Aa

Những đặc sản bạn nhất định phải thử khi du lịch Quảng Ninh

Thứ Tư, 11/10/2017 - 07:21

Đến Quảng Ninh bạn không chỉ được thăm quan tiên cảnh hùng vĩ của Vịnh Hạ Long mà khi đến đây bạn còn có thể được thưởng thức những món ngon nổi tiếng mà không nơi nào có được. Những món đại diện cho đặc trưng của Quảng Ninh. Hãy đến với Quảng Ninh và thưởng thức những đặc sản này bạn nhé.

1. Chả mực Hạ Long

Chả mực Hạ Long

Chả mực Hạ Long

Chả mực của vùng biển Quảng Ninh là một đặc sản, và phải nếm thử chả mực của chính Hạ Long bạn mới cảm nhận được đúng nhất hương vị tuyệt vời của món ăn này. “Chả mực giã tay – ngon say lòng người” là câu nói nổi tiếng ở Quảng Ninh.

Những con mực tươi vừa bắt sống trong vùng biển Hạ Long về, được làm sạch rồi giã tay, nặn thủ công, tạo ra độ dai giòn đặc trưng và hương vị thơm ngon. Chả mực rán lên vàng ruộm, bên trong giòn sật, được ăn kèm với xôi trắng, bánh cuốn hoặc ăn riêng với nước mắm nguyên chất.

2. Gà đồi Tiên Yên

Gà đồi Tiên Yên

Gà đồi Tiên Yên

Thương hiệu gà đồi Tiên Yên đã nổi tiếng từ lâu nhờ phương pháp nuôi gà thả rong. Gà Tiên Yên là một giống gà đồi, được nuôi thả rong, lang thang trên các triền đồi tự kiếm ăn từ các loại trùng, dế, kiến, mối… Chỉ đến khi nào chiều xuống, về vườn chúng mới bay lên ngủ trên các cành cây.

Vì thế thịt gà Tiên Yên ngọt thơm một cách đặc biệt, săn chắc mà không dai; béo mà không ngậy. Một số nơi còn gọi giống gà này là “gà râu”, bởi dưới mỏ những con mái thường có túm lông dài.

3. Sá sùng

Sá sùng

Sá sùng

Sá sùng là loài thân mềm sống ở những vùng cát ven biển, khá hiếm, thường được tìm thấy ở đảo Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh), hay còn được gọi với tên khác là sái sùng. Con sá sùng có màu nâu đỏ, nhìn qua giống như con trùn đất, trên mình có những sợi vân nhỏ li ti, nhưng kích thước lớn hơn và đặc biệt trong ruột chứa toàn cát.

Không chỉ là món ăn mà còn là bài thuốc, chế biến phức tạp, sá sùng khô trở thành đặc sản đắt đỏ với giá lên đến hàng triệu đồng một kg. Theo quan niệm Đông y, sá sùng có vị ngọt, tính mát, bổ dương khí.

Trước kia, người ta sử dụng sá sùng trong chế biến các loại nước dùng làm phở, hủ tíu, bún giúp cho nồi nước có hương vị đậm đà hơn. Còn ngày nay, sá sùng rất đắt và chủ yếu xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng hải sản.

Chế biến sá sùng không đơn giản, người ta phải lộn nó ra và chà xát thật kỹ với muối cho hết cát và mùi tanh, sau đó đem rửa nhiều lần cho đến khi chúng có màu trắng hồng.

Sá sùng tươi dùng để chế biến các món như xào chua ngọt, chiên, nướng, làm gỏi bóp chanh. Sá sùng khô thì đem rang lên, đến khi chín sẽ có màu vàng, mùi thơm nồng, sá sùng càng nhai kỹ sẽ càng thấy ngọt. 

Sá sùng rang chấm tương ớt, sá sùng tươi xào lá lốt, sá sùng nướng ăn với chanh và bắp chuối, sá sùng khô thả vào nồi nước hầm nấu cháo hoặc phở đều mang đến hương vị ngọt đậm tự nhiên từ biển cả.

4. Sam

Sam nướng

Sam nướng

Một loài đặc sản khác vô cùng hấp dẫn của biển Hạ Long, đó là sam - một loài giáp xác chân đốt. Từ sam biển người ta có thể chế biến ra được rất nhiều món ăn ngon và lạ khác nhau như: Tiết canh sam, gỏi sam, chân sam xào chua ngọt, sam xào xả ớt, trứng sam chiên giòn, trứng sam xào lá lốt, sam hấp, sam bao bột rán, sụn sam nướng, sam xào miến…

Sam biển là loại hải sản sống trong tự nhiên, chưa nuôi trồng được, khi đánh bắt lên bờ chỉ sống được không quá ba ngày. Là loài giáp xác, tính lạnh nên khi chế biến phải cẩn thận, khi cắt tiết sam phải cắt thành tia mới không làm mất độ chát của thịt. 

