Aa

Những hoài nghi việc "khai thác chéo data khách hàng" giữa Techcombank và Manulife

Thứ Hai, 30/07/2018 - 20:01

Với khách hàng của ngân hàng Techcombank thì quả là một nỗi kinh hoàng khi mức thu nhập cũng như tài sản bị lộ. Hậu quả của việc bị lộ thông tin ra ngoài thì khôn lường, nhẹ thì bị công ty bảo hiểm làm phiền, nặng thì bị tống tiền,…

Thời gian gần đây, Reatimes liên tục nhận được phản ánh của các khách hàng về việc họ có tài khoản tại Ngân hàng Techcombank và thường xuyên bị làm phiền vì nhân viên Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Công ty Manulife) gọi điện chào mời mua bảo hiểm. Thậm chí, luôn có sự xuất hiện của nhân viên hãng bảo hiểm này ngồi lẫn trong quầy giao dịch của Techcombank…

f

Ngày 22/ 9/2017) Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Công ty Bảo hiểm Manulife Việt Nam đã chính thức công bố việc ký kết thỏa thuận hợp tác bảo hiểm độc quyền kéo dài 15 năm.

Trước thông tin này, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Techcombank, tuy nhiên câu trả lời nhận được chỉ xoay quanh Luật Kinh doanh bảo hiểm, nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm chứ không trả lời câu hỏi “Techcombank và Manulife “khai thác chéo” cụ thể ở đây là gì? Phải chăng bảo hiểm Manulife được phép khai thác toàn bộ data khách hàng sẵn có của Techcombank”?

Như đã biết, hệ thống ngân hàng Việt Nam vừa trải qua một cuộc cách mạng về “sở hữu chéo” đã để lại nhiều di chứng nặng nề cho công tác quản lý. Tình trạng “sở hữu chéo” vừa được ngăn chặn thì giờ đây, hệ thống ngân hàng lại xuất hiện một hình thức hợp tác mới, là “khai thác chéo”.

Mặt tích cực của “khai thác chéo” giữa ngân hàng và bảo hiểm là cả 2 bên đều được lợi. Tuy nhiên, khách hàng - đối tượng ở giữa, phải hứng chịu nhiều thiệt thòi.

Đầu tiên là thông tin bị lộ ra ngoài khi nhân viên bảo hiểm có thông tin của khách hàng; Thứ hai là thông tin về sức khỏe bị khai thác; Thứ ba là thông tin về công việc, học tập bị lợi dụng; Thứ tư là lộ cả thông tin người thân.

Đặc biệt, với khách hàng “VIP” của ngân hàng Techcombank thì quả là một nỗi kinh hoàng khi mức thu nhập cũng như tài sản bị tiết lộ.

Với chừng đó thông tin bị lộ, thử hỏi khách hàng Techcombank có còn giữ được bí mật thông tin cá nhân nữa không? Và hậu quả của việc bị lộ thông tin ra ngoài thì khôn lường, nhẹ thì bị công ty bảo hiểm làm phiền, nặng thì bị tống tiền,…

Vậy nên câu chuyện, ngoài sự lựa chọn ngân hàng để gửi gắm tài sản đảm bảo thì khách hàng cũng cần tính tới việc bảo mật thông tin. Riêng với hệ thống ngân hàng Techcombank, khi đã có sự thỏa thuận “khai thác chéo” với bảo hiểm Manulife thì không còn gì để đảm bảo thông tin khách hàng được bảo mật.

Thậm chí, Manulife là một tập đoàn đa quốc gia, thì không có lý do gì để thông tin của khách hàng Techcombank không bị lộ ở phạm vi toàn cầu.

Và sự việc này nếu diễn ra thì quả thực rất nghiêm trọng. Đây không chỉ là vấn đề của mỗi khách hàng Techcombank mà cho cả cơ quan Nhà nước trong công cuộc bảo vệ bí mật công dân?!

Báo Công an Nhân dân dẫn lời của Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng phòng PC50 Công an TP. Hà Nội từng phân tích, trong thực tế, rất nhiều công ty, tập đoàn lớn đang khai thác thông tin cá nhân để phục vụ các chiến lược quảng cáo, marketting, phổ biến nhất là lĩnh vực bất động sản, đầu tư tài chính, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, mua sắm tiêu dùng...

Những thông tin cá nhân này được khai thác từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn thu thập qua các dịch vụ có khai báo tên tuổi, số điện thoại như mua sắm ở các siêu thị, trung tâm thương mại để làm thẻ thành viên, bảo hành hàng hóa, khám chữa bệnh, mua bảo hiểm, tham gia hội thảo, hội nghị... Không loại trừ chính nhân viên của các dịch vụ này đã lấy cắp thông tin khách hàng để mua bán, trao đổi ra ngoài.

Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 (Luật NHNN 2010), Luật các TCTD 2010, Nghị định 70/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/11/2000 về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng (Nghị định 70/2000/NĐ-CP); Thông tư số 02/2001/TT-NHNN ngày 04/4/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định 70; Quyết định số 1004/2001/QĐ-NHNN ngày 08/8/2001 về việc sửa đổi tiết a điểm 2.2 Mục II Thông tư 02 (Quyết định 1004)17… Theo quy định của các văn bản pháp lý trên, nghĩa vụ đảm bảo bí mật thông tin của khách hàng được thể hiện như sau:

Luật các TCTD 2010 quy định: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CNNHNg) phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại TCTD, CNNHNg.

TCTD, CNNHNg không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại TCTD, CNNHNg cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

TCTD, CNNHNg có trách nhiệm từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Điều 4 Nghị định 70/2000/NĐ-CP quy định khách hàng có quyền khiếu nại, khởi kiện tổ chức nhận tiền gửi và tài sản nếu tổ chức đó cung cấp các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi sai quy định hoặc không đúng đối tượng, không chính xác, không trung thực và được tổ chức nhận tiền gửi và tài sản bồi thường thiệt hại do việc cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản sai, không đúng đối tượng, không chính xác, không trung thực gây ra.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top