Hà Nội - những khu tập thể đó, những căn hộ nho nhỏ đó trước đây phải là những người có đủ tiêu chuẩn mới có thể được xét phân nhà. Nói vậy để thấy vào cái thời đất đai Hà Nội mênh mông, để có được một căn nhà trong khu lắp ghép không phải chuyện dễ dàng.
Những khu tập thể, biểu tượng một thời của xã hội mới - được xây dựng từ những năm 1980, đến nay đã ngót nghét 40 năm.
Trong ký ức của một người Hà Nội 7x thế hệ cuối, không có dấu mốc nào ghi lại sự khởi đầu của hình ảnh những khu lắp ghép. Chỉ biết từ những năm 1985, lúc đã 6 tuổi, đi về khu Thành Công (Hà Nội) đã thấy những khu nhà cao đẹp, xếp hàng trật tự, giải quyết nhiều nhu cầu nhà ở cho mọi người.
Ấn tượng đầu tiên trong tâm hồn trẻ thơ bé bỏng của nó chính là căn hộ của ngoại. Nhà ông bà ngoại được phân ở tầng ba, đầu hồi một khu lắp ghép trong khu tập thể Thành Công (Hà Nội) với ô cửa sổ nho nhỏ có giàn hoa giấy ông trồng, mỗi khi gió thổi, từng chùm hoa tím rung rinh, lũ trẻ rất khoái ngó đầu ra xem người dân trong khu sáng sáng tập trung đọc tin tức trên cái bảng tin nằm ngay sát đường chính của phường ở dưới tầng một.
Căn hộ của ngoại nhộn nhịp lắm vì ông bà có tận bảy người con, thường thì cuối tuần hoặc khi nhà có việc sẽ ầm ĩ hơn hẳn. Nhưng đông vui nhất phải là khi các cậu đi nước ngoài về.
Trong kí ức đứa trẻ 6 tuổi, đó là những lần lũ trẻ lau nhau bỗng trật tự khác thường bởi cậu đã chuẩn bị quà chia cho 10 đứa cháu, nào kẹo sô-cô-la, kẹo cao su tròn xanh vàng đỏ, nhưng thơm ngon nhất phải là những trái táo đỏ được ken chặt mọi ngóc ngách trong hành lý. Vui nhất là lũ trẻ chúng tôi được chia nhau từng quả táo đỏ để cắn nhai rau ráu, bọn lớn ăn nhanh nên hết trước cứ nhìn các em ăn mà thòm thèm.
Trẻ con thì vui vẻ là vậy nên chúng bỏ qua sự bận rộn của người lớn khi mỗi lần công-ten-nơ hàng các cậu gửi về tới sân khu lắp ghép nhà ngoại là cả gia đình đều mau chóng tập trung lại để bốc dỡ đồ chuyển lên nhà ngoại.
Bọn trẻ cũng thường xuyên bị mắng vì tội chạy lung tung làm vướng chân người lớn, thế nhưng chúng cũng chỉ bị quát đôi câu rồi ai nấy lại bận rộn lo xếp đồ tiếp bởi mọi người lo dỡ xong khối đồ lớn từ trong các thùng hàng các cậu gửi về đã là mối bận tâm chính.
Lũ chúng tôi được sống trong không khí vui vẻ đó chừng bốn năm vì thời gian các cậu đi học ở nước ngoài chỉ chừng đó, thế nhưng những hình ảnh căn hộ lắp ghép vẫn nguyên vẹn trong ký ức lũ trẻ bởi cuộc sống nhộn nhịp vẫn tiếp diễn quanh những căn phòng bé nhỏ vỏn vẹn trong tầm 50m2.
Ngoài những niềm vui lơn lớn đó, với nó còn có một niềm vui nho nhỏ vào những buổi sáng mùa hè, khi vừa tỉnh dậy đã nghe tiếng hút bát điếu sòng sọc của ông ngoại trong tiếng loa phường rồi được ông rán cho chiếc bánh bột mì trộn đường ngòn ngọt thơm thơm mùi mỡ lợn mà nó được nhâm nhi thưởng thức một mình mà không sợ bị các anh chị tranh mất.
