Nếu như trước đây, xu hướng đổ xô đến khu vực trung tâm hoặc giáp ranh những đô thị lớn để săn đất nền đầu tư hoặc chung cư, nhà phố để ở thì hiện nay, nhà đầu tư đang có xu hướng "đánh bắt xa bờ", tìm đến các đô thị tỉnh lẻ như Buôn Ma Thuột, nơi có bầu không khí trong lành và con người được hòa mình vào thiên nhiên để tận hưởng cuộc sống xanh.
Làn sóng đầu tư mới hướng về đô thị tỉnh lẻ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng lan rộng, mức độ ô nhiễm không khí tăng, các địa bàn tỉnh lẻ sẽ được doanh nghiệp bất động sản nhắm tới và không bỏ lỡ. Theo khảo sát của các đơn vị phân tích thị trường, 3 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp bất động sản từ vừa và nhỏ đến quy mô tập đoàn đều đã nhanh chân đưa các kế hoạch phát triển dự án ra khỏi các thị trường lớn.
Bình luận về xu hướng này, theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, thị trường bất động sản ở Hà Nội, TP HCM đang ngày càng khan hiếm về quỹ đất, chịu áp lực lớn về giao thông, hạ tầng. Chưa kể, không khí đang bị báo động ô nhiễm liên tục, và thường nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, do tính chất phức tạp của đô thị lớn, kết nối giao thương… Do đó, xu hướng mua đất nền để đầu tư hay chung cư, nhà phố để ở tại các đô thị mới như Buôn Ma Thuột (Tây Nguyên) sẽ trở nên phổ biến vì nhu cầu ở thực trong môi trường sống tốt là điều mà nhiều người hướng tới.
Một chuyên gia có kinh nghiệm quan sát thị trường bất động sản phía Nam, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, năm 2019 thị trường chứng kiến không ít các dự án đang gặp vấn đề vướng mắc về pháp lý khiến nguồn cung bị chững lại, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
“Thực tế trên khiến cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân tìm hướng đi mới hướng đến các phân khúc khác, địa phương khác có nhiều tiềm năng để phát triển. Cụ thể các phân khúc như đất nền, các tổ hợp dự án nghỉ dưỡng hay khu đô thị đồng bộ là những gì nhà đầu tư quan tâm tại thị trường tỉnh lẻ”, TS. Đinh Thế Hiển phân tích thêm.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, bất động sản tỉnh lẻ sẽ là kênh sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư, bởi những lý do như: Thứ nhất, nhà phát triển bất động sản dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính và nhận được nhiều ưu đãi, cơ hội từ chính sách thu hút đầu tư; Thứ hai, giá thuê đất, giá đền bù, giải phóng mặt bằng cũng rẻ hơn; nhà phát triển dễ dàng tiếp cận với những quỹ đất rộng lớn tại những khu vực đắc địa; Thứ ba, đón đầu được xu thế đô thị hóa của các tỉnh. Cuối cùng, thu nhập dân cư của các tỉnh lẻ hiện đã tốt hơn rất nhiều. Họ có xu hướng thích sống trong các đô thị tổng hợp, có đủ các điều kiện sống như ngoài chọn một nơi ở, phải có công viên, siêu thị, trường học, khu vui chơi giải trí, thể thao, khu ẩm thực, văn hóa… Các dự án đón đầu được xu hướng này chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh tốt và thành công.
“Hơn thế nữa, những nơi có khí hậu trong lành, nước, không khí an toàn, hạ tầng đồng bộ… như khu vực Tây Nguyên có ý nghĩa quan trọng tác động đến đến giá cả và sự thanh khoản của dự án”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Thực tế, sức hấp dẫn của thị trường tỉnh lẽ đang nóng lên từng ngày, bởi tính thanh khoản luôn ở mức cao. Giám đốc một sàn giao dịch tại khu vực Tây Nguyên cho biết, những lô đất nền có giá trên dưới 1 tỷ đồng tại những đô thị lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng hay Hà Nội hiện gần như cạn kiệt. Thậm chí, nhiều vùng ven tiếp giáp đô thị lớn hiện cũng đã được các nhà đầu tư phân chia hết. Trong khi đó, với xuất đầu tư như trên, khu vực Tây Nguyên lại có nhiều lựa chọn.
“Bỏ vốn ra thì vốn phải lưu thông. Đầu tư mua đất, mua nhà thì phải bán được mới có cơ hội sinh lời. Ở những vùng như Tây Nguyên, yếu tố môi trường sống trong lành luôn là điểm cộng rất lớn để thu hút khách”, vị Giám đốc sàn giao dịch này phân tích.
Nên đầu tư vào khu đô thị đồng bộ
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, giai đoạn tới khi thị trường bất động sản đô thị gặp khó khăn, sẽ là thời của những dự án đất nền, nhà phố, chung cư có quy hoạch đồng bộ và sở hữu thiết kế xanh, tại những đô thị mới như Buôn Ma Thuột, khi áp lực quá tải và ô nhiễm ngày một trầm trọng hơn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, về tiềm năng đầu tư bất động sản Buôn Ma Thuột trong thời gian tới, nếu xét ở góc độ lợi nhuận thì đất nền, nhà liền thổ có sức hấp dẫn lớn với giới đầu tư. Thậm chí, đây là phân khúc mà vẫn có thể mang lại lợi nhuận tốt khi thị trường “hạ nhiệt”, đặc biệt ở các sản phẩm vị trí đẹp.
“Một trong các tiêu chí bỏ vốn đầu tư đất nền là lựa chọn sản phẩm nằm trong dự án có quy hoạch đồng bộ về hạ tầng, tiện ích. Bởi dòng sản phẩm này đáp ứng đúng thị hiếu của người tiêu dùng, khả năng thanh khoản tốt, yếu tố tăng giá là điều đương nhiên.
Hơn nữa, những dự án này sẽ được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư hạ tầng xung quanh. Sản phẩm đất nền nằm trong dự án thuộc khu đô thị lớn còn giảm thiểu rủi ro trong đầu tư về tính pháp lý, cũng như khả năng thanh khoản, tạo ra giá trị sinh lời. Tuyệt đối không chọn những nơi “đồng không mông quạnh” để đầu tư”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, mới đây, tại Buôn Ma Thuột đã xuất hiện một số dự án lớn, như EcoCity Premia của Tập đoàn Capital House với kỳ vọng trở thành khu đô thị đồng bộ đầu tiên và đẳng cấp bậc nhất Tây Nguyên.
Sự xuất hiện của EcoCity Premia được giới chuyên gia nhận định sẽ tạo nên sự cộng hưởng lớn về thương mại, xã hội và kích thích giá trị bất động sản khu vực tăng trưởng mạnh. Những giá trị khác biệt của dự án cũng sẽ tạo nên sức hút và sự hấp dẫn đối với khách hàng. Đồng thời, EcoCity Premia sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chuẩn mực đời sống mới của người dân, làm thay đổi diện mạo đô thị nơi đây và đưa Buôn Ma Thuột trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.
“Chúng ta cần nhiều hơn những khu đô thị đồng bộ như thế này để thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Bởi những khu đô thị đồng bộ có sức cạnh tranh vượt trội, nhiều khả năng tăng giá và có cơ sở thành công hơn so với những dự án đơn lẻ, nhất là khi phát triển tại những đô thị mới”, chuyên gia này phân tích.