Aa

"Những phán quyết về thuế không thể đẩy lên Thủ tướng"

Thứ Sáu, 11/01/2019 - 20:11

Yêu cầu ngành thuế khắc phục tình trạng tham nhũng vặt, làm xói mòn niềm tin, gia tăng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, “những phán quyết về thuế không thể đẩy lên Thủ tướng và Chính phủ, phạt hay không phạt phải theo luật".

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Thành Chung

Ngày 10/1, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị triển khai công tác thuế năm 2019. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự và phát biểu chỉ đạo.

Thu thuế đạt trên 1 triệu tỷ đồng

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, kết quả thu ngân sách năm 2018 của Tổng cục Thuế đạt trên 1,146 triệu tỷ đồng, bằng 107,2% dự toán, tăng 12,3% so với thực hiện năm 2017. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 66.048 tỷ đồng, thu nội địa đạt 1,08 triệu tỷ đồng.

Về tổng thể, hầu hết các địa phương đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán pháp lệnh (61/63 địa phương). Trong đó, có 48/63 địa phương vượt trên 7,3% dự toán (mức vượt theo nhiệm vụ phấn đấu thu), còn 2 địa phương không hoàn thành dự toán do bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân khách quan là Bình Dương, Đồng Nai. Có 61/63 địa phương tăng thu so với cùng kỳ, trong đó có 24 địa phương tăng trưởng ở mức cao từ 15% trở lên.

Trong năm qua, về cơ bản người nộp thuế đều chấp hành tốt việc kê khai, nộp thuế kịp thời, sát với số phát sinh, bình quân chung cả nước, tổng số tờ khai thuế đạt 98% trên tổng số tờ khai phải nộp, tỷ lệ tờ khai nộp đúng hạn/tờ khai đã nộp đạt 95%.

Điểm qua những kết quả đạt được của ngành thuế năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận lần đầu tiên thu ngân sách nhà nước qua hệ thống thuế vượt mức hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 7,3% so với dự toán, tăng 12,3% so với năm trước. Tốc độ tăng thu nội địa cao hơn tăng trưởng GDP cộng với yếu tố trượt giá, điều này thể hiện thực lực của nền kinh tế. Tính trong 10 năm qua, tổng thu của ngành thuế tăng hơn 3,4 lần. Có 40 địa phương đã lên top 5.000 tỷ đồng, 18 địa phương vào top 10.000 đồng, tăng gấp 6 lần so với 10 năm trước.

Phó Thủ tướng đánh giá, năm 2018, ngành thuế đạt được kết quả như vậy là do đặt mục tiêu phấn đấu cao ngay từ đầu (vượt trên 7% dự toán-PV), đây là bài học để tạo động lực và áp lực trách nhiệm, muốn có phấn đấu cao thì phải có chỉ tiêu cao. Cùng với đó là sự chỉ đạo điều hành quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, lãnh đạo Tổng cục, sự vào cuộc đồng bộ của cục thuế các địa phương, sự phối hợp với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương.

Tổng cục đã triển khai nhiều giải pháp từ công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, quản lý kê khai thuế, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là sự cố gắng của hơn 4 vạn cán bộ thuế. Ngành thuế đã thành công toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đồng đều, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính, ngân sách của năm 2018 của ngành tài chính nói chung, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của cả nước, tạo tiền đề tốt cho cải cách chính sách, chiến lược thuế và nhiệm vụ công tác thuế những năm tiếp theo.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Ảnh: VGP/Thành Chung

Xây dựng ngành thuế hiện đại

Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2019, Phó Thủ tướng đề nghị ngành thuế tiếp tục quán triệt Nghị quyết 01 về và Nghị quyết 02 của Chính phủ triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược cải cách thuế đến năm 2020 và quán triệt chương trình hành động của ngành tài chính, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành tài chính, với tinh thần “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.

Nhắc ngành thuế tiếp tục cải cách hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, Phó Thủ tướng cho biết kỳ họp tới Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đây là cơ hội quan trọng với ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng. Do đó, phải hết sức lắng nghe với tinh thần cầu thị, tiếp thu tối đa các ý kiến, đặc biệt là của đối tượng chịu sự tác động là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đối tượng nộp thuế, để hoàn thiện và có bộ luật có chất lượng cao nhất, mang tính ổn định khá lâu dài, định hướng cho ngành tài chính, ngành thuế ít nhất trong 10 - 20 năm, trên tinh thần khắc phục cho được những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện luật hiện hành, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của ngành thuế theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Đặc biệt là việc quản lý các giao dịch liên kết, chống chuyển giá theo thông lệ quốc tế, quản lý thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro, quy trình thủ tục giải quyết nợ đọng và cưỡng chế thuế hay mối quan hệ giữa các bộ, ngành trong chức năng quản lý thuế.

Nêu lên một trong những vấn đề đang vướng mắc hiện nay là giải quyết mối quan hệ giữa việc thực hiện các kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với phán quyết của cơ quan thuế sao cho đúng với pháp luật, Phó Thủ tướng nêu rõ “những phán quyết về thuế không thể đẩy lên Thủ tướng và Chính phủ ngồi giải quyết, phạt hay không phạt phải theo luật. Có gì không đúng là phải qua con đường giải quyết vấn đề khiếu nại, tố cáo, thậm chí giải quyết tranh chấp ở tòa án”.

