Những cuộc đời sông...

Những cuộc đời sông...

Thứ Tư, 01/12/2021 - 06:15
Những cuộc đời sông

Để rồi khi hoàng hôn xuống, bình minh lên, mặt sông lại gợn sóng, lại lấp lánh ánh nắng, lại lăn tăn viền những hẫng hụt, âu lo để còn đó một bến mong chờ, một bến bình yên, một bến đở đời người. Những cuộc đời sông ngổn ngang bao thế sự, giải tỏa bao tâm tình, mở ra bao khát vọng. Đất nước Việt Nam ta có những con sông định mệnh là những lát cắt từ thân thể đất nước của chinh phạt chia ly cách trở. 

Đó là con sông Gianh chia đôi thời chiến tranh Trịnh - Nguyễn; là con sông Bến Hải vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước hai miền Nam Bắc. Lại có những con sông là thành lũy chiến hào, là phòng tuyến chống quân thù còn ghi dấu ấn trong lịch sử như sông Như Nguyệt đánh giặc Tống gắn với bài thơ thần nổi tiếng của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở…”

Là sông Bạch Đằng sóng xô cọc gỗ đâm thủng tàu giặc thắng quân Nguyên. Sông đã đi vào thi ca, nhạc họa. Có nhà thơ đã lấy tên sông quê đặt bút danh cho mình: Nhà thơ Thu Bồn. Nhà thơ Bế Kiến Quốc trong bài thơ “Những dòng sông” nổi tiếng đã từng lý giải: “Sinh ra ở đâu, mà ai cũng anh hùng/ Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông”. Những câu thơ ông viết thật thiết tha: “Mỗi con người gắn bó một dòng sông/ Khi ta bé dòng sông nào cũng rộng/ Chiếc thuyền giấy gửi tuổi thơ theo sóng/ Một cánh cò vỗ lả xuống lòng ta”. Và tôi cứ lần theo mỗi cuộc đời sông để tìm về cội nguồn, để lý giải sức mạnh của người Việt mà nhà thơ Huy Cận đã đúc kết: “Sóng vững chãi bốn nghìn năm sừng sững/ Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa/ Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng/ Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”. 

Đất nước Việt Nam từ hình thể địa lý, kiến tạo ra bao tượng hình Tổ quốc. Có nhà thơ ví: “Dáng đất nước giống như nàng tiên múa/ Lại hóa thành ngọn lửa lúc cuồng phong”. Mềm mại và quyết liệt, nhu và cương đã tạo ra cốt cách, bản lĩnh và khí phách tâm hồn Việt. Lại có người nhận ra đất nước mang dáng “Con đê trên bán đảo” - lưng dựa vào Trường Sơn, mặt đối diện với Biển Đông sóng gió. Bởi lịch sử 4.000 năm giữ nước và dựng nước từ những trang sử hào hùng cái thuở chú bé Thánh Gióng phi ngựa sắt với bụi tre đằng ngà làm vũ khí giết giặc. Hình ảnh cây tre là biểu tượng cho những phẩm chất dẻo dai, bền bỉ và thẳng thắn tạo ra sức mạnh diệu kỳ, làm nên những pháo đài đan chặt vào nhau như một tấm áo giáp. Sông Mẹ - sông Hồng cuộn chảy phù sa như một thanh gươm cài bên hông Thủ đô Hà Nội. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng hào sảng: “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm/ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”.

Những cuộc đời sông

Sông chảy đến đâu thì bắc lên câu hò, câu hát đến đấy. Bởi có một nguồn mạch văn minh văn hóa sông, trầm tĩnh sông, lắng đọng sông. Đó là phù sa chắt lọc từ tâm hồn con người sống dọc sông đã tạo ra những luyến láy, những nhịp điệu, những hào sảng mênh mang, những lắng dịu thẳm sâu…

