Aa

Những ông lớn nào đang đầu tư vào thiên đường du lịch Sapa?

Thứ Bảy, 08/10/2016 - 06:51

Thời gian gần đây, thiên đường du lịch Sapa đã lọt vào tầm ngắm của các đại gia bất động sản (BĐS). Hàng chục dự án nghỉ dưỡng 5 sao đang xây dựng, tuyến cáp treo hiện đại bậc nhất thế giới, trung tâm thương mại đẳng cấp quốc tế ... hứa hẹn nơi đây sẽ trở thành miền đất hứa cho những tham vọng lớn của các đại gia BĐS.

Thị trấn miền núi Sapa, tỉnh Lào Cai từ lâu đã là điểm đến lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước. Sapa không chỉ là xứ sở sương mù, là nơi tránh nóng lý tưởng trong mùa hè mà còn hấp dẫn khách du lịch với những nét văn hóa đặc sắc trong cuộc sống thường ngày của đồng bào các dân tộc Mông, Dao đỏ, Dáy...

Thế nhưng, tiềm năng của Sapa đến nay chưa được khai thác xứng tầm cho ngành du lịch Việt. Ở Sapa, những dự án nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản hay những khách sạn 4-5 sao vẫn còn là hàng hiếm. Mỗi dịp nghỉ lễ hay vào mùa cao điểm, Sapa lại rơi vào cảnh cháy khách sạn. Chính vì thế, không khó hiểu khi vài năm trở lại đây khi các đại gia BĐS đã chán biển lại tìm về "chung thủy" với Sapa.

Nơi đây đang thực sự trở thành miền đất hứa cho những tham vọng lớn của các đại gia BĐS, với những kế hoạch đầu tư hàng nghìn tỷ vào cơ sở hạ tầng cũng như các dự án BĐS nghỉ dưỡng 5 sao.

Theo nghiên cứu thị trường của một công ty BĐS đang kinh doanh ở đây cho thấy, Sa Pa có 126 đơn vị kinh doanh lưu trú với khoảng 1.950 phòng, 3.660 giường. Trong đó, chỉ có 5 khách sạn 2 sao, 2 khách sạn 3 sao và 1 khách sạn 4 sao, còn lại đa phần là nhà nghỉ tư nhân.

Cũng theo nghiên cứu của công ty nay, tăng trưởng khách du lịch ở Sa Pa thường khá đều đặn khoảng 20%/năm, nhưng từ 2014 – 2015 thì có sự tăng đột biến. Đồng thời, nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp ở các khách sạn 4-5 sao ngày càng tăng cao, trong khi, nguồn cung ở Sapa gần như không có. Và đây chính là mảnh đất màu mở của các ông lớn địa ốc đang rót vốn nghìn tỷ vào đây.

Xu hướng này không phải bây giờ mới nói tới, ngay từ năm 2008 khi tuyến cao tốc Hà Nội-Lào Cai trị giá tới 1,46 tỷ USD, có chiều dài 245km được khởi công xây dựng, thì đã có những đại gia BĐS đón đầu xu hướng đầu tư.

Người đi tiên phong

Trong số những đại gia BĐS Việt Nam tìm đến Sapa và làm cho nơi đây "thay da đổi thịt" phải kể đến Tập đoàn Sun Group. Tháng 11/2013, Sun Group đã chính thức khởi công tuyến cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới, lần đầu tiên có mặt tại Châu Á - Fansipan Sapa với tổng vốn đầu tư là 4.400 tỷ đồng.

Cáp treo Fansipan Sapa với 2 kỷ lục thế giới đã rút ngắn thời gian di chuyển lên “nóc nhà Đông Dương” từ 2 ngày xuống còn 15 phút.

Cáp treo Fansipan Sapa với 2 kỷ lục thế giới đã rút ngắn thời gian di chuyển lên “nóc nhà Đông Dương” từ 2 ngày xuống còn 15 phút.

Cáp treo có độ cao 3.143m so với mực nước biển, khởi điểm từ Thung lũng Mường Hoa đến đỉnh Fansipan. Mỗi cabin cáp treo Fansipan Sapa có sức chứa tối đa 30 - 35 khách, công suất vận chuyển lên tới 2.000 khách/h. Cáp treo đi vào hoạt động đã hiện thực hóa giấc mơ chinh phục “Nóc nhà Đông Dương” cho đông đảo người dân, mở ra bước ngoặt quan trọng, góp phần tạo động lực phát triển cho ngành du lịch Sapa.

