Aa

Những ngôi chùa cầu may nên đi tại Hà Nội dịp Tết Nguyên đán 2020

Thứ Sáu, 24/01/2020 - 10:20

Lễ chùa đầu năm là một nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam. Cứ vào mùng 1 Tết, người dân lại cùng nhau đi lễ chùa để cầu chúc một năm mới may mắn, bình an cho gia đình cùng người thân.

Đã trở thành một thói quen cũng như nét đẹp không thể thiếu trong mỗi gia đình vào thời gian cuối đêm 30 (âm lịch) rạng sáng ngày mùng 1 Tết, mỗi người dân đều chọn một ngôi chùa linh thiêng để cùng bạn bè, người thân đi để thắp thương cầu bình an cho năm mới.

Tại Hà Nội cũng có những ngôi chùa rất linh thiêng với vẻ đẹp cổ kính, tôn thờ những vị thánh thần linh thiêng được nhiều người dân biết và đến hương hỏa hằng năm, đặc biệt trong những ngày đầu xuân năm mới. Tiêu biểu như:

Chùa Trấn Quốc

Ngôi chùa thiêng nhất ở Hà Nội, với lịch sử hơn 1500 năm tuổi, được xem là ngôi chùa lâu đời bậc nhất tại kinh thành Thăng Long. Nằm trên một hòn đảo phía Đông Tây Hồ. Ngôi chùa với những nét xây dựng cổ kính với cảnh quan thiên nhiên hòa nhã của một mặt hồ êm ả tại đây tạo một cảm giác vô cùng bình yên. Từng là trung tâm Phật Giáo của Kinh thành Thăng Long thời Lý và Trần. Ngày nay, chùa được mệnh danh là ngôi chùa linh thiêng bậc nhất tại Hà Nội

Toàn cảnh chùa Trấn Quốc tọa lạc trên Hồ Tây, Hà Nội

Người dân Hà Nội thường ghé lại chùa Trấn Quốc vào những hôm rằm, mồng một, ngày lễ Tết để cầu bình an, hạnh phúc và tìm kiếm sự thư thái trong tâm hồn sau những ngày làm việc bộn bề, mệt mỏi. Bạn cũng nên lưu ý đến trình tự lễ hương trong chùa Trấn Quốc đó là đi từ tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà thờ tổ, nhà bia.

Ngay từ cổng tam bảo khoảng 15m sẽ được chiêm ngưỡng vườn tháp, nổi bật nhất là một tòa bảo tháp cao 11m, 9 tầng với khoảng 66 pho tượng. Một khu vực bạn không thể bỏ lỡ là nơi trồng cây bồ đề tại chùa. Đây là cây bồ đề được Tổng thống Ấn Độ Prasat mang từ xứ sở của Phật Giáo tới trao tận tay cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người dân Hà Nội thường ghé chùa Trấn Quốc vào những hôm rằm, mồng một, ngày lễ Tết để cầu bình an

Đền Ngọc Sơn

Không gian văn hóa tâm linh giữa lòng Hồ Gươm, t ọa lạc trên đảo Ngọc Sơn thuộc hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm), Hà Nội, kiến trúc đền Ngọc Sơn không chỉ biểu hiện cho học vấn và văn chương mà còn được coi như một không gian văn hóa yên bình, gợi cảm giác chan hoà giữa con người và thiên nhiên.

Cửa chính điện để đi vào đền Ngọc Sơn với kiến trúc được giữ nguyên từ đợt trùng tu của Nguyễn Văn Siêu.

Đền Ngọc Sơn có lịch sử khá lâu đời và đặc biệt. Xưa kia, đây vốn là ngôi đền thờ Quan đế để trấn áp cái ác, sau chuyển sang thờ Phật, cuối cùng Đền được tu sửa lại giống như ngày nay.

Tháp Bút, tòa tháp bằng đá cao 9 mét được dựng vào năm 1864 trên núi Độc Tôn. Đỉnh tháp hình ngọn bút lông dựng ngược, thân tháp có khắc ba chữ “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh), thể hiện chí khí của các bậc nho sĩ đương thời.

Khi muốn cầu cho con cái thi cử tiến tới, bản thân đỗ đạt thì nên đến đền Ngọc Sơn, phù hợp cho việc sĩ tử đến lễ trước khi diễn ra các kỳ thi để thành tâm cầu khấn, cầu xin gặp nhiều may mắn, đỗ đạt khoa trường.

