Aa

Những dự án giao thông ngàn tỷ đưa Quảng Ninh vươn cao

Thứ Năm, 25/01/2018 - 16:00

Xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ hiện đại được coi là giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế Quảng Ninh.

Hàng loạt dự án giao thông đường bộ, đường không và đường biển có tổng mức đầu tư lên tới 60 nghìn tỷ đồng đã và đang được triển khai sẽ là nền móng để tỉnh Quảng Ninh sớm đạt được “giấc mơ kép” trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 và xây dựng thành công khu hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Những dự án giao thông ngàn tỷ đưa Quảng Ninh vươn cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Những dự án giao thông ngàn tỷ đưa Quảng Ninh vươn cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Sự đổi mới táo bạo trong cách nghĩ, quyết liệt trong cách làm là những gì mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực thực hiện nhằm tạo ra một môi trường đầu tư lành mạnh, thu hút ngày một nhiều các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh. 

Tiên phong đa dạng hóa loại hình đầu tư 

Xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ hiện đại được coi là giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế Quảng Ninh. Tuy nhiên, để đạt được được mục tiêu này, Quảng Ninh phải cần tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long từng nói, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì Quảng Ninh phải chờ đến 10 năm hoặc lâu hơn nữa. 

BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) là hai hình thức đầu tư mà Quảng Ninh lựa chọn để có thể đạt được mục tiêu trên trong thời gian ngắn nhất. Quảng Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh thành công trong thu hút đầu tư các dự án công trình giao thông theo hình thức BOT. 

Với nỗ lực, quyết tâm và sáng tạo, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao nhiệm vụ xây dựng đường cao tốc và cảng hàng không. Đến nay, tổng số vốn xã hội hóa đầu tư công trình giao thông của tỉnh đã đạt trên 30.000 tỷ đồng. 

Trong thời gian tới, tỉnh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn là như: đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức BOT, cảng khách quốc tế Hòn Gai theo hình thức BOT và dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả theo hình thức BT, dự kiến sẽ nâng tổng số vốn xã hội hóa công trình giao thông trên địa bàn nên khoảng 60.000 tỷ đồng. 

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh Bùi Hồng Minh phân tích, kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT và BT, Quảng Ninh sẽ không phải sử dụng ngân sách vào đầu tư hạ tầng giao thông, cũng như thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng cho các dự án giao thông theo hợp đồng.

Ứơc tính chỉ với 3 dự án đang triển khai thì số tiền duy tu, bảo dưỡng cũng lên khoảng 12 nghìn tỷ đồng. Như vậy, Quảng Ninh có thể dùng nguồn lực ngân sách này cho đầu tư các công trình hạ tầng có tính chất thiết yếu và phúc lợi xã hội để phục vụ dân sinh tốt hơn. 

Thu hút nhiều dự án nghìn tỷ đồng 

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh Bùi Hồng Minh cho biết, bằng chính sách thông thoáng, nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn đến với Quảng Ninh thực hiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm. Điển hình như dự án Cảng hàng không Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng là điểm nhấn quan trọng trong kết cấu hạ tầng giao thông của Quảng Ninh, động lực để phát triển Vân Đồn trở thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt. 

Cảng hàng không Quảng Ninh do nhà đầu tư chiến lược của tỉnh Quảng Ninh là Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư, có quy mô đón được 2 triệu khách/năm (từ nay đến năm 2020) và đón 5 triệu khách/năm (năm 2030), dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại trong quý I/2018. 

Ngoài ra, còn có các dự án nghìn tỷ đồng khác gồm tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng với tổng vốn đầu tư trên 13.000 tỷ đồng; dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức BOT với tổng kinh phí gần 14.000 tỷ đồng. 

Ông Trần Tuấn Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Biên Cương cho biết: "Là nhà đầu tư của tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, chúng tôi luôn kỳ vọng sau khi tuyến đường đi vào hoạt động sẽ tạo nên nền tảng giao thông hiện đại, góp phần kết nối Quảng Ninh với hai cực tăng trưởng còn lại của phía Bắc là Hà Nội và Hải Phòng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, du lịch dịch vụ của Quảng Ninh phát triển. Chúng tôi nỗ lực để đảm bảo công trình hoàn thiện theo đúng tiến độ đặt ra với chất lượng tốt nhất". 

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh Bùi Hồng Minh cũng cho hay, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư các dự án cảng biển Hải Hà, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, hay các công trình giao thông cầu biên giới như Bắc Luân II, Hoành Mô (kết nối với Trung Quốc), trong tương lai gần khi các tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn và Vân Đồn – Móng Cái hoàn thành sẽ tạo kết nối giao thông trong trục tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng- Quảng Ninh, hình thành tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn – Móng Cái sẽ tăng sức hấp dẫn đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mở rộng giao thương với thế giới nhất là khu vực ASEAN và Trung Quốc. 

Giao thông phát triển giúp cho giấc mơ về một “đặc khu” hành chính – kinh tế Vân Đồn sẽ có điều kiện trở thành hiện thực trong tương lai gần. Khi đó, Vân Đồn sẽ hội tụ đủ mạng lưới giao thông hiện đại từ đường không, đường cao tốc, đường biển và trở thành trung tâm phát triển có thể kết nối thuận lợi với bất kỳ tỉnh, thành nào trong cả nước cũng như các nước trên thế giới. 

Hài hòa lợi ích đa chiều 

Các dự án BOT, BT giao thông đã từng bước giúp Quảng Ninh có mạng lưới giao thông đồng bộ hiện đại, nhờ đó phát huy thế mạnh về du lịch với di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, danh thắng Yên Tử... cũng như tạo đà cho kinh tế cửa khẩu phát triển mạnh thông qua các cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Hoành Mô - cửa gõ giao thương giữa ASEAN với Trung Quốc. 

Giao thông hoàn thiện, Quảng Ninh sẽ phát huy thế mạnh của các Khu kinh tế trọng điểm trên địa bàn như: Khu kinh tế Vân Đồn (Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn trong thời gian tới); Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; Khu kinh tế Đầm Nhà Mạc - Quảng Yên. 

Triển khai các dự án BOT, BT giúp cho các nhà đầu tư được kinh doanh, khai thác công trình để thu hồi vốn và lợi nhuận trong khoảng thời gian xác định theo quy định của hợp đồng tuân thủ pháp luật trước khi chuyển giao cho Nhà nước, phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Hơn nữa, nhà đầu tư cũng tạo ra được công ăn việc làm, phát huy tối đa hiệu quả quản trị doanh nghiệp. 

Người dân và toàn xã hội được sử dụng các công trình giao thông có chất lượng tốt, tiết kiệm thời gian đi lại, đảm bảo an toàn giao thông. Điển hình như dự án cầu Bạch Đằng khi hoàn thành thời gian di chuyển từ Hạ Long đến Hà Nội còn 1 giờ 45 phút với chiều dài khoảng 110km (giảm 2 giờ đồng hồ so với việc đi theo tuyến các quốc lộ 18, 10 và 5); hay đối với Cảng hàng không Quảng Ninh, người dân tiết kiệm được thời gian, chi phí di chuyển cả trăm km để tới được các sân bay Nội Bài, Cát Bi... 

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh Bùi Hồng Minh nhận xét, các dự án BOT, BT giao thông đã tạo điều kiện phát triển du lịch, giao lưu, giao thương hàng hóa; đồng thời góp phần đắc lực nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương, thu hút đầu tư và cải thiện đời sống của người dân. Những lợi ích từ các dự án BOT mang lại là minh chứng cho sự đúng đắn của chủ trương xã hội hóa nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông mà Đảng và Nhà nước đã đề ra./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top