Aa

Những dự án “đất vàng” ở Hà Nội bị thu hồi sẽ làm gì?

Thứ Ba, 11/12/2018 - 23:11

Hà Nội cương quyết thu hồi nếu chủ dự án không đủ năng lực, khiến tài nguyên của thành phố bị lãng phí...

Dự án nhà ở để bán cho cán bộ công nhân viên tại số 13 Nguyễn An Ninh là một trong số những dự án bị thu hồi - Ảnh: Tạ Tôn

Dự án nhà ở để bán cho cán bộ công nhân viên tại số 13 Nguyễn An Ninh là một trong số những dự án bị thu hồi - Ảnh: Tạ Tôn

Sở KH&ĐT Hà Nội vừa công khai danh sách 16 dự án bất động sản bị thu hồi, chấm dứt hoạt động do chậm triển khai, trong đó có nhiều dự án nằm ở những vị trí đắc địa. Kế hoạch sử dụng các khu đất này ra sao, liệu thành phố có cho xây bãi đỗ xe, công viên cây xanh hoặc những công trình công cộng hay lại giao cho doanh nghiệp xây nhà cao tầng để bán, cho thuê?

Chậm tiến độ, gây lãng phí

Theo ông Hoàng Huy Được, đại biểu HĐND TP. Hà Nội, việc thu hồi các dự án chậm tiến độ cho thấy sự quyết liệt của thành phố, bởi chậm ngày nào là lãng phí quỹ đất, lãng phí nguồn lực và lãng phí cả quyền lợi của người dân đáng lẽ được thụ hưởng từ dự án ngày đó. Theo ông Được, sau thu hồi, thành phố cần sớm đưa ra hướng giải quyết đối với những khu đất đã cấp cho các dự án này.

Còn theo bà Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Hà Nội, UBND TP đã có báo cáo gửi đại biểu HĐND TP về việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, các đại biểu đánh giá việc này đã có chuyển biến. Theo báo cáo giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, với danh mục 47 dự án nằm trong danh sách thu hồi, UBND TP đã giao Sở KH&ĐT và Sở TN&MT rà soát, kiểm tra, đến nay đã có 39 dự án dừng triển khai, chấm dứt hoạt động. Trong 8 dự án không triển khai, vi phạm Luật Đất đai và đầu tư, có 4 dự án Sở TN&MT đã trình UBND TP ban hành quyết định thu hồi với diện tích 267ha; 4 dự án đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để báo cáo UBND TP giải quyết theo quy định.

Ngoài 47 dự án trên, UBND đã giao Sở TN&MT tiếp tục lập hồ sơ trình UBND TP thu hồi dự án, trong đó có 3 dự án đã hoàn thiện hồ sơ, thông báo quyết định thu hồi và 5 dự án đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để trình. Ngoài ra, tại thời điểm HĐND đi giám sát còn có 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với số tiền chậm nộp là 5.515 tỷ đồng. Nhưng tính đến ngày 30/9, tổng số nợ trên đã giảm 1.121 xuống còn 4.394 tỷ đồng. Từ 90 dự án chậm nộp nghĩa vụ tài chính chỉ còn 48 dự án.

Trong khi đó, thông tin về dự án trên địa bàn huyện Mỹ Đức nằm trong 16 dự án mà thành phố thu hồi, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, đây là dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại thôn Phú Hiền, xã Hợp Thanh. Dự án có tổng diện tích tới 13ha. Tuy nhiên, qua rà soát chủ đầu tư là Công ty Công nghệ cao Minh Quân không đủ năng lực, hiện đang mời các nhà đầu tư khác tham gia, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài.

Cương quyết thu hồi nếu chủ dự án không đủ năng lực

Lý giải về việc có quá nhiều dự án chậm tiến độ, vi phạm trên địa bàn khiến thành phố phải tiến hành thu hồi, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, cả quãng thời gian dài sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, rất nhiều dự án phải tạm dừng để chờ thành phố, Chính phủ chỉ đạo, rà soát. Thứ hai, khi giao các dự án, phía các doanh nghiệp cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc về GPMB, huy động nguồn vốn…

Theo ông Quyền, với các dự án đang làm các thủ tục đầu tư, Sở KH&ĐT chịu trách nhiệm chủ trì cùng các ngành, địa phương rà soát, tham mưu đề xuất với thành phố. Còn với các dự án được giao đất, cấp đất rồi, Sở TN&MT sẽ chủ trì tham mưu cho thành phố.

Cụ thể, trong 47 dự án Sở TN&MT chịu trách nhiệm với 8 dự án trên địa bàn huyện Mê Linh, còn lại 39 dự án Sở KH&ĐT chịu trách nhiệm rà soát. Qua rà soát bước đầu, Sở đã đề xuất và được thành phố chấp thuận thông báo công khai rộng rãi, thực hiện thủ tục thu hồi với 16 dự án. Còn 6 dự án khác Sở đang rà soát, tới đây sẽ hoàn thiện thủ tục để công bố thu hồi.

“Trong kế hoạch của TP giao, chúng tôi tiếp tục rà soát 383 dự án nữa. Vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Sở TN&MT rà soát các dự án này, có 295 dự án đã được giao đất nên Sở TN&MT sẽ phụ trách. Còn lại Sở KH&ĐT rà soát 88 dự án chưa làm thủ tục giao đất mới chỉ làm thủ tục đầu tư. Chúng tôi phấn đấu hoàn thành báo cáo từng dự án cụ thể vào quý I/2019 với phương châm đảm bảo lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, nhưng đồng thời cũng cương quyết thu hồi đối với những dự án chậm triển khai, gây bức xúc”, ông Quyền nói.

Khi được hỏi “ai phải chịu trách nhiệm về những lãng phí từ việc chậm triển khai dự án?”, ông Quyền cho rằng, đây là vấn đề hệ thống và phải xem xét cụ thể với từng dự án.

Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng, thành phố có nên cho xây các bãi đỗ xe, công viên cây xanh - vốn là những không gian còn đang quá thiếu, thay vì giao cho các doanh nghiệp xây cao ốc, ông Quyền không trả lời cụ thể mà đánh giá, bất kỳ một dự án chậm triển khai nào đều làm lãng phí tài nguyên của thành phố, của đất nước và cũng làm xấu đi hình ảnh đô thị với việc “cứ quây tôn để đó”. Bởi thế, thành phố sẽ đi sâu tìm hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, song cũng cương quyết xử lý, thu hồi với những dự án mà chủ đầu tư hoàn toàn không đủ năng lực.

Trong danh sách 16 dự án chấm dứt hoạt động được công bố, nhiều dự án nằm ở những vị trí đắc địa tại quận trung tâm như: Dự án Xây dựng trụ sở văn phòng làm việc và cho thuê tại số 19 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng); Tòa nhà hỗn hợp văn phòng làm việc và cho thuê tại 53E phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm); Xây dựng chợ, Văn phòng và Trung tâm Thương mại Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, quận cầu Giấy); Trung tâm Thương mại, chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa); Khu văn phòng tại 18 phố Cao Bá Quát (quận Ba Đình); Nhà làm việc và văn phòng cho thuê tại 335 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân); Khu hỗn hợp văn phòng - thương mại, dịch vụ 153 phố Yên Phụ (quận Tây Hồ)...

Ngoài ra, có một số dự án khác cũng bị chấm dứt hoạt động như hai dự án tại quận Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Sóc Sơn...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top