Và niềm vui đó cũng còn bởi thần tượng của lũ trẻ trong khu Thành Công khi đó ở ngay tầng một, thẳng nhà ông bà ngoại xuống, là chị Bống (ca sĩ Hồng Nhung) với những bài hát mà lũ trẻ chúng tôi vẫn lẩm nhẩm hát vang điệp khúc Papa, rồi lớn hơn chút là Lời của gió, Triệu đóa hồng… Còn bố mẹ chúng thì vẫn xì xào về một ông nhà văn nào đó sống trên tầng bốn khu nhà mà mãi sau này, khi lớn lên, được học các tác phẩm văn học chúng mới biết đó là nhà văn Ma Văn Kháng nổi tiếng.
* *
Trải qua năm tháng, cuối những năm 90 thế kỷ XX, những khu lắp ghép đã thay đổi nhiều để phù hợp với cuộc sống và hiện trạng dân cư Hà Nội. Những căn hộ ở tầng cao được đeo thêm nhiều “ba lô” cả trước sau lẫn bên cạnh, trên nóc nhà phải cõng thêm những bể nước mà mọi người vẫn nói vui là những quả bom nước vì chúng có vẻ rất dễ bị bung ra khỏi đế và lăn xuống đất, rồi thì tầng trệt là những cơ hội tận dụng mặt bằng để nhiều người tìm kế mưu sinh…
Trải qua năm tháng, nhiều khu tập thể xuống cấp trầm trọng. Mặc dù thành phố cũng đã có nhiều dự án, quy hoạch xây dựng lại những khu tập thể xuống cấp, gây nguy hiểm cho người dân nhưng những cư dân vẫn muốn gắn bó với ngôi nhà của mình mà không nỡ chuyển đến sinh sống ở những khu chung cư hiện đại.
* *
Cuộc sống vẫn tiếp diễn, ông bà ngoại cũng đã đến thế giới vĩnh hằng, các bác và các cậu lại tiếp tục sống trong những căn hộ tập thể như ông bà đã từng sống, con bé thời đổi mới ngày trước đã lớn lên và nó cũng lại lựa chọn trở về khu tập thể ngày trước với những vui buồn cuộc sống để được gần bố mẹ, ông bà. Chọn ở tầng 3 như ngoại nó từng ở, chỉ khác là giờ nó mua lại của người khác chứ không phải được phân nhà như ông bà nó. Chọn tầng 3 cũng còn bởi những bước chân đã quen nhịp cầu thang thoai thoải thuở nào.
Và chọn ở đây còn là bởi nó thấy sống ở đây tiện lợi về điện – đường – trường – trạm. Đi lại dễ dàng, chợ búa tiện dụng, chỉ cần dừng xe là đã đi chợ xong, nấu cơm thiếu chút hành chút muối là có thể chạy ngay xuống mua. Trong bán kính chừng 1km quanh khu là những bệnh viện phụ sản, bệnh viện nhi, lớn chút thì có bệnh viện giao thông vận tải… Trường học thì từ trường mầm non cho tới cấp I, cấp II, đủ cả.
Căn hộ của nó cũng nho nhỏ với giàn hoa giấy thả từng chùm hoa tim tím ngoài hành lang ban công trước nhà, giờ thêm những chậu vạn niên thanh, hoa dừa cạn, sống đời không ngừng đung đưa trong gió.
Và có lẽ cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên của cuộc sống. Căn hộ của nó xưa là nơi dừng chân của gia đình NSƯT Vũ Dậu, là nơi họa mi Khánh Linh trải qua những tháng ngày thơ ấu.
Khu tập thể lọt thỏm giữa khoảng xanh mướt của những cây đa, bàng, si, phượng trồng xen kẽ ở sân giữa các khu nhà. Khoảng sân tầng một giờ trong tình trạng là bãi gửi xe chung của cả khu, rồi thiên đường ẩm thực Hà Nội với các món ăn phong phú, đa dạng, xuất hiện trên khắp báo chí nước ngoài cũng từ những sân giữa các khu nhà mà có.
Trải qua thăng trầm, những khu tập thể xưa cũ vẫn trường tồn với thời gian. Ở đó, mỗi khu lắp ghép với từ 40 hộ gia đình, cuộc sống với những tiếng nói cười, buồn vui, hiếu hỉ… vẫn xoay vần, hàng ngày đến 6 giờ chiều vẫn là những ô cửa lần lượt được thắp sáng, âm thanh lẫn lội nhưng vẫn là sự êm đềm của những tháng ngày đẹp đẽ.
Đoàn Vân Khánh