còn 10 phút.
Ngoài mục đích xây dựng là để giải quyết vấn đề ùn tắc và nâng cao khả năng liên kết giữa vùng ngoại ô và Paris thì đây cũng là tuyến đường được xây dựng để giúp giảm tình trạng ô nhiễm không khí được tạo ra bởi các phương tiện giao thông.
Trước kia, khi đường hầm này chưa được xây dựng, các cung đường kết nối từ vùng ngoại ô và thủ đô luôn gặp phải tình trạng ách tắc khủng khiếp với mật đô giao thông khổng lồ. Khói bụi từ động cơ đốt của chính các phương tiện này là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí của những vùng quanh đó. Hơn nữa, quãng đường di chuyển được rút ngắn cũng tạo ra tác động tích cực với môi trường.
Còn tại hầm M30 ở Madrid, Tây Ban Nha, một đoạn của đường vành đai của thành phố, cũng là một dự án phát triển và quy hoạch không gian ngầm để bảo vệ môi trường. Trước đây đoạn M30 cũ, đã xuống cấp được xây dựng ở bên trên mặt đất gây ra sự ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng, đồng thời nó cũng mang lại những ảnh hưởng tiêu cực đối với sông Manzanares.
Do đó, năm 2014, đường M30 được xác định là một “barie” quan trọng, là phần không thể thiếu của hạ tầng giao thông giữa vùng ngoại ô và trung tâm đô thị cần được nâng cấp và sửa chữa. Vì vậy, người ta quyết định “hạ thổ” đoạn đường để vừa đảm bảo thông suốt con đường vừa cho phép vùng đất trên bề mặt được tái phát triển không gian công viên xanh, đường cho người đi bộ, đi xe đạp và nhà sinh thái.
Theo nghiên cứu của Ủy ban thành phố Madrid, sau khi đường ngầm này được xây dựng, số lượng phương tiện sử dụng nó ngày một tăng lên do rút ngắn được thời gian di chuyển, phục hồi môi trường và mang lại vẻ tự nhiên vốn có của sông Manzanares. Ước tính, từ năm 2007 đến năm 2037, đường hầm M30 sẽ giúp cắt giảm được 35 nghìn đến 64.8 nghìn tấn CO2.
Thêm một dự án nữa là dự án xây dựng hầm cao tốc Zuidasdok ở Amsterdam, Hà Lan – một trong những dự án phát triển hạ tầng lớn và quan trọng nhất ở đất nước này.
Trước đây, con cao tốc cũ Nam A10 vốn là một trong những con đường cao tốc có mật độ xe lớn nhất và “sở hữu chức vô địch” về tình trạng tắc đường kéo dài đến hàng tiếng đồng hồ từ đoạn S108 đến đoạn S109. Điều này đồng nghĩa với việc trong lúc hàng nghìn chiếc xe di chuyển từng centimet một thì tương đương với hàng nghìn bộ động cơ đốt trong cùng nhau hoạt động và thải ra số lượng CO2 lớn gấp nhiều lần số lượng khí thải được tạo ra bởi các nhà máy ở Hà Lan.
Do đó, việc cải tạo mở rộng con đường cao tốc này là mục tiêu được đặt ra hàng đầu trước mắt để giải quyết ùn tắc, về lợi ích lâu dài là giải thiểu ô nhiễm môi trường.
Như vậy, đường hầm cao tốc Zuidasdok sẽ được xây dựng ở dưới lòng đất với 8 làn xe cho xe ngoại thành đi vào và 4 làn cho xe nội thành đi ra. Mặt khác, ở phía trên mặt đất cây xanh và các không gian thiên nhiên cũng được tái phát triển trở lại. Dự kiến, dự án này sẽ được khởi động vào năm 2019 và hoàn thành vào năm 2029.