Dường như, cáp treo Fansipan mới chỉ là 1 phần trong tham vọng đưa Sapa vươn tầm thế giới của Sun Group. Vào tháng 11-2015, tại hội nghị quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch vùng Tây Bắc, Tập đoàn Sun Group đã khẳng định sẽ đầu tư vào Lào Cai hơn 20.000 tỉ đồng. Trong đó, tổng kinh phí xây dựng sân bay Lào Cai là 5.789 tỉ đồng.

Sau khi hoàn thành sân bay Lào Cai, một số đường bay dự kiến sẽ được mở gồm Lào Cai đi Cát Bi; Vinh; Đà Nẵng; TPHCM. Ngoài ra, có thể mở các chuyến bay đi và đến các sân bay thuộc khu vực Tây Nam của Trung Quốc và các sân bay khu vực Đông Bắc Á.

Quyết tâm đưa Sapa trở thành tâm điểm của BĐS nghỉ dưỡng Tây Bắc của Sun Group bắt đầu lộ rõ khi mới đây, Tập đoàn này đã chính thức được UBND tỉnh Lào Cai trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án khách sạn 5 sao Accor với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Dù không tiết lộ chi tiết về dự án nhưng Sungroup từng khẳng định đây sẽ là một khu tổ hợp nghỉ dưỡng, khách sạn với quy mô lớn nhất tại Sapa từ trước đến nay.

Vingroup nhập cuộc, Hoa Sen nối gót

Sapa –Lào Cai cũng không nằm ngoài kế hoạch của “ông lớn” Vingroup bằng việc xây dựng TTTM Vincom Lào Cai và khu Shophouse Lào Cai. Hiện Vingroup đang lên kế hoạch cho dự án nông nghiệp công nghệ cao VinEco – Sa Pa, tại thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, với diện tích khảo sát quy hoạch lên tới 452ha.

Dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco – Sa Pa sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là mô hình đầu tiên trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

“Cuộc chơi nghìn tỷ” của các đại gia BĐS ở Lào Cai –Sa Pa lại càng trở nên sôi động hơn khi có nhiều đại gia mới. Đáng chú ý là sự xuất hiện của ông chủ tập đoàn Tôn Hoa Sen – Lê Phước Vũ, vị doanh nhân này đang chạy đua rót nghìn tỷ vào địa ốc với những kế hoạch lớn.

Ngoài những địa phương khác, ông Vũ đã cho lập công ty con Hoa Sen Yên Bái để đầu tư vào một khách sạn 4 sao 1200 tỷ ngay trung tâm thành phố và khu du lịch tâm linh, sinh thái quy mô tới 1.000ha, trong đó 400ha mặt nước ở đầm Vân Hội (Yên Bái).

Khu đô thị The Manor Eco 1.500 tỷ đồng

Cuối năm 2011, Công ty Cổ phần Bitexco thuộc Tập đoàn Bitexco sẽ chính thức động thổ và công bố quy hoạch 1/500 dự án Khu đô thị kinh tế sinh thái The Manor Eco Lào Cai với tổng kinh phí đầu tư 1.500 tỷ đồng.

The Manor Eco Lào Cai sẽ là khu đô thị kinh tế sinh thái hiện đại, đồng bộ cao cấp tại tỉnh Lào Cai đáp ứng các nhu cầu khác nhau về nhà ở, văn phòng, thương mại.

Theo Bitexco, đây là dự án trọng điểm của tỉnh Lào Cai về cả quy mô lẫn định hướng phát triển, là dự án tiên phong trong sự phát triển các khu đô thị của tỉnh, đồng thời cũng thể hiện sự phát triển năng động của thành phố Lào Cai hiện đại.

Dự án The Manor Eco Lào Cai có tổng diện tích sàn xây dựng là 208.000m2 với 500 căn hộ cao cấp, 441 biệt thự, khu văn phòng, trung tâm thương mại, nhà hàng.