Tứ Trấn Thăng Long

Là những địa điểm trấn giữ 4 hướng của Hà Nội gồm đền Bạch Mã trấn phía Đông; đền Voi phục trấn phía Tây; đền Kim Liên trấn phía Nam; đền Quan Thánh trấn phía Bắc.

Đền Bạch Mã trấn phía Đông; đền Voi phục trấn phía Tây; đền Kim Liên trấn phía Nam; đền Quan Thánh trấn phía Bắc.

Tứ trấn Thăng Long là điểm đi lễ đầu năm không thể bỏ qua của người dân Hà Nội vào dịp năm mới mà với người dân cả nước đây cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn qua nếu có đến Thủ đô.

Văn Miếu Quốc Tử Giám

Điểm lễ đầu năm cầu công danh sự nghiệp, tọa lạc tại số 58 Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.

Cổng vào Văn Miếu Quốc Tử Giám

Là trường đại học đầu tiên của nước ta, Văn Miếu Quốc Tử Giám là một trong những điểm lễ chùa đầu năm linh thiêng để người dân cầu công danh, đỗ đạt, sự nghiệp thăng tiến. Mọi người tìm về đây để được tiếp thêm động lực từ những bảng vàng rực rỡ của ông cha, nạp vào nguồn năng lượng tràn đầy để vững tin trong hành trình nỗ lực học tập và khám phá tri thức nhân loại.

Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám 

Đây cũng là điểm hẹn “xin chữ” của người dân Thủ đô trong những ngày Tết truyền thống với ước mong năm mới an lành; hoặc trong những mùa thi quan trọng của đất nước với niềm tin đỗ đạt của các “sĩ tử”.

Chùa Quán Sứ

Ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Hà Nôi, tọa lạc tại số 73 phố Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chùa Quán Sứ

Ngôi chùa cổ nổi tiếng nằm ở trung tâm Thủ đô thờ Phật, hậu đường thờ quốc sư triều Lý là Thiền sư Khuông Lộ. Chùa Quán Sứ là nơi mà nhiều du khách thập phương chọn làm điểm đến trong đầu năm mới. Mọi người cầu chúc sức khỏe, bình an và may mắn cho cả một năm dài.

Chùa Quán Sứ ngay giữa trung thâm thành phố Hà Nội vì thế rất gần các địa danh nổi tiếng mà bạn có thể ghé qua: Nhà tù Hỏa Lò, bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Ga Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hồ Hoàn Kiếm, Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh…

Chùa Hà 

Đây là địa điểm lễ chùa đầu năm cầu duyên nổi tiếng tại Hà Nội, tọa lạc tại chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội.

Nếu như những ngôi chùa khác tập trung nhiều tầng lớp trung niên, các cụ ông cụ bà đến để giải hạn, lễ bái, thì chùa Hà được giới trẻ biết đến với một cái tên khác – Chùa Tình yêu. Họ đến đây để cầu duyên.

Đây là ngôi chùa nằm trên địa bàn phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy được nhiều người dân Hà Nội biết và đến lễ vào những dịp Tết, ngày rằm. 

Những ngày đầu năm, cảnh chùa rất tấp nập, không chỉ có những người đang cô đơn, lẻ bóng, những người không may trong chuyện gia đình, mà còn cả những đôi bạn trẻ đến cầu mong cho chuyện tình cảm tốt đẹp hơn.

Chùa Phúc Khánh

Ngôi chùa thờ Phật vừa có thêm ban thờ Mẫu tại Hà Nội, tọa lạc tại 382 phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội

Người Hà Nội tấp nập đến chùa Phúc Khánh đăng ký giải sao xấu đầu năm

Tuy nằm trong khu dân cư đông đúc, chật hẹp nhưng chùa Phúc Khánh được đông đảo người dân và các phật tử tìm đến chiêm bái, cầu an. Đặc biệt vào dịp đầu năm chùa Phúc Khánh được nhiều người lựa chọn là nơi lễ Phật cầu an, làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm.

Đến thăm chùa bạn có dịp được ngắm những di vật trong chùa và 20 pho tượng được tạc vào thế kỷ XVIII mang đậm phong cách nghệ thuật Tây Sơn, bia đá 21 tấm, sớm nhất là bia Chính Hòa 19 (1698). Chuông đồng 3 quả, 1 quả thời Cảnh Thịnh 4 (1796)…

Với những thông tin trên đây, chắc chắn bạn đã lựa chọn được cho mình một địa điểm du xuân lý tưởng trong dịp đầu xuân năm mới tại Hà Nội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top