NNVN xin được mượn tinh thần từ phát biểu ấy của Thủ tướng để nói về những vùng quê đáng sống như thế...
“Ai qua Quán Cháo - Đồng Giao/Má hồng để lại, xanh xao mang về”. Câu ca dao ấy nói tới một thời mà vùng đất của thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) còn là chốn rừng thiêng nước độc.
Cọp Đồng Giao, ma Quán Cháo
Ngày nay, người dân TP Tam Điệp khi nhắc tới câu ca dao “Ai qua Quán Cháo - Đồng Giao...” đã truyền nhau bài thơ rằng: “Câu ca như lưỡi dao thề/Chém vào tâm tưởng bây giờ còn đau”. Nhưng Đồng Giao hoang vu thuở nào bây giờ đã là thành phố Tam Điệp tươi trẻ đầy sức sống. Thị xã Tam Điệp (nay là TP Tam Điệp) mới chỉ được thành lập từ năm 1982.
Một góc thị xã Tam Điệp, Ninh Bình. Ảnh: baoninhbinh.org.vn |
Nói tới Tam Điệp, không thể không nói tới Nông trường Đồng Giao. Nông trường Đồng Giao (nay là Cty CP Thực phẩm XK Đồng Giao) được thành lập từ năm 1955, là một trong những nông trường đầu tiên ở miền Bắc. Thật khó để tưởng tượng một thành phố trẻ khang trang, náo nhiệt như ngày nay, trước thống nhất đất nước vẫn còn là một vùng hoang vu tới rợn người, với nỗi ám ảnh thú dữ “Cọp Đồng Giao, ma Quán Cháo”.
Trong lời tựa cuốn ký sự lịch sử “Nông trường Đồng Giao - 30 năm xây dựng trường thành”, ông Phạm Tường Minh - GĐ đầu tiên của nông trường viết: “Sau lễ khai canh nông trường ít ngày, chúng tôi gồm gần 200 anh chị em bộ đội chuyển ngành khoác ba lô về xây dựng nông trường thì ở vùng đất Đồng Giao - Tam Điệp này hoang vu lắm. Suốt chặng đường dài gần 10km từ ga Ghềnh vào đến đền Dâu chỉ có vài ba quán nước lèo tèo. Ban ngày trên nương rẫy luôn luôn phải đối phó với hùm beo và rắn rết. Ban đêm về lán trại thì muỗi rừng nhiều vô kể. Bệnh sốt rét hoành hành”.
Ông Vũ Đắc Khang, nguyên Phó giám đốc Cty Cổ phần Thực phẩm XK Đồng Giao (Cty Đồng Giao) nhớ lại: Năm 1971, khi còn là sinh viên trường Đại học Nông nghiệp lần đầu đặt chân về Nông trường Đồng Giao thực tập, suốt dọc Quốc lộ 1A dài hơn 10km từ Ga Ghềnh tới Đền Dâu, là trung tâm của TP Tam Điệp ngày nay lúc ấy chỉ có vài quán lá, hai bên đường lau lách rậm rạp, không bóng người qua lại.
Con đường Đồng Giao thênh thang, nơi được xem là “đất vàng” của TP Tam Điệp bây giờ lúc ấy chỉ là một lối mòn nhỏ lởm chởm đá, luồn qua những rừng lau lách ngập đầu... Nói tới Đồng Giao thời đó, người ta ớn lạnh vì thú dữ. “Hổ Đồng Giao” đã trở thành nỗi khiếp đảm với người dân bản xứ và công nhân nông trường. Ngay ban ngày, ai muốn theo QL1A từ Đền Dâu vượt qua Dốc Xây vào Bỉm Sơn (Thanh Hóa) phải gom thành một nhóm.
“Chiều nay trời đất thanh cao mấy lần...”
Xã Quang Sơn (TP Tam Điệp), nơi có vùng nguyên liệu dứa chủ lực phục vụ chế biến XK của Cty Đồng Giao với diện tích trên 3.500ha bây giờ đã là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Đinh Cao Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Quang Sơn, người từng gắn bó 30 năm làm lãnh đạo xã nắm rõ sự chuyển mình của vùng đất quê ông như một cuốn phim lịch sử sinh động. Ông kể, năm 1982, cùng với việc thành lập thị xã Tam Điệp, xã Quang Sơn được ra đời với gần 80% dân số và diện tích tự nhiên thuộc Nông trường Đồng Giao để lại. Những năm đầu thành lập xã, việc hội họp phải ở nhờ trụ sở đội sản xuất Bãi Sại của Nông trường Đồng Giao.
