Aa

Những người Thủ Thiêm cuối cùng bám trụ khu “ổ chuột”

Thứ Năm, 13/09/2018 - 06:01

Hiện nhiều hộ dân trong Khu đô thị Thủ Thiêm vẫn bám trụ lại ở các khu tạm cư tồi tàn, xuống cấp, không chịu chuyển tới nơi tạm cư mới. Đằng sau đó là nhiều nguyện vọng, tâm tư của người dân đang chờ đợi.

Lên chung cư làm gì để sống?

Gần đây với sự vận động của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng chính quyền TP.HCM, nhiều hộ dân đang sinh sống ở các khu tạm cư An Lợi Đông và An Phú, đã chuyển về khu tái định cư phường Bình Khánh, quận 2 để sinh sống. Sự quan tâm của thành phố đã giúp cải thiện phần nào cuộc sống người dân, so với nơi ở cũ.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, còn nhiều hộ dân vẫn bám trụ tại các khu tạm cư dù điều kiện sinh hoạt vô cùng tồi tàn. Theo ghi nhận của PV vào ngày 10/9, tại khu tạm cư An Phú vẫn còn khoảng hơn 20 hộ dân tiếp tục sinh sống tại đây.

Hiện còn khoảng 20 hộ dân bám trụ lại khu tạm cư An Phú.

Hiện còn khoảng 20 hộ dân bám trụ lại khu tạm cư An Phú.

Nhiều hộ dân ở đây cho biết, các dãy nhà đều đã xuống cấp, tường và trần nhà bong tróc. Trời nắng thì nóng bức còn trời mưa thì nhiều khu vực bị ngập nước. Ngoài ra, còn có rất nhiều ruồi muỗi nhưng họ vẫn cố bám trụ lại vì nhiều lý do.

Bà Nhàn nói nếu chuyển lên chung cư thì bà không thể đi buôn ve chai và bán trái cây.

Bà Nhàn nói nếu chuyển lên chung cư thì bà không thể đi buôn ve chai và bán trái cây.

Bà Lê Thị Thảo (trú số nhà 019A2, khu tạm cư An Phú) cho biết: “Chúng tôi cũng nghe lãnh đạo TP vận động chuyển lên khu tái định cư và chỉ thu tiền điện nước. Tuy nhiên, lâu nay tôi mua ve chai và bán hoa quả bằng xe đẩy. Nếu chuyển lên chung cư thì tôi không biết làm gì để sống nên không đi”.

Nhà tạm cư của bà Nhàn rất chật chội và xuống cấp.

Nhà tạm cư của bà Nhàn rất chật chội và xuống cấp.

Còn ông Bùi Ngọc Cát (SN 1952) cũng quyết bám trụ lại đây dù nhiều hộ dân bên cạnh đã chuyển đi. Ông Cát cho biết: “Ở đây là tạm cư, chuyển đi cũng chỉ là tạm cư chứ chưa ổn định. Hơn nữa do tôi làm nghề thuốc Nam, cần sống ở dưới để còn có chỗ phơi thuốc và bán thuốc lên chung cư ở thì sẽ đói. Ngoài ra tôi cũng sợ lên chung cư sẽ phải chịu nhiều loại phí”.

Ông Cát thường xuyên phải múc nước trong nhà ra vì bị ngập.

Ông Cát thường xuyên phải múc nước trong nhà ra vì bị ngập.

Ông Cát cho biết thêm, hiện tại cuộc sống ở khu tạm cư An Phú rất tồi tàn, dù trời nắng hay mưa nhà ông cũng bị ngập nước. Ông Thường xuyên phải múc nước và lau nhà để không phát sinh dịch bệnh. “Điều tôi mong muốn là cần được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm việc đền bù phần đất đã bị giải tỏa và bố trí cho chúng tôi một khu tái định cư ổn định”.

Bám trụ chờ bồi thường

Tại khu tạm cư An Lợi Đông, hiện cũng vẫn còn 4 hộ dân bám trụ lại trong khi nhiều hộ khác đã chuyển tới nơi tạm cư mới. Ông Lê Văn Hơn (ngụ khu tạm cư An Lợi Đông) chia sẻ, sau khi Thanh tra Chính phủ có kết quả kiểm tra một số nội dung khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, người dân trong khu tạm cư rất mừng.

Khu tạm cư An Lợi Đông còn 4 hộ bám trụ tới thời điểm hiện tại.

Khu tạm cư An Lợi Đông còn 4 hộ bám trụ tới thời điểm hiện tại.

Trong kết luận thanh tra, chủ yếu nói đến những hộ dân thuộc 4,3ha đất được xác định chính quyền làm sai, nhưng cũng có đoạn kiến nghị UBND TP.HCM rà soát từng trường hợp khiếu nại cụ thể để giải quyết, cũng an ủi người dân phần nào.

“Chúng tôi cơ bản đồng tình về kết luận thanh tra và mong chính quyền các cấp sớm xem xét hỗ trợ, đền bù thoả đáng cho người dân. Chúng tôi bám trụ ở đây đã mười mấy năm, cũng muốn đi lắm rồi, ở tạm bợ khổ lắm”, ông Hơn cho biết.

Còn chị Nguyễn Thị Oanh tâm sự, trước đó đã được chính quyền nhiều lần xuống vận động về khu tái định cư mới trong khu chung cư ở An Khánh. Chị Oanh cũng nhiều lần muốn đi vì ở khu tạm cư An Lợi Đông thiếu thốn trăm bề, môi trường sống tệ hại, ảnh hưởng nhiều đến gia đình và con cái.

“Trước ở đây đông lắm, sau người ta cũng nghe theo chính quyền đến khu tạm cư mới hết rồi, chỉ còn 4 hộ dân bám trụ lại. Nhưng nhìn những hộ dân đã chuyển đi, đến giờ vẫn chưa được bồi thường thoả đáng, chúng tôi quyết bám trụ lại chờ giải quyết xong vì sợ rằng đến khu tạm cư mới thì việc bồi thường sẽ bị ngó lơ, kéo dài”, chị Oanh nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top