Aa

Những điều cần lưu ý khi dọn dẹp bàn thờ đón Tết

Thứ Tư, 22/01/2020 - 07:50

Trước khi bước sang năm mới, các gia đình Việt thường có một nghi thức rất quan trọng đó là lễ sửa bát hương, theo Phật giáo gọi là lễ bao sái. Đây là dịp để gia chủ lau dọn bàn thờ, chuẩn bị đón năm mới.

Trong văn hóa tín ngưỡng người Việt, bàn thờ là nơi thể hiện sự tôn kính, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì ban thờ là nơi tôn nghiêm nên luôn phải giữ sạch sẽ, gọn gàng.

Theo phong tục của người Việt, mỗi dịp Tết đến thì người dân tiến hành dọn dẹp bàn thờ (bao sái bàn thờ) trong nhà để đón năm mới.

Để chào đón năm mới, các gia đình đều chú trọng tới việc lau dọn bàn thờ hay còn gọi là bao sái bàn thờ để tỏ lòng hiếu kính đến ông bà, tổ tiên. Đây là việc được chú trọng đầu tiên để chuẩn bị đón Tết nguyên đán.

Người Việt Nam gần như đón Tết Nguyên đán bắt đầu từ 23 tháng Chạp, khi thực hiện các nghi thức tâm linh tiễn ông Táo về trời. Sau ngày này, các gia đình tiến hành dọn dẹp bàn thờ.

Cách dọn bàn thờ sạch

Công việc chủ yếu là dọn dẹp, lau chùi, hóa chân hương (đốt các chân hương cũ đi cho đỡ đầy bát hương), chỉ để lại 3 chân hương, sau đó bày biện đồ lễ. Các đồ thờ tự lúc này có thể được hạ xuống để lau chùi, đánh bóng. Sau khi hoàn tất, người ta nấu nước thơm (thường là ngũ vị hương) để lau lại một lần nữa cho sạch sẽ, thơm tho.

Khi quét dọn bàn thờ cần dùng một chổi chuyên dùng để quét bụi, dùng khăn sạch với nước thanh tịnh để lau chùi đồ thờ.

Sau khi hóa chân hương, đừng đổ xuống sông, xuống hồ gây ô nhiễm môi trường mà có thể đem bón cây.

Một số gia đình thường thay bát hương vào dịp này. Tuy nhiên, theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, nơi thờ tự là nơi linh thiêng, quan trọng nhất phải được yên chứ không nên một năm thay bát hương một lần rồi đem bát hương vứt xuống sông hồ gây ô nhiễm môi trường hoặc đem để ở trong chùa gây mất mỹ quan, rồi nhà chùa phải dọn dẹp.

Ngoài bao sái bàn thờ, tỉa chân hương, các gia đình sẽ mua sắm các lễ nghi để bày biện đón năm mới gồm hương, hoa, đăng, trà, quả, thực, nên thanh tịnh và có thể theo tập tục cúng gia tiên nhà mình.

Nếu ban thờ nhà bạn có các đồ thờ bằng đồng, ví dụ như lư hương, chân nến, hạc... bạn muốn vệ sinh lau bóng thì nên chú ý như sau:

• Hòa đều dung dịch nước ấm với muối, một chút giấm hoặc chanh.

• Dùng khăn lau nhẹ nhàng, lưu ý không làm trầy xước món đồ.

• Tránh dùng các hóa chất tẩy mạnh để làm sạch đồ đồng, bởi có thể làm hỏng bề mặt món đồ.

Lưu ý trong lúc dọn dẹp bàn thờ 

- Mở cửa sổ hoặc cửa ra vào khi dọn dẹp để phòng được thông thoáng.

- Khi dọn dẹp, cần chuẩn bị một chiếc mâm/ bàn có phủ giấy đỏ hoặc giấy trắng lên trên để đặt bát hương, bài vị và các đồ thờ. Nếu ngoài thờ gia tiên gia đình bạn còn thờ các vị thần linh khác thì chuẩn bị sẵn hai chỗ để hạ đồ thờ, không nên để lẫn.

- Hòa dung dịch tẩy rửa với nước ấm để lau rửa các vết bẩn. Lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì của sản phẩm vệ sinh trước khi dùng.

- Về thứ tự lau dọn, nếu có bài vị thì hãy lau bài vị trước rồi đến bát hương sau đó mới đến các đồ cúng khác. Nếu thờ Phật thì lau dọn tượng Phật trước rồi mới lau đến bài vị gia tiên.

- Khi lau dọn ban thờ cũng thường là lúc thay chân nhang. Sau cả một năm bận rộn với các ngày giỗ, ngày lễ, các bát hương đã khá đầy chân nhang vì thế cần bỏ bớt đi. Bạn hãy lấy thìa xúc ra từng thìa tro nhỏ để bỏ đi. Hãy giữ lại một ít tro và chân nhang, bởi việc đổ hết tro và chân nhang theo quan niệm của người xưa là gây hao tán tài lộc cho gia chủ.

- Tránh không làm đổ vỡ đồ thờ. Đồ thờ cúng trên ban thờ là vật trang trọng nên bạn cần hết sức cẩn trọng khi dọn dẹp bàn thờ.

- Trên bàn thờ, nơi quan trọng nhất là bát hương, nơi giáng của các hương linh, thần, thánh, tổ tiên và cũng thể hiện sự thành kính của mọi người trần thế đối với cõi tâm linh. Vì thế, khi lau dọn bàn thờ nên tránh việc bát hương bị di chuyển.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top