Aa

Những dự án thua lỗ nghìn tỷ bây giờ ra sao?

Thứ Ba, 03/10/2017 - 05:30

Trong các dự án của Bộ Công thương rơi vào tình trạng thua lỗ nghìn tỷ, nhiều dự án vẫn đang loay hoay tìm cách tháo gỡ khó khăn, nhưng một số dự án đã hồi sinh, bắt đầu có lãi.

Tìm hướng đi thoát cơn bĩ cực

Trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 5 dự án gồm dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (do PVTex quản lý), dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).

Hiện tại, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất vẫn chưa vận hành sản xuất lại được do gặp nhiều khó khăn trong thu xếp chi phí khắc phục, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải. Trong khi đó, giá xăng dầu đang ở mức thấp nên các cổ đông BSR, PVOil lo ngại rủi ro mất vốn do sản xuất - kinh doanh thua lỗ.

Một động thái mới có thể giúp dự án này thoát cơn bĩ cực là chủ trương phát triển sản phẩm ethanol. Bộ Công thương chỉ đạo, PVN khẩn trương xem xét, xây dựng phương án tái khởi động nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước để cung cấp sản phẩm ra thị trường kể từ ngày 1/1/2018. Hiện có 4 nhà đầu tư quan tâm đăng ký tham gia và 2 công ty muốn hợp tác vận hành lại nhà máy là Công ty Tùng Lâm và Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành.

Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ cũng đang ở trong tình trạng khó khăn. Theo chỉ đạo của PVN, các đơn vị thành viên của Tập đoàn (PVFCCo, PVCFC, BSR) đã cử nhân sự đến hỗ trợ PVTex rà soát đánh giá thực trạng, thành lập tổ hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thương mại, pháp lý…, chuẩn bị khởi động lại nhà máy.

Với dự án DQS, công ty này đang nỗ lực tìm kiếm bổ sung các đơn hàng từ các đơn vị trong và ngoài ngành như Epic 8, Epic 9, Petrolimex 18, Petrolimex 14... Tuy nhiên, giá các đơn hàng này không lớn (bình quân một đơn hàng khoảng 3 tỷ đồng) nên không bù đắp được phần doanh thu bị thiếu so với kế hoạch đã được PVN phê duyệt. Trong 8 tháng đầu năm, DQS đạt lợi nhuận 19,6 tỷ đồng, nhưng nếu không có khoản hoàn nhập dự phòng 45,9 tỷ đồng thì tiếp tục lỗ (hơn 26 tỷ đồng).

Đối với dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam cho biết, đã thực hiện xong khâu định giá, tổ chức phương án và tiến hành tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy. Đến nay, nhà máy bột giấy Phương Nam đã qua 2 lần tổ chức bán đấu giá, nhưng đều không thành công. Nhà máy sẽ tiếp tục được tổ chức bán đấu giá trong thời gian tới.

Một số dự án bắt đầu có lãi

Có 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) từng rơi vào cảnh thua lỗ nghìn tỷ, nhưng đang dần hồi sinh, đó là dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng.

Bộ Công thương cho hay, đến thời điểm hiện tại, cả 4 nhà máy trên đã hoạt động ổn định, thời gian chạy máy đạt từ 19 - 24 ngày, trừ nhà máy đạm Ninh Bình đang dừng sản xuất để tiến hành sửa chữa lớn theo kế hoạch (từ ngày 25/8 đến 10/10/2017), ba nhà máy còn lại đang vận hành với phụ tải trên 80%.

Các nhà máy có phương án sản xuất - kinh doanh được xây dựng theo hướng tăng cường quản trị, tiết giảm chi phí sản xuất để giảm lỗ, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng chất lượng và đa dạng chủng loại sản phẩm. Do vậy, kết quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện, chi phí biến đổi đã thấp hơn giá bán.

Trong đó, từ tháng 8/2017, Công ty cổ phần DAP - Vinachem bắt đầu có lãi, tháng 8 lãi khoảng 4 tỷ đồng, tháng 9 ước lãi 6,7 tỷ đồng; dự kiến, cuối năm 2017 có lãi lũy kế.

Tuy nhiên, ba dự án còn lại vẫn lỗ, do giá nguyên liệu cao (giá than), giá sản phẩm thấp (giá urê)...

Dự án nhà máy thép Việt - Trung (do Công ty VTM quản lý) cũng có lãi kể từ tháng 3/2017. Ước tính, lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2017 của VTM đạt 163 tỷ đồng.

Về dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên (do Tisco quản lý), Bộ Công thương cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, tình hình sản xuất - kinh doanh ổn định. Thép cán sản xuất đạt 551.572 tấn, phôi thép sản xuất đạt 313.948 tấn, gang sản xuất đạt 136.287 tấn. Giá trị sản xuất công nghiệp của Tisco ước đạt 2.061 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 95,89 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top