Aa

Những “ông lớn” BĐS nào đang “giải cứu” chung cư cũ ở Hà Nội?

Chủ Nhật, 30/04/2017 - 20:01

Để “giải cứu” chung cư cũ, cuối năm 2016, Hà Nội đã hoàn tất việc giao cho 19 doanh nghiệp lập quy hoạch chi tiết 1/500 các khu nhà tập thể cũ có chiều cao từ 2-6 tầng.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có gần 1.300 chung cư cũ tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập có quy mô 2-6 tầng. Các khu này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đa số đều hết niên hạn sử dụng.

Theo đánh giá, hầu hết các chung cư cũ đều xảy ra tình trạng quá tải và xuống cấp về chất lượng, các căn hộ bị đục phá, cơi nới, xây dựng thêm bể nước, chồng cọp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ bền và gây ra thấm dột...

Đặc biệt, có những nhà chung cư đã bị lún, nứt và xuống cấp trầm trọng, rất dễ bị sụp đổ do tác động bởi biến cố thiên nhiên như động đất, bão... khi đó sẽ trở thành những thảm họa khó lường.

Trước tình trạng trên, trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã đẩy mạnh việc cải tạo các chung cư cũ. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, mới chỉ hoàn thành cải tạo 9 khối và hiện nay đang tiếp tục triển khai một số dự án. Cụ thể là nhà B4, B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn, khu I Thái Hà, nhà P3 Phương Liệt, khu 51 Huỳnh Thúc Kháng, C1 Thành Công, nhà C6 và B7 Giảng Võ...

Một khu tập thể cũ cần cải tạo sớm ở Hà Nội.

Một khu tập thể cũ cần cải tạo sớm ở Hà Nội.

Cuối năm 2016, để đẩy mạnh công tác cải tạo chung cư cũ, UBND TP. Hà Nội đã giao cho 19 doanh nghiệp lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo các khu chung cư cũ có chiều cao từ 2 - 6 tầng.

Đáng chú ý, trong số 19 doanh nghiệp được giao triển khai “giải cứu” chung cư cũ ở Hà Nội, có rất nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực BĐS được giao nhiệm vụ tham gia vào “cuộc chơi” khó khăn này, như: Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico), Tập đoàn Vingroup, Sungroup, FLC, UDIC, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Vinaconex,…

Bên cạnh những đại gia BĐS này, các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành lớn, như Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát…, cũng được giao lập quy hoạch một số dự án.

Thậm chí ngay cả những chủ đầu tư từng dính vào kiện cáo với cư dân ở các dự án cải tạo chung cư trước đây, như Công ty cổ phần Địa ốc Sông Hồng hay Tập đoàn Tung Shing..., cũng có tên trong danh sách.

Trên thực tế, việc cải tạo, nâng cấp các khu chung cư tại Hà Nội đã được đặt ra từ lâu với sự tham gia của các chủ đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, nhiều năm qua, quá trình này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, chủ yếu liên quan đến thỏa thuận đền bù, tái định cư giữa chủ dự án và người dân đang sinh sống tại các khu tập thể.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, sở dĩ việc cải tạo chung cư cũ gặp khó khăn vì nhiều lý do. Bản chất ngân sách nhà nước không có tiền đứng ra cải tạo nên để doanh nghiệp vào làm. Hiện, theo phương án cải tạo mới, chủ đầu tư phải làm cả khu thay vì làm riêng lẻ từng tòa một như trước đây.

Hơn nữa, mọi phương án cải tạo, đề xuất của doanh nghiệp đều phải xin ý kiến của dân và có sự đồng thuận nên gây khó khăn cho việc cải tạo chung cư cũ.

Hiện để đẩy nhanh công cuộc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn, tạo điều kiện thu hút các chủ đầu tư tham gia vào “giải cứu” chung cư cũ, Sở Xây dựng Hà Nội đang xây dựng một số cơ chế khung về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn để trình lên lãnh đạo TP quyết định.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội tin tưởng rằng, sau khi có cơ chế mới, việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội sẽ bước ngoặt đáng kể.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top