Một góc nông thôn ở xã Quang Sơn |
Ngày nay, mỗi thôn trong xã vẫn là một đội SX dứa của Cty Đồng Giao, trụ sở đội SX cũng đồng thời gắn với nhà văn hóa, là nơi sinh hoạt cộng đồng của các thôn. Đến nay, những nếp sinh hoạt cộng đồng của một thời Nông trường Đồng Giao vẫn còn đó. Đêm giao thừa, chính quyền thôn phối hợp với các đội SX tổ chức hẳn một gala đón Xuân dưới ánh lửa bập bùng, trao quà tết cho các hộ dân, Đoàn thanh niên bủa đi chúc tết các gia đình. Mồng 1 Tết năm nào cũng vậy, lãnh đạo thôn và các đội SX phối hợp tới từng hộ gia đình khó khăn neo đơn, người cao tuổi để trao quà, chúc tết... Trong thôn, chuyện ốm đau tang khói không cần thông báo cũng cả làng chung tay giúp đỡ gia chủ...
Quang Sơn bây giờ có khoảng 1.400 hộ dân thì có tới trên 900 hộ dân là công nhân SX dứa nguyên liệu của Cty Đồng Giao. Thu nhập đầu người toàn xã năm 2017 đạt bình quân trên 3,6 triệu đồng/tháng, trong đó, cây dứa đóng vai trò chủ lực cho nguồn thu nhập của người dân trong xã. Với diện tích bình quân từ 2 - 3ha dứa/hộ, trừ đầu tư, cây dứa cho thu 200 - 250 triệu đồng/ha/vụ. Những hộ dân có tiền tỉ trong nhà ở Quang Sơn bây giờ không phải điều lạ. Khoảng 20% số hộ nông dân trồng dứa ở Quang Sơn bây giờ đã có xe ô tô con cá nhân, mỗi đội SX dứa có riêng một đội xe tải cỡ lớn 7 - 10 chiếc để chuyên chở sản phẩm và vật tư... Cây dứa ít sâu bệnh, nên gần như không phải phun bất kỳ loại thuốc BVTV nào. Thế nên ở Quang Sơn, các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp thì chỉ có phân bón chứ không hề có thuốc BVTV.
Nông thôn Quang Sơn ngày nay sung túc, nhưng sự sung túc ấy gần như chưa bị đồng tiền làm cho khuynh đảo. Sự sung túc ấy không phô ra bằng những biệt thự nhà lầu nguy nga. Ở Quang Sơn rất ít nhà cao tầng, mà đại đa số vẫn chỉ là những ngôi nhà cấp 4 nép mình giữa những đồi dứa bạt ngàn ngút tầm mắt. Chúng tôi đã thử thắc mắc điều này với anh Trịnh Văn Đông, một hộ dân có 4ha dứa ở đội Bãi Sải (xã Quang Sơn), có hẳn xe hơi xịn để đi đây đi đó. Anh quan niệm rằng: Tiền bạc quan trọng nhất vẫn là đầu tư cho giáo dục. Bản thân gia đình anh có 2 con, đều là sinh viên xuất sắc, làm việc tại các Cty chế tạo máy nước ngoài. Chả thế mà ở Quang Sơn hiện nay có tới 70% thanh niên có trình độ đại học. Trong xã, những thôn xa trung tâm, nông dân đầu tư cho học tập của con em hết mực. Họ thuê hẳn cả xe ô tô khách đưa đón học sinh tận đầu ngõ.
Cây dứa mang lại cuộc sống sung túc cho nông dân Quang Sơn |
Anh Nguyễn Văn Giang, một hộ nông dân có 6ha dứa ở đội Khe Bồi (xã Quang Sơn), mỗi năm thu nhập hàng tỉ đồng và có thể tạm coi là hộ giàu thì bảo rằng, cái nếp ăn ở, sinh hoạt, tư duy của nông dân ở Quang Sơn bây giờ vẫn có cái gì đó chân chất, mộc mạc, nghĩa tình như đúng chất những công nhân nông trường Đồng Giao trước đây để lại.
Vùng đất không kiện tụng, không tệ nạn
Người dân Đồng Giao không thích xây nhà lầu, kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” như nhiều vùng quê khác mà chỉ xây nhà đủ sinh hoạt. Cái nữa, quỹ đất thổ cư trước đây Nông trường Đồng Giao chỉ chia cho các hộ công nhân mỗi hộ từ 300 - 400m2, còn lại bây giờ đã được chính quyền và Cty Đồng Giao quản lí chặt bằng bản đồ địa chính điện tử tới từng thửa, phải dành đất tối đa cho SX nên nhà nào có muốn xây biệt thự nhà lầu nguy nga cũng chịu!
Đây cũng là điều mà ông Đinh Cao Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Quang Sơn cảm thấy nhẹ nhõm. Nhiều năm nay, xã không có một vụ kiện tụng tranh chấp nào liên quan tới đất đai. Theo ông Hưng, nếu như trước đây, có thời 80% diện tích dứa bị trộm, mỗi đội SX dứa phải có hẳn một đội bảo vệ thì bây giờ, dứa bạt ngàn nhưng không cần bảo vệ cũng chẳng mất một quả. Nhiều năm nay, xã không có một vụ án trộm cướp hay án hình sự nào.