Trong năm 2016, Việt Nam đạt 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 26% so với năm 2015. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế tới Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng.
Thái Lan đã đạt được mức 10 triệu lượt khách quốc tế từ năm 2001 và đã đạt 32,5 triệu lượt khách trong năm 2016, trong khi đó Malaysia đạt được mốc 10 triệu lượt khách vào năm 2000 và đạt 26,8 lượt khách trong năm 2016. Có thể thấy lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực.
Về mặt dài hạn, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực, mức độ tăng trưởng CAGR hàng năm đạt 12,1% trong giai đoạn 2010 – 2016. Trong khi đó, Thái Lan đạt mức tăng trưởng 12,7%, Philippines đạt 9,2% và Indonesia đạt 7,5%.
Tuy nhiên Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào một vài nguồn khách.
Năm 2016, chỉ với 2 nguồn thị trường đã chiếm 42% tổng lượng khách quốc tế, trong đó Trung Quốc chiếm 27% và Hàn Quốc chiếm 15%. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có nhiều những chính sách để đa dạng hóa nguồn khách quốc tế và do đó vẫn phải chịu rủi ro về sự bất ổn của các thị trường này.
Đối với thị trường “Ngôi nhà thứ hai” tại Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc, nguồn cầu và nguồn cung đang gặp phải những thách thức lớn. Tại các thị trường này, nếu chỉ tính đến nguồn cung trong tương lai có khả năng đi vào hoạt động trong phân khúc từ hạng trung đến cao cấp, nguồn cung sẽ tăng gần 30% trong mỗi năm trong giai đoạn ba năm tới.
Dự kiến, hoạt động kinh doanh tại các thị trường này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong những năm tới mặc dù mức độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế & khách nội địa vẫn khá ổn định.
Hầu hết các dự án “Ngôi nhà thứ hai” đều đạt được thành công nhất định trong việc chào bán trên thị trường. Tuy vậy, đa số các dự án này vẫn trong quá trình xây dựng và chưa được đưa vào vận hành. Ngoài ra, rất nhiều chủ đầu tư đưa ra mức cam kết lợi nhuận cao, làm tăng đáng kể mức độ rủi ro cho cả chủ đầu tư và người mua.
Vì vậy, các chủ đầu tư nên thận trọng trong giai đoạn hoạch định ban đầu, xem xét kỹ lưỡng các rủi ro của việc cam kết lợi nhuận, tính đến sự biến động của thị trường và các xu hướng BĐS nghỉ dưỡng trong tương lai.
Đặc biệt, các chủ đầu tư cần phải hoạch định cẩn trọng trong việc quản lý, vận hành để đảm bảo hiệu quả tài chính khi đưa dự án vào hoạt động.