Sông là nơi bắt đầu cho bao khát vọng để tuôn về, đổ về biển khơi. Sông là nơi khởi thảo những điệu dân ca mang hồn dân tộc. Sông đã mang và chuyển tải bao cung bậc. Sông có phận sông, và chính con đò trên sông đã tải bao nỗi niềm của sông. Khi đặt tên sông ta cũng muốn hiền hòa có hậu. Như sông Hương, sông Thương, sông Hiếu, sông Cầu, sông La, sông Lam… với nhịp bằng trôi mãi, êm mãi về xuôi. Nhưng thiên nhiên đâu có chiều lòng người với bao ấm lạnh bất thường đã va đập, đã cuộn xiết, đã trắc trở để thành sông Mã phi bờm thác trắng, để thành sông Kỳ Cùng vắt kiệt hết mình trăn trở. Một sông Đuống "nghiêng nghiêng" của nhà thơ Hoàng Cầm, một “Trường ca sông Lô” của nhạc sĩ tài hoa Văn Cao. Một “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận. Và thật dào dạt mênh mông phóng khoáng về với chín khúc sông Cửu Long bát ngát tình người “Vàm Cỏ Đông ơi, Vàm Cỏ Đông”.

Ta có thể ví những dòng sông đất Việt giống như những dòng kẻ nhạc với bao thăng trầm. Ca dao Việt Nam đã viết rất hay: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Nguồn đó là nguồn mạch dân ca truyền từ đời này qua đời khác và bao đời con lớn lên từ lời ru của mẹ. Lời ru có gì lạ đâu từ những câu hát thật ân tình mộc mạc. Âm điệu thì mô phỏng động thái lao động khi xuống biển lên rừng để thành câu hò, câu ví.

Tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc bắt đầu từ tình yêu khúc hát dân ca, tình yêu dân tộc. Dân ca chính là tiếng lòng sâu thẳm nhất, chân thật nhất. Đó là lời ăn tiếng nói, là ứng xử giao hòa, là kinh nghiệm sống bao đời được chắt lọc đúc kết. Đó là ước vọng, là niềm tin, là cõi thiêng của tâm linh dân tộc.

Ta cứ thử hình dung những luyến láy của dân ca sẽ vẽ ra những dáng hình lãnh thổ, địa hình, thần thái đất nước. Có nhịp mênh mang đắm đuối, có nhịp trắc trở gập ghềnh, có tiếng sáo Mèo vi vút trên không, có nhịp đàn T'rưng Tây Nguyên cuồn cuộn. Hình như có rất nhiều nhạc cụ dân tộc làm bằng tre nứa, rất nhiều làn điệu dân ca lại gắn với nhịp chèo, có luyến láy, có ví von chứ không thăng bằng khô rắn, không dễ gãy cũng không dễ cong - đó là bản chất của nước, của dân ca nước Việt - sông Thương gắn với dân ca quan họ Bắc Ninh, sông Mã gắn với điệu hò “Dô tả, dô tà”. Sông Lam gắn với làn điệu dân ca ví dặm, sông Hương dùng dằng với điệu hò mái nhì. Rồi Lý ngựa ô rong ruổi lắm đèo nhiều dốc qua miền Trung sông suối dày tơ nhện. "Một miền Trung núi choài ra biển/ Nên gập ghềnh câu Lý ngựa ô qua" (Phạm Ngọc Cảnh); rồi câu vọng cổ ngân nga nơi rất nhiều kênh rạch ngổn ngang như nỗi lòng...

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong chương “Đất nước” của trường ca “Mặt đường khát vọng” đã chiêm nghiệm rất hay: “Ơi những dòng sông bắt nguồn từ đâu/ Mà khi về đất nước mình thì bắt lên câu hát/ Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác/ Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”. Sông không những tạo ra dáng hình đất nước, phẩm cách và tâm hồn con người mà sông còn là nơi giao lưu gặp gỡ chia sẻ những mạch nguồn văn hóa của dân tộc ra ngoài bờ cõi. Nhưng vẫn giữ trong sâu thẳm lòng mình trọn vẹn lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, ứng xử văn hóa, không chỉ bằng ngôn ngữ giao tiếp mà bằng cả phong thái, cốt cách, phong vị tạo ra nền văn minh lâu đời của người Việt. Sông như một bảo tàng lưu giữ, đắp bồi, làm phong phú thêm những mùa lúa, mùa khoai, mùa đánh bắt tôm cá, mà còn đắp bồi mùa nhân hậu tình người, mùa dân ca đắm đuối, ân tình.