Từ thực tiễn công tác quản lý thuế, ngành tham mưu sửa đổi các luật về chính sách thuế, để có những chính sách thuế bám sát đường hướng cải cách chính sách thuế theo Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cải cách phải nhất quán, tiên lượng được, tránh chuyện điều chỉnh quá nhiều, đôi khi không đúng với bản chất của các loại thuế.

Phó Thủ tướng đặt hàng ngành thuế phối hợp với Bộ Tài chính có báo cáo về thực trạng thu hút đầu tư FDI, hoạt động kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, chính sách ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài trong quý I/2019 để Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về định hướng chính sách thu hút FDI trong thời gian tới. Tinh thần là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc hơn (về công nghệ, thân thiện với môi trường, sẵn sàng kết nối chuỗi giá trị), nhưng cũng thiết kế chính sách ưu tiên, ưu đãi phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình hiện nay.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành nghiên cứu, chủ động đề xuất với Bộ Tài chính và Chính phủ ban hành thể chế chính sách thích ứng trong điều kiện kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới, thanh toán mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, công nghệ tài chính (fintech)… Cùng với đó, Tổng cục giúp Bộ rà soát các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn liên quan đến hành thu quản lý thuế theo tinh thần nghị định phải phù hợp với luật. Luật có bất cập phải sửa đổi, bổ sung, nghị định không hướng dẫn những nội dung mà luật không quy định. Không để tình trạng lấy công văn để điều chỉnh các vấn đề quy phạm pháp luật về thuế, tùy tiện đặt ra vấn đề pháp luật không cho phép, nhằm bảo đảm minh bạch, có tiên lượng được cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Về quản lý thu thuế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị ngành rà soát lại để có thể giao chỉ tiêu tích cực hơn, tạo động lực và áp lực trách nhiệm với các bộ, ngành, địa phương, nhưng trên cơ sở “có lý, có tình”, phù hợp với từng địa phương. Cần xem xét lại chỉ tiêu giao chung, đặt chỉ tiêu tích cực hơn ở những địa bàn có dư địa có thể tăng thu. Bên cạnh đó, ngành thực hiện giải pháp chống xói mòn cơ sở thuế, chống thất thu thuế; phối hợp với địa phương, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê để xây dựng đề án thống kê đầy đủ GDP chưa được quan sát gồm cả kinh tế phi chính thức, kinh tế hộ gia đình tự cung, tự cấp. Triển khai tích cực hóa đơn điện tử, hoàn thành ở Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn.

“Làm được điều này sẽ giảm bớt phạm vi quản lý theo thuế khoán. Hình thành văn hóa đóng thuế, cùng với thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt thì nền kinh tế minh bạch lên, kinh doanh nhiều nộp thuế nhiều, kinh doanh ít nộp thuế ít, không có kinh doanh thì không nộp thuế”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề cập đến việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro. Việc thanh tra, kiểm tra không được gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Ngành giúp Bộ tham mưu cho Chính phủ từng bước hoàn thiện công tác dự báo thu. Chuyển dần việc dự toán như hiện nay sang dự toán thu trên cơ sở dữ liệu về kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 07, tránh chuyện đến ngày làm dự toán, lãnh đạo chủ chốt tỉnh ra Bộ Tài chính để "đàm phán" về dự toán thu.

Phó Thủ tướng nhận định, cơ sở để hoàn thành dự toán năm 2019 là khả thi hơn 2018, vì vậy trong mùa làm dự toán ngân sách năm 2020 phải tăng cường công tác dự báo công tác thu, dự toán thu trên cơ sở dữ liệu về kinh tế - xã hội. “Đồng chí nào làm được việc đó thì giao cho làm Tổng cục trưởng, không thì thôi để người khác làm”, Phó Thủ tướng thẳng thắn nhắn gửi Bộ trưởng Tài chính.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành thuế tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu, giúp Chính phủ hàng năm xuất bản sách trắng về sức khỏe doanh nghiệp, kiến nghị các giải pháp thu… Toàn ngành cũng cần tiếp tục duy trì động lực cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh phát huy tinh thần văn hóa của ngành Thuế, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, làm xói mòn niềm tin, làm hư hỏng cán bộ và làm gia tăng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, hạn chế sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Xây dựng đạo đức văn hóa công chức, công vụ ngành thuế, nói không với tiêu cực. “Ngành thuế phải ký giao ước thi đua là không có tiêu cực, giảm tham nhũng vặt bao nhiêu, xác định trách nhiệm người đứng đầu có làm được việc đó không trước khi cân nhắc bổ nhiệm vào vị trí cao hơn, hoặc có tiếp tục sử dụng ông hay không”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Cho rằng “để người dân kêu nhiều quá không được”, Phó Thủ tướng yêu cầu xây dựng hình ảnh cán bộ thuế tốt đẹp hơn, mang lại niềm tin trong nhân dân và “phải xây dựng văn hóa nộp thuế là yêu nước, nộp thuế là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân, xây dựng quan hệ trong ngành trên tinh thần lấy người nộp thuế là đối tác chứ không phải là đối tượng, lấy người nộp thuế là trung tâm, tinh thần là cộng tác và đối tác, chia sẻ và hướng dẫn”. Cùng với đó, toàn ngành cần đẩy mạnh giảm biên chế, sắp xếp bộ máy một cách chắc chắn, quyết tâm, quyết liệt, thận trọng nhưng duy trì ổn định của ngành, theo lộ trình, tránh tình trạng “nóng đâu phủi đó”, gắn với đó là giải quyết nhà đất, trụ sở, sắp xếp lãnh đạo…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top