Thị trường bất động sản “thích nghi” bối cảnh dịch
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định, những đợt bùng dịch Covid-19 đã làm cho các chủ đầu tư, môi giới cũng như người mua chịu tác động về mặt tư tưởng, “hoang mang” không biết xoay sở như thế nào. Tuy nhiên, khác với những ngành dịch vụ khác, bất động sản vẫn được ưu tiên, có sự quan tâm nhất định và vẫn diễn ra những giao dịch mua bán tương đối ổn định.
"Các doanh nghiệp bất động sản rất nhạy bén trong việc đề ra các phương án thích nghi mới như đổi mới sáng tạo, quan tâm đến đội ngũ nhân viên, có những thay đổi trong chiến lược kinh doanh, tập trung phát triển công nghệ số bất động sản, có các phương thức mua bán trên những nền tảng mới… Điều này đã giúp tỏa tâm lý cho cả nhân viên bán hàng, các môi giới cũng như các nhà đầu tư lớn và nhỏ... Đấy được coi là những "kháng thể" các giúp doanh nghiệp, thị trường bất động sản thích ứng với đại dịch một cách tốt hơn”, ông Điệp cho hay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn ra như hiện nay, các doanh nghiệp muốn có “kháng thể” tốt thì trước hết phải tạo được tâm lý yên tâm cho đội ngũ nhân viên của mình. Bởi, đa phần các sale bất động sản có tuổi đời còn rất trẻ, chưa trải qua nhiều “biến cố thị trường” nên đợt dịch vừa qua có thể coi là giai đoạn “thử lửa” tâm lý để tạo những “kháng thể” tốt hơn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn có “kháng thể” là sự phản ứng linh hoạt với thị trường hiện nay. Sự phủ sóng sâu rộng của vắc-xin giúp cho các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến, thay đổi tích cực hơn.
Loại “kháng thể” thứ ba được ông Nguyễn Quốc Anh nhắc đến là doanh nghiệp bất động sản đã ứng dụng nhiều hơn về công nghệ, chuyển đổi số để tạo ra lợi nhuận cạnh tranh. Minh chứng là, nếu như trước đây việc mở bán online còn khá đơn lẻ, lạ lẫm với nhiều người thì ngày nay, có tới hơn 90% doanh nghiệp mở bán online.
Cụ thể, nhiều môi giới bất động sản đã học hỏi cách thức của những người bán hàng online, tận dụng các nền tảng công nghệ như livestream, Youtube, Tiktok, Zalo, Facebook,… để tiếp cận khách hàng, tư vấn, chào bán sản phẩm một cách dễ dàng. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục được triển khai, không còn bị ngắt quãng do dịch bệnh.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt nam cho biết, ở góc độ doanh nghiệp và người mua nhà có thể thấy thị trường bất động sản hiện nay đã tạo ra rất nhiều “kháng thể”.
Nhìn lại một năm qua, các doanh nghiệp bất động sản đã tự thích ứng linh hoạt với xu thế “bình thường mới” thông qua chuyển đổi số, thay đổi chiến thuật kinh doanh với các kênh bán hàng online để đáp ứng nhu cầu người mua nhà. Trong khi thị trường đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, các doanh nghiệp không dừng lại, mà vẫn hoạt động ngầm để khi thị trường có cơ hội mở của trở lại, họ sẽ ra hàng ngay và nhanh chóng được khách hàng đón nhận.
Như vậy, có thể thấy tầm nhìn của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh vẫn cứ hoành hành như hiện nay có yếu tố rất quan trọng. Nó cho thấy khả năng thích ứng và bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp bất động sản.
Sẽ không có nhiều cơ hội cho đầu tư “lướt sóng”
Từ sự thích nghi nhanh chóng của thị trường bất động sản, theo ông Điệp, bất động sản Việt Nam đang trên đà phát triển cho nên dù chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh, thị trường này vẫn giữ được thăng bằng nhất định, có những phương án thích ứng kịp thời và nhanh chóng. Bên cạnh đó, những hoạt động giao dịch mua bán được ghi nhận trong thời gian vừa qua trên thị trường bất động sản là minh chứng tích cực cho sự “đứng vững” này. Tuy thị trường bất động sản có thể chưa phát triển mạnh mẽ như những mục tiêu đã đề ra nhưng nó sẽ không bao giờ bị đóng băng dù dịch bệnh có tác động như thế nào đi chăng nữa.
So với vàng, đô la, chứng khoán,… thì bất động sản vẫn được coi là kênh đầu tư an toàn, ưu tiên nhất vì hầu như không bị lỗ. Với bối cảnh thị trường hiện nay, nhu cầu mua nhà ở thực còn rất lớn, vì vậy luôn có sự tính toán cân nhắc rất kỹ mà không bị cuốn theo mấy chiêu trò đẩy giá, lướt sóng. Vì vậy, trong thời gian tới cơ hội của nhà đầu tư “lướt sóng” bị thu hẹp, dòng tiền đang chuyển sang hướng đầu tư bền vững.
Ông Nguyễn Thế Điệp cho biết thêm, cũng nhờ vào những diễn biến của thị trường bất động sản trong thời gian qua mà các chủ đầu tư và các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã nâng tầm trình độ của mình, có khả năng phỏng đoán thị trường rõ nét hơn. Mặt khác, khi đầu tư một phân khúc hay một khu vực nào đó, các nhà đầu tư đã biết trang bị nhiều thông tin để tham chiếu trước khi đưa ra quyết định “xuống tiền” đầu tư.
“Bất động sản Việt Nam nói chung và các chủ đầu tư, nhà đầu tư nhỏ lẻ bất động sản đã dần hoàn chỉnh hơn rất nhiều so với các năm trước đây”, ông Điệp nhận xét.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng nhận định, bất động sản năm 2022 sẽ có nhiều cơ hội nếu gắn với sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Việc đẩy mạnh đầu tư công càng sớm càng tốt không chỉ tác động đến thị trường bất động sản mà còn tác động tích cực đến cả nền kinh tế. Mặt khác, việc đầu tư theo kiểu “lướt sóng” bất động sản sẽ khó diễn ra trong năm tới đây. Tuy vậy, giá bất động sản sẽ có sự tăng đáng kể ở một số khu vực. Việc sốt đất thời gian qua không phản ánh cục diện thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh vẫn đang là thử thách, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng nền kinh tế, tuy nhiên, thị trường bất động sản nhà ở được dự báo luôn là điểm nóng bởi nhu cầu của người dân luôn ở mức cao, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Vướng mắc của thị trường vẫn là pháp lý. Đây chính là yếu tố tính vào chi phí đầu vào, đẩy giá bất động sản tăng cao.
Các chuyên gia cũng dự báo, bất động sản năm 2022 sẽ có nhiều khởi sắc nhờ vào môi trường pháp lý được gỡ rối, có nhiều gói phục hồi kinh tế và đặc biệt là nguồn vốn “đổ” vào bất động sản sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới./.