Chẳng cần ví dụ đâu xa, sự kiện đang nóng bỏng nhất, hiện đã, đang và sẽ tiếp tục tốn nhiều giấy mực của giới báo chí và các chuyên gia, đó là việc đặt vị trí trạm thu phí của Dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang).
Cho đến nay, qua tất cả những thông tin có được, qua phân tích của nhiều chuyên gia, có thể nhận định rằng, đã có sai lầm khi đặt trạm thu phí ở vị trí hiện tại. Và sai lầm này ở cấp Bộ, tức là cấp quốc gia, có nghĩa là ở tầng chóp nón khá cao. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tạm dừng thu phí một đến hai tháng và giao cho Bộ GTVT cùng các cơ quan liên quan đánh giá toàn diện dự án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn. Thủ tướng nhấn mạnh, có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa.
Để đạt được mục tiêu như vậy, chúng ta nên tiếp cận vấn đề này bắt đầu từ đâu?
Đầu tiên, phải khẳng định rằng, việc làm tuyến đường tránh ở thị xã Cai Lậy là cần thiết và áp dụng hình thức BOT trong hoàn cảnh khi đó cũng như hiện tại là đúng đắn. Chẳng thế, dự án được Bộ KH&ĐT ủng hộ, có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho biết thống nhất với Bộ GTVT về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy theo hình thức BOT.
Sau đó, ngày 11/11/2013, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký văn bản đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến tránh theo hình thức hợp đồng BOT này có chiều dài 12km. Tất cả đều đúng quy trình. Lúc này chưa định vị trạm thu phí.
Thế nhưng, trong quyết định phê duyệt dự án ngày 19/12/2013, Bộ GTVT đã đưa thêm hợp phần "tăng cường mặt đường quốc lộ 1 qua Tiền Giang dài 26,5km, từ km1987+560 đến km2014", bên cạnh hợp phần chính là xây dựng mới tuyến tránh dài 12km. Việc này cũng không sai về mục tiêu nhưng lại có điều không “minh bạch” về nguồn vốn đầu tư. Bởi lẽ, các phương tiện giao thông đã tham gia đóng phí bảo trì đường bộ, trong đó có đường quốc lộ 1.
Tôi cho rằng, sai lầm đầu tiên bắt nguồn từ sự thiếu minh bạch này.
Hệ lụy tiếp theo của nó là phải “tạo điều kiện cho chủ đầu tư thu hồi vốn” khi đã bỏ một khoản tiền khoảng 300 tỷ đồng để “tăng cường mặt đường quốc lộ 1 qua Tiền Giang dài 26,5km”. Từ đó, trạm thu phí đã được đặt vào vị trí bắt buộc như thế cờ đã được sắp sẵn, có sự đồng thuận giữa Bộ GTVT và các cấp lãnh đạo tại địa phương.
Hệ lụy tiếp nữa thì nhiều người đã biết rồi. Những phản ứng của nhiều người dân hiện nay cũng dễ hiểu, bởi lẽ những sai lầm này họ không gây ra nhưng họ lại phải gánh chịu hậu quả!
Cho đến nay, Bộ GTVT luôn khẳng định đã tuân thủ chặt chẽ quy trình mà pháp luật quy định khi thực hiện dự án này. Chỉ có điều chưa lần nào giải thích được rằng, luật pháp đã bao giờ cho phép cùng một sản phẩm nhưng người sử dụng phải nộp tiền trùng lắp 2 lần!
Thế có nghĩa là, trong hệ thống pháp lý của nước nhà, có những khiếm khuyết cần phải xem xét, phân tích và khắc phục.
Trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải nhanh chóng giải quyết những vướng mắc tại dự án BOT Cai Lậy, các chuyên gia đã phân tích và đưa ra nhiều phương án xử lý.
Có 4 hướng chính được hiến kế: Hoặc là phải đưa trạm về đường tránh; hoặc là Nhà nước chi trả tiền để "lấy lại" quốc lộ 1; hoặc là chủ đầu tư khởi kiện Bộ GTVT vì đã cho phép đặt trạm BOT trên quốc lộ; hoặc là dời trạm đồng thời với cấm một số loại xe qua quốc lộ giờ cao điểm.
Đã là sai lầm thì hướng xử lý nào cũng phải trả giá.Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã từng chia sẻ lấy làm tiếc về việc diễn ra nhiều ngày tại trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ông mong muốn nhà đầu tư, tổ chức tín dụng và Bộ GTVT cùng nhau họp bàn và đưa ra phương án giải quyết trên cơ sở hài hòa lợi ích. Ông nói: “Tuy nhiên, trong trường hợp nhà đầu tư khởi kiện thì buộc phải ra tòa”.
Còn có những lập luận “cứng rắn” hơn, tức là theo nguyên tắc “dám làm dám chịu”, tự phân biệt phải trái, không đổ lỗi cho cấp này cấp kia, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn khẳng định: “Phải dời trạm thu phí!”. Ông nói: “Trong trường hợp này, về phần chi phí cải tạo quốc lộ 1 mà tư nhân đã bỏ ra, Nhà nước phải hoàn trả cho nhà đầu tư. Nhà nước làm được như vậy thì toàn dân cũng sẽ đồng thuận và hết lòng ủng hộ”.
Thế mới biết, nếu cấp càng cao, khi mắc sai lầm sẽ gây hậu quả càng lớn, tựa như một hình chóp nón úp. Nhưng nếu hậu quả càng lớn thì khả năng nhận ra sai lầm lại càng nhỏ, tựa như một hình chóp nón ngửa!