Đặc biệt, với mục đích gia tăng lợi ích về kinh tế, trong số 441 căn biệt thự, khoảng 300 căn được thiết kế theo mô hình nhà ở tầng trên, cửa hàng ở tầng trệt, giúp chủ hộ có thể kinh doanh hoặc cho thuê lại, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho chủ nhà.

Tổng thể dự án được thiết kế giống như một công viên mở bao gồm các tiểu công viên. Xen kẽ và bao quanh các khối nhà và các dãy biệt thự là khu sân chơi, vườn hoa, cây xanh hướng đến thiên nhiên xanh mát như đặc thù vốn có của vùng đất này.

Ngoài ra, dự án được thiết kế khéo léo mô phỏng địa hình ruộng bậc thang và những thung lũng trải dài của khu vực Tây Bắc, tạo ra điểm nhấn bất ngờ tại một dự án cao cấp hiện đại, đồng thời mang lại cảm giác nhẹ nhàng hòa mình vào thiên nhiên.

Dự án The Manor Eco Lào Cai do Công ty cổ phần Bitexco đầu tư và được thiết kế bởi công ty thiết kế kiến trúc nổi tiếng thế giới S.A.I Associates đến từ Hàn Quốc, đơn vị đã từng thiết kế nhiều dự án hiện đại ở Việt Nam, trong đó có Khu chung cư cao cấp The Manor Thành phố Hồ Chí Minh và The Manor Hà Nội.

Ngoài những dự án "khủng" trên hiện nay tại Sapa còn có hàng chục dự án bất động sản lớn, nhỏ khác với tổng vốn đầu tư từ hàng chục đến hàng nghìn tỷ đồng như khu du lịch sinh thái Tả Phìn rộng 27ha, với vốn đầu tư gần 20 triệu USD. Dự án Resort Sencoin vốn đầu tư 178 tỷ đồng, dự án Lao Chải vốn đầu tư 100 tỷ đồng, dự án Resort Thung Lũng Vàng vốn đầu tư 65 tỷ đồng...cũng đang được các chủ đầu tư xúc tiến triển khai.

Hay như Sapa Indochina International, vốn đầu tư 170 tỷ đồng và dự án Indochina Spa & Resort hiện cũng đã được cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500. Mới đây nhất, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai năm 2016, UBND tỉnh Lào Cai cũng vừa trao giấy chứng nhận cho Dự án khách sạn 3 sao Cao nguyên Sa Pa của Công ty Cổ phần du lịch dịch vụ Sa Pa, với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng.

Có thể thấy rõ, sau khi hàng loạt các dự án nâng cấp hạ tầng du lịch Sapa được phê duyệt và triển khai, đặc biệt kể từ sau thời điểm Cao tốc Nội Bài – Lào Cai chính thức thông xe tháng 9/2014 thì thị trường dất động sản Sapa đã trở nên sôi động rõ rệt.

Vùng đất này sẽ không còn lặng lẽ khi hàng loạt các ông lớn đã và đang có kế hoạch đầu tư vào đây. Ở thời điểm hiện tại, khi thị trường đang có những dấu hiệu phục hồi, giá bất động sản nghỉ dưỡng Sapa còn thấp sẽ là một cơ hội đầu tư lớn cho khách hàng./.

Thủ tướng vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030 nhằm phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, chất lượng cao, thu hút khoảng 5,2 triệu lượt du khách..

Theo Quy hoạch, Khu du lịch quốc gia Sa Pa thuộc địa bàn toàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia là 1.500 ha.

Theo định hướng phát triển sản phẩm du lịch, sản phẩm du lịch chính của Sa Pa hướng tới là: sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch tham quan, du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng.

Trong đó, Sa Pa đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù để tận hưởng khí hậu, cảnh sắc thiên nhiên và bản sắc văn hóa của người dân bản địa theo các chương trình du lịch “Sa Pa - xứ sở của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại hấp dẫn” và “Sa Pa - Vùng đất của sự trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống”; sản phẩm du lịch “Chinh phục đỉnh cao” gắn với đỉnh Fansipan, nóc nhà Đông Dương (huyện Sapa), đỉnh Ky Quan San và đỉnh Nhìu Cù San, thiên đường săn mây của giới trẻ (huyện Bát Xát); du lịch nghỉ dưỡng ngắm tuyết rơi vào mùa đông.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top