Những lễ hội tưng bừng trên bờ đê lộng gió cũng lấy sông làm dải lụa thắt ngang. Chầu quan họ trầu têm cánh phượng cũng lưu luyến níu chân người ở lại. Người đã phải lòng nhau, thương nhau cũng bắt đầu hò hẹn từ sông Thương mà thành đôi thành lứa. Sông dắt ta về tận ngõ, bởi có một dòng sông lai láng trong lòng. Ta yêu đất Việt, yêu từ bờ tre xóm nhỏ, từ chợ họp bên sông. Nhà thơ Tế Hanh đã từng đắm say: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre”. Và, ông đã từ mênh mang sông để thảng thốt nhận ra: "Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng". 

Những cuộc đời sông

Và tôi lại miên man nghĩ về đời mẹ với đời sông. Đời mẹ cứ góp nhặt chắt chiu như thế, chắt chiu từ khốn khó, gom nhặt từ đổ vỡ để nâng niu, để chăm chút sinh thành. Nhiều lần tôi ngẩn ngơ đứng lặng lẽ trước bến sông quê, cái bến sông có bao nhiêu bậc, mỗi bậc như một nốt nhấn của đời người; không chao đảo hẫng hụt mà chậm rãi, thong thả bao dung. Bến sông là nơi gặp gỡ và chia ly, mái chèo khua vào ánh trăng vẹt mòn theo năm tháng. Con đò chở đầy bao ưu tư tâm sự. Có chút chòng chành mấp mé của những chuyến đò đầy: "Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/ Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc". Nhà thơ tài hoa Hữu Thỉnh đã từng viết thế về số phận của người phụ nữ chờ chồng trong chiến tranh như thế.  

Nhiều lần đi dọc bờ sông, dọc con đê thoai thoải cỏ may níu bước chân người, tôi cứ nghĩ: Mẹ là sông còn cha là con đê vạm vỡ, đê là cung trầm, sông là cung bổng, vòng tay đê ôm trọn dòng sông. Nếu đê sừng sững luôn được đắp bồi bởi sức bền của đất, của sự khỏe khoắn hồng hào tươi mới, kiêu hãnh thì sông lại lặng lẽ ẩn sâu bao đợt sóng ngầm, bao uẩn khúc "Sóng lặng rồi sông vẫn cứ xanh xao". Tôi đã từng thổn thức trước sự hao gầy mà vẫn mềm mại dịu dàng của mẹ. Mẹ ơi! "Trời rạn vỡ mây còn thể lấp/ Nhưng làm sao vá được nếp sông nhàu". Nhiều lúc nhìn vầng trán đã lặn sóng của mẹ trong một buổi chiều rộng rãi không biết cất vào đâu, tôi thèm được ngắm mẹ nhai trầu. Miếng trầu cay ấm nồng tình đất tình người!

Sông thì vẫn cứ mải miết chảy, con đò thì cứ thao thiết trôi nhưng mẹ chân bước ngắn dần, tóc mẹ mỏng dần, túi trầu mẹ nặng dần và bến quê thưa dần người qua lại... Dòng sông mẹ đổ vào biển cả. Biển mặn mòi và cô đơn. Dòng sông mẹ chở chúng con những cánh buồm ra với đại dương mênh mông nơi cửa sông bắt đầu bao ước vọng. Mẹ lặng lẽ quay về với con đò, với bến quê, với bên lở khuyết hao dâng hiến phù sa cho đời, cho vòng tay đê choàng ôm thôn xóm. Cánh - buồm - con căng phồng gió thổi từ mặt sông đời mẹ. Con lại nhớ về cánh cò chớp trắng trên sông, về con cá bống "Bống bống bang bang" đều mang dáng dấp của mẹ. Mẹ đã mang thai con "Mười ngày dài hơn chín tháng" còn cuộc đời sông mang thai nặng trĩu phù sa mãi mãi...

Hà Tĩnh, tháng 11 năm 2021

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top