Từ vỏ sam, người ta có thể dùng để chế tác ra đồ lưu niệm có độ tinh xảo cao vừa đẹp mắt vừa có tác dụng khắc hàn, cảm lạnh. 

5. Bún xào Ngán

Bún xào Ngán

Bún xào Ngán

Được xếp vào danh sách những món ăn ngon, độc, lạ và khiến thực khách “cháy túi” với giá thành xa xỉ, song bún xào ngán lại có tạo hình đơn giản đến bất ngờ.

Ngán là loài động vật nhuyễn thể, có vỏ cứng, sống nơi bùn đất, người ta có thể chế biến ngán thành nhiều món ăn trong đó có món bún xào ngán.

Cũng với cách chế biến món bún ngán xào, người ta có thể thay bún bằng miến để làm món miến ngán hấp cũng có vị ngon riêng biệt.

Được xếp vào danh sách những món ăn ngon, độc, lạ và khiến thực khách “cháy túi” với giá thành xa xỉ, song bún xào ngán lại có tạo hình đơn giản đến bất ngờ.

6. Bánh gật gù

Bánh gật gù

Bánh gật gù

Bánh gật gù là đặc sản vùng Quảng Ninh. Bánh được làm từ bột gạo, khá giống với bánh bánh phở hay bánh ướt nhưng được cuộn tròn lại thành cuộn dài.

Bánh ăn với nước mắm ngon chưng mỡ gà, hành phi. Vì là bánh cuộn nên người ta hay dùng tay để ăn bánh.

Khi cầm bánh ăn, bánh cứ gật lên, gật xuống vì sự đàn hồi giống như đang gật đầu nên được gọi là bánh gật gù. Nhưng có nơi người ta sau khi ăn bánh thì đầu gật gù đầu khen ngon nên từ đó bánh có tên là bánh gật gù.

7. Rượu mơ Yên Tử

Rượu mơ Yên Tử

Rượu mơ Yên Tử

Danh thắng Yên Tử không chỉ được biết đến với phong cảnh đẹp, linh thiêng mà còn nổi tiếng với loại rượu được chế biến từ những quả mơ trồng nơi đây.

Vào tháng 3 và tháng 4, khi mơ chín rộ cây, người ta lựa những quả mơ lông mượt, chín vàng đều, mùi thơm lựng, rửa sạch, đem chế biến bằng phương pháp lên men. Tùy theo mỗi vùng mà công thức pha chế rượu mơ thành phẩm khác nhau.

Rượu mơ Yên Tử ngon có vị chua ngọt đậm đà và thơm, rất dễ uống, phù hợp với khẩu vị của nhiều lứa tuổi. Ngoài ra, rượu mơ còn có nhiều tác dụng rất tốt đối với sức khỏe như: kích thích tiêu hóa giúp ăn ngon miệng, điều trị bệnh đường ruột, giảm lo âu và an thần, chữa mất ngủ, và giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

8. Rươi Đông Triều

Chả rươi

Chả rươi

Rươi Đông Triều có thể chế biến thành nhiều món, nhưng ngon nhất là chả rươi. Những con rươi còn sống được rửa qua bằng nước lạnh, sau đó rửa lại bằng nước nóng già, cho lông rươi và rác bẩn rụng hết, rồi giội qua nước lạnh và chờ rươi ráo nước.

Sau đó cho rươi cùng thịt lợn băm nhuyễn, trứng, hành, thì là, gia vị và một ít vỏ quýt vào bát để trộn đều. Khi khuấy phải đánh trứng và thịt trước, sau đó mới đánh đến rươi, khi đảo phải đánh nhẹ tay, tránh cho rươi bị vỡ sẽ mất ngon. Sau khi đánh xong, rươi được đem đi rán.

Ngoài rươi rán, người dân nơi đây còn chế biến thành món chả rươi nướng, rươi xào củ niễng, canh rươi, mắm rươi. Đặc biệt, mắm rươi rất ngon, dùng để chấm thịt ba chỉ thì tuyệt vời. Hoặc nếu cần thì có thể chưng thứ mắm ấy lên cùng với chút hành hoa, ăn với cơm nóng thôi cũng không biết chán.

