Zoom Cloud Meetings đang trở thành công cụ làm việc và học tập phổ biến trong thời gian cách ly xã hội để ngăn chặn Covid-19. Theo CNBC, phần mềm này được sử dụng nhiều trên toàn cầu nhờ hoạt động đơn giản, hiệu quả và miễn phí.
Tuy nhiên, Zoom bị chỉ trích vì vi phạm quyền riêng tư và liên tục gặp sự cố bảo mật. Sự xuất hiện dày đặc của các cuộc tấn công nhằm vào lớp học, phòng ảo trên Zoom gần đây khiến nhiều người lo ngại và tìm kiếm giải pháp thay thế tiềm năng.
Cisco Webex
Giao diện của Webex và Zoom khá giống nhau, giúp người dùng không mất nhiều thời gian làm quen. Thực tế, Eric Yuan, nhà sáng lập Zoom, bắt đầu sự nghiệp ở vị trí kỹ sư phần mềm của Webex - công ty sau đó sáp nhập vào Cisco năm 2007.
Từ tháng 3, Webex nâng cấp tính năng cho người dùng miễn phí tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi Covid-19, gồm bỏ giới hạn thời gian 40 phút và cho phép tối đa 100 thành viên tham gia. Bên cạnh đó, chủ phòng họp có thể tùy chọn mã hóa đầu cuối từng cuộc họp trên Webex để tránh những vụ tấn công như Zoom. Ngoài phiên bản miễn phí, Webex cung cấp gói dịch vụ 13,5 USD mỗi tháng với một số tính năng cao cấp như hỗ trợ lưu trữ video hoặc ghi âm cuộc họp trên đám mây, liên kết nhiều phòng họp...
Microsoft (Teams và Skype)
Microsoft Teams là phần mềm họp trực tuyến dành cho doanh nghiệp, nằm trong bộ công cụ Office 365. Khi Covid-19 bùng phát, Microsoft cho phép các tổ chức tạo phòng họp miễn phí, hỗ trợ tối đa 250 thành viên, tính năng chia sẻ màn hình và ghi hình cuộc họp. Nếu đăng ký gói Teams giá 5 USD mỗi tháng, người dùng được tặng kèm một terabyte dung lượng lưu trữ, không bị hạn chế thành viên tham gia cuộc họp và một số tính năng cao cấp khác.
Ngoài ra, Microsoft cũng bổ sung cho phần mềm gọi video Skype tính năng Meet Now để đáp ứng tốt hơn nhu cầu cá nhân. Với Skype Meet Now, người dùng có thể tạo phòng họp tối đa 50 người tham gia chỉ qua đường dẫn trên web mà không cần tải phần mềm hay đăng ký tài khoản. Tuy nhiên, Microsoft khuyến cáo tải phần mềm để khai thác thêm nhiều tính năng mở rộng như làm mờ hậu cảnh và lưu trữ bản ghi cuộc gọi trong 30 ngày. Hạn chế của Skype là thiếu nhiều thiết lập dành cho chủ phòng họp so với Zoom.
Google Hangouts Meet
Với dịch vụ gọi video miễn phí Hangouts, người dùng có thể tạo phòng họp ảo quy mô dưới 10 người, trò chuyện bằng tin nhắn văn bản và chia sẻ màn hình. Tháng trước, công ty giới thiệu thêm Hangouts Meet, cho phép khách hàng G-Suites tạo phòng họp tới 250 thành viên tùy theo gói dịch vụ. Với giá khởi điểm 6 USD mỗi tháng, người dùng G-Suite được quyền tạo tên miền Gmail riêng, lưu trữ không giới hạn trên Google Cloud và truy cập tất cả dịch vụ dành cho doanh nghiệp khác như Google Calendar, Docs, Sheet, Slides... Hạn chế của Hangouts là không có thiết lập mã hóa đầu cuối cuộc họp.
Bảo mật khi họp trực tuyến
Thực tế, các ứng dụng gọi video phổ biến như FaceTime, Messenger hay Snapchat, Signal đều có sẵn tính năng gọi nhóm. Snapchat cho phép gọi video với 16 người và hỗ trợ mã hóa đầu cuối. Chức năng gọi nhóm của Messenger cũng hạn chế tối đa sáu thành viên tham gia cuộc gọi video và 50 thành viên tham gia cuộc gọi nhóm thông thường. WhatsApp chỉ cung cấp gọi video mã hóa dưới bốn người.
Theo Quartz, nhiều dịch vụ họp trực tuyến có đủ khả năng thay thế Zoom, nhưng không sự lựa chọn nào hoàn hảo cho mọi người bởi chúng cũng có nhược điểm riêng về chi phí sử dụng, bản miễn phí lại giới hạn thời gian cuộc họp, lượng thành viên tham gia, thiếu mã hóa đầu cuối...
CEO Zoom Eric Yuan nhiều lần xin lỗi vì sự cố và cam kết tập trung khắc phục khuyết điểm bảo mật trên Zoom trong 90 ngày, như thêm tính năng mã hóa cuộc họp và đuổi thành viên phá rối. Cho đến khi tìm ra giải pháp thay thế phù hợp, người dùng cần tuân thủ các bước bảo mật, không chia sẻ ID phòng họp trên mạng xã hội, giới hạn quyền chia sẻ màn hình và kích hoạt chế độ phòng chờ phê duyệt thành viên tham gia. Đối với những thông tin nhạy cảm, cách an toàn nhất là tránh trao đổi trên Zoom trong thời gian này.