Lưu ý khi ăn rươi

  • Rươi cũng như một số hải sản khác có chứa histamin gây dị ứng, nếu ai có tiền sử bệnh dị ứng hải sản thì nên tránh ăn rươi. Nếu đã ngộ độc rươi một lần, thì không nên thử lần hai vì lần sau bao giờ cũng nặng và nguy hiểm hơn lần trước.
  • Khi chế biến rươi, nên cho thêm chút vỏ quýt để tốt cho đường tiêu hóa.
  • Nên ăn rươi còn tươi, không nên ăn rươi đã chết, vì khi rươi chết các chất đạm bị phân hủy tạo ra độc tố gây hại cho sức khỏe.
  • Rươi giàu đạm có thể gây khó tiêu, chướng bụng, không có lợi cho tiêu hóa nên không tốt cho các bà bầu.

9. Cà sáy

Cà sáy

Cà sáy

Ngoài gà đồi, bánh gật gù, Tiên Yên còn sở hữu một đặt sản bình dân khác là cà sáy. Cà sáy là vịt lai ngan, ít đâu chế biến cà sáy có hương vị tuyệt vời như người Tiên Yên.

Không rõ họ làm kiểu gì nhưng ăn rồi chỉ có tấm tắc khen ngon mà thôi. Từ thịt cà sáy cho đến nước chấm đặc biệt đi kèm đều mang vị riêng khó diễn tả.

Thịt ngon, thơm, nước chấm vừa có cái đậm đà biển cả, vừa ngọt ngào nồng ngậy xá xị và cay cay nóng nóng của gừng. Cứ thế chấm hoài, ăn hoài đến no mòng mà vẫn còn thòm thèm.

10. Cá thu kho nước chè tươi

Cá thu kho nước chè tươi

Cá thu kho nước chè tươi

Cá thu ở Hạ Long được xếp vào nhóm cá biển đặc sản thuộc vào hàng tứ phẩm “chim, thu, nhụ, đé”, cá thu cũng có rất nhiều loại như cá thu tròn, cá thu máu và cá thu bè nhưng để kho nước chè thì cá thu tròn ngon hơn cả.

Đối với món này thỉ phải ăn nóng mới ngon và cảm nhận được hết cái vị đặc sắc riêng của nó. Miếng cá thu kho màu nâu đậm, đậm cả bên trong, không còn màu trắng trông nhây nhẫy mỡ. Nó không hẳn là mềm, nhưng cũng không thật khô. Đặc biệt chúng có một mùi thơm tho như thể mùi thơm của bé đang bú sữa thơm của mẹ.

11. Măng trúc Yên Tử

Măng trúc Yên Tử

Măng trúc Yên Tử

Yên Tử không chỉ nổi tiếng là vùng đất Phật mà nơi đây còn nổi tiếng với đặc sản măng trúc, mỗi dịp lễ hội Yên Tử. Măng trúc Yên Tử hình dáng bên ngoài thon nhỏ nhưng rất chắc.

Măng mua về thái thành từng lát nhỏ hoặc cắt ra từng khúc ngắn chừng hai đốt ngón tay, bổ dọc, rửa sạch rồi xào chín với thịt dê hoặc thịt bê.

Gia vị cho món ăn này chỉ cần vài cọng cần tây, hành tươi và chút hạt tiêu. Nhiều loại măng có thể chế biến được món ăn này nhưng chắc chắn không thể ngon và ngọt được như măng trúc Yên Tử.

12. Bún bề bề

Bún bề bề

Bún bề bề

Đây là món ăn phổ biến do Hạ Long là nơi tập trung rất nhiều bề bề. Nước dùng nấu từ xương ninh, tôm, ghẹ, bề bề ngọt lừ, tươi nguyên vị biển, kết hợp với những loại rau quả phù hợp như rau cần, cải ngọt, cà chua, hành chẻ. Bát bún nổi bật với những con bề bề luộc chín tới, dễ dàng bóc vỏ mà vẫn giữ được nguyên con.

13. Ruốc lỗ

Ruốc lỗ

Ruốc lỗ

Ruốc lỗ thuộc họ bạch tuộc nhưng có kích cỡ bé, phải đi soi trong lỗ hoặc dùng lồng bát quái để đánh bắt. Người ta còn gọi đây là ruốc chân dài nhờ chiều dài nổi bật của những chiếc xúc tu so với phần đầu bé xíu.

Ruốc mang luộc với lá ổi, lá me chua rồi chấm với mắm tôm, ăn kèm đinh lăng, lá mơ, chuối chát. Đây là món đồ nhắm rất được ưa chuộng. Ruốc có trứng được gọi là ruốc cơm xôi, có hương vị hấp dẫn hơn hẳn.

Mùa ruốc bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch.

14. Nem chua, nem chạo thị trấn Quảng Yên

Nem chua, nem chạo thị trấn Quảng Yên

Nem chua, nem chạo thị trấn Quảng Yên

Nguyên liệu làm nem đều là những thứ bình dân. Bì lợn được bào nhỏ, trắng như cước, thính làm bằng đỗ hay gạo rang và lạc rang giã dập, tất cả được trộn đều với nhau thật tơi.

Chỉ đơn giản thế, nhưng qua bí quyết chế biến, trộn đều và pha nước chấm, hàng quà quê mùa trở nên lạ miệng, hấp dẫn. Những hàng nem chua, nem chạo là niềm tự hào của người dân thị trấn Quảng Yên, Quảng Ninh.

15. Tu hài nướng mỡ hành

Tu hài nướng mỡ hành

Tu hài nướng mỡ hành

Tu hài là một loại hải sản quý hiếm, nghe nói nó còn rất bổ nữa, sống nhiều ở vùng biển các tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa… Nhìn bề ngoài nó cũng giống như loài trai, tuy nhiên tu hài có một chiếc vòi dài bên ngoài như vòi voi

Tu hài có thể chế biến thành nhiều món như nấu cháo, luộc, hấp… tuy nhiên tu hài nướng mỡ hành là ngon hơn cả. Món tu hài nướng phải ăn nóng mới ngon, thịt tu hài giòn ngọt và thơm, ăn kèm với nước chấm muối ớt xanh rất đậm đà.

16. Canh hà Quảng Yên

Canh hà Quảng Yên

Canh hà Quảng Yên

Một đặc sản Quảng Ninh khá ngon là con hà. Canh hà Quảng Yên, đặc biệt là giống hà cồn sống ở sông Chanh đem nấu canh chua ăn ngon và có cả bốn mùa, nhưng ngon nhất là dùng trong những ngày hè. Ngoài ra, bạn có thể ăn món hà tẩm bột rán, khá ngon và lạ miệng. 

17. Rượu Chua Hoành Bồ

Rượu Chua Hoành Bồ

Rượu Chua Hoành Bồ

Rượu chua Bằng Cả - Hoành Bồ được là từ gạo nhưng không nấu lên như rượu cay, mà được ủ và chưng cất...

Rượu chua Bằng Cả - Hoành Bồ được là từ gạo nhưng không nấu lên như rượu cay, mà được ủ và chưng cất. Muốn rượu ngon, có vị thơm ngậy và màu vàng trong thì thứ gạo được dùng để làm rượu phải là gạo nếp nương, nhà phải tự giã lấy bằng cối đá, xảy vỏ xảy mày và cho vào nấu thành cơm để ủ.

Rượu có màu vàng trong vắt, vị ngọt ngọt chua chua nên được gọi bằng cái tên "rượu chua", đưa lên miệng còn ngửi thấy mùi thơm ngọt của gạo nếp cẩm, uống êm đầu lưỡi và uống xong vẫn còn dính môi. Rượu chua dễ uống, thường được coi như một thứ rượu "phụ nữ", khi uống không dùng các chén nhỏ như rượu cay, mà dùng cốc, dùng bát.

18. Ghẹ Trà Cổ

Ghẹ Trà Cổ

Ghẹ Trà Cổ

Dẫn đầu trong danh sách những loài hải sản được săn lùng nhiều nhất, ghẹ xanh được dân sành ăn đánh giá là loại ghẹ thơm ngon nhất tại Quảng Ninh...

Món ăn phổ biến và chế biến nhanh nhất là ghẹ hấp. Ghẹ khi mua về, rửa sạch, để vào nồi, rắc chút bột canh, cho thêm sả, gừng, rót bia xam xấp mình ghẹ, đặt lên bếp. Đun lửa thật nhỏ cho đến khi bia sôi lăn tăn thì bật lửa to cho sôi bùng lên.

Khi ghẹ chín đỏ, gắp ra đĩa. Ghẹ hấp bia có màu đỏ gạch, hương vị thơm lừng, rất hấp dẫn. Ngoài ra ghẹ có thể để trên vỉ đặt lên bếp than hồng, chỉ mươi phút là chín. Cháo ghẹ lại có vị ngọt đậm đà.

Gạo được rang lên rồi nấu cháo chín riu tiu trên bếp; ghẹ đã hấp, gỡ thịt phi hành thơm rồi xào qua, tất cả cho vào nồi cháo đang sôi; thêm tiêu, gừng xắt sợi... để vừa tạo vị thơm, ăn